| Hotline: 0983.970.780

Hút vốn đầu tư vào nông nghiệp

Thứ Ba 10/02/2015 , 09:05 (GMT+7)

Ngày 9/2, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT đã tổ chức 2 buổi gặp mặt quan trọng nhằm thu hút sự quan tâm của các DN Việt kiều và các DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn (NN-NT). 

Đó là Diễn đàn kết nối DN Việt kiều với DN trong nước và Cuộc họp nhóm công tác thu hút đầu tư NN-NT.

Tạo mạng lưới tiêu thụ nông sản

Tại Diễn đàn kết nối DN Việt kiều và DN trong nước, Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát chia sẻ, tháng trước khi sang CHLB Đức, Bộ trưởng đã gặp gỡ một số doanh nhân Việt kiều và một số doanh nhân Việt Nam đang sang bên đó làm ăn. Các doanh nhân đều tỏ ra rất tâm huyết, mong muốn được làm điều gì đó cho quê hương, đất nước.

Về lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nhân hỏi Bộ trưởng cái gì là khó nhất hiện nay, Bộ trưởng nói khó nhất là thị trường, đầu ra cho nông sản. Hiện nay, về sản xuất, nông dân đã làm rất tốt, nhưng khâu chế biến, tiêu thụ nông sản còn kém.

Các doanh nhân ở Đức liền gợi ý Bộ trưởng nên tổ chức một buổi gặp gỡ để doanh nghiệp Việt kiều ở các quốc gia trên thế giới có dịp gặp gỡ, nắm bắt được tình hình sản xuất nông nghiệp trong nước, qua đó có thể tham gia vào việc giúp đỡ nông dân Việt Nam tiêu thụ nông sản.

Đây cũng là cơ hội để các DN Việt kiều muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trong nước tìm được những đối tác tin cậy. Từ sự gợi ý đó, Bộ NN-PTNT đã tổ chức một diễn đàn kết nối DN Việt kiều đến từ nhiều nước trên thế giới như Nga, Canada, Israel, Pháp, Đức… với các DN trong nước.

Đáp lời của Bộ trưởng, nhiều doanh nhân Việt kiều đã ngỏ ý muốn trở thành cầu nối để đưa nông sản Việt Nam thâm nhập vào những thị trường mà họ đang sinh sống, làm ăn, hay cung cấp những thông tin thiết thực về thị trường, khoa học, công nghệ, đào tạo, đầu tư… liên quan đến nông nghiệp.

Bà Đinh Kim Nguyệt, một doanh nhân Việt kiều ở Canada, cho biết, Việt Nam đang đứng thứ 3 về XK gạo trên thế giới, nhưng người Việt ở Canada dù rất muốn nhưng lại không thể mua gạo Việt Nam để sử dụng. Các DN Việt Nam đã bắt đầu đưa một số loại trái cây vào Canada nhưng công tác tiếp thị, hậu mãi lại rất kém.

Chẳng hạn, có DN đưa trái thanh long sang Canada và đổ ra bán nhưng không có những hoạt động giới thiệu cho người tiêu dùng bản xứ biết đó là trái gì, hương vị ra sao… Vì thế, các DN XK nông sản Việt Nam cần chú ý tới điều này.

Bà Vũ Thị Mai Liên, một doanh nhân đến từ Liên bang Nga, chia sẻ, thị trường Nga có nhu cầu không nhỏ với 4 loại trái cây mà Việt Nam có thế mạnh là thanh long, xoài, nhãn và vải. Nhưng những loại trái cây này, nếu đưa bằng đường hàng không sang Nga, giá thành sẽ bị đội lên nhiều, khó cạnh tranh với các loại trái cây khác. Còn đưa bằng đường biển, thời gian dài, trái cây khó giữ được chất lượng với những cách bảo quản như hiện nay…

Ghi nhận ý kiến, thông tin của các doanh nhân Việt kiều, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, mong muốn của Bộ NN-PTNT là tạo một mạng lưới thông suốt từ trong ra ngoài nước để đưa nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường trên thế giới. Bộ NN-PTNT muốn hợp tác chặt chẽ cùng các DN Việt kiều để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.

Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh tới những vấn đề cần quan tâm giải quyết nhằm thúc đẩy đầu tư vào NN-NT.
Trước hết, là sự bất hợp lý ở khâu chính sách, khi vẫn còn những khoảng trống về chính sách như thiếu chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ trong chế biến nông lâm thủy sản.
Chẳng hạn trong ngành chế biến gỗ, nhiều loại ốc, vít bản lề… vẫn phải NK từ nước ngoài. Nhiều chính sách tốt nhưng DN và nông dân vẫn khó tiếp cận. Sản xuất nông nghiệp cũng phải được tổ chức lại, đó là mối liên kết giữa DN với nông dân, là tổ chức của nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Công tác nghiên cứu và chuyển giao KHCN cũng cần thay đổi theo hướng gắn liền với nhu cầu của DN…

Về phía Nhà nước, Chính phủ đang đàm phán hàng loạt Hiệp định tự do thương mại. Riêng Bộ NN-PTNT đang tích cực liên hệ, làm việc với Bộ NN ở nhiều nước để trao đổi, thống nhất các quy trình, thủ tục… nhằm thúc đẩy XK nông sản Việt Nam vào các nước này.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư NN-NT

Tại cuộc họp nhóm công tác thu hút đầu tư NN-NT, có sự tham gia của hàng chục DN lớn đang đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, nông nghiệp nước ta dù đạt nhiều thành tựu nhưng vẫn còn những tồn tại lớn như sản xuất chưa gắn với thị trường, XK thô là chủ yếu nên giá trị thấp, thu nhập của nông dân chưa tương xứng với công sức bỏ ra, nhiều loại vật tư đầu vào chưa tự chủ được…

Tất cả những điều đó liên quan đến sự thiếu hụt của khối DN. Bởi hiện nay, cả nước có khoảng trên 400 ngàn DN, thì chưa tới 10% trong đó có liên quan đến nông nghiệp, nông thôn.

Còn nếu chỉ tính những DN nông nghiệp thực sự thì chưa tới 4.000 đơn vị.

Trong khi đó, để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thì việc tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ cho DN hoạt động có hiệu quả, khuyến khích nhiều hơn DN tham gia đầu tư NN-NT, được coi là khâu đột phá then chốt.

Còn theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNN- NT, để mở ra làn sóng đầu tư vốn, thay đổi mạnh mẽ về công nghệ, mở cánh cửa để nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường trong và ngoài nước, thì phải phát triển mạnh đội ngũ DN và tạo mối liên kết chặt chẽ giữa DN với nông dân.

18-14-58_nh-2-dien-dn
Chế biến tôm XK

Việc thu hút sự tham gia của các DN vào NN-NT, cũng là sự quan tâm của các tổ chức tài chính lớn trên thế giới. Ông Cao Văn Bình, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết, trước đây, các dự án của WB thường tập trung hỗ trợ nông dân. Gần đây, các dự án của WB đã quan tâm tới việc hỗ trợ DN, xem DN như là đầu tàu kéo cả chuỗi giá trị sản xuất nông sản.

Ở góc độ của DN XK tôm lớn nhất nước (đạt kim ngạch trên 700 triệu USD năm 2014), ông Lê Văn Quang, TGĐ Tập đoàn Minh Phú, cho rằng, nhà nước cần có chính sách khuyến khích các DN đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực thủy sản.

Bởi hiện nay, các nhà máy chế biến thủy sản XK của Việt Nam đã có thể làm tốt các mặt hàng giá trị gia tăng, nhưng những thứ phụ trợ như gia vị, nước sốt, hóa chất… đều đang phải NK từ Thái Lan khiến cho DN Việt Nam thường bị động trong chế biến.

Bên cạnh đó, để hạ giá thành sản xuất tôm nguyên liệu nhằm cạnh tranh tốt với tôm các nước khác, ngành nông nghiệp cần tập trung đầu tư vào con giống bố mẹ sạch bệnh, mà cụ thể là liên kết với một DN làm giống tôm ở Hawaii (Mỹ) vì nguồn nước biển sâu ở đây có thể đảm bảo cho việc sản xuất con giống bố mẹ sạch bệnh.

Theo ông Ngô Minh Hải, đại diện Tập đoàn TH True Milk, 2 vấn đề cốt lõi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp là giải quyết bài toán tiểu điền và tổ chức lại sản xuất của nông dân.

Giải quyết bài toán tiểu điền bằng mô hình cánh đồng lớn có thể giúp tối ưu hóa chuỗi giá trị sản xuất. Tổ chức lại sản xuất của nông dân theo mô hình HTX sẽ thúc đẩy việc hình thành các mối liên kết DN – nông dân.

Ông Nguyễn Thể Hà, đại diện Cty Bùi Văn Ngọ cho rằng, phải đưa nông dân Việt Nam từ thế bị động như hiện nay chuyển sang thế chủ động.

Theo đó, cần đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp. Không thể để nông dân tiếp tục sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay vì như thế sẽ khó đi ra biển lớn.

Ông Bùi Quang Huy, GĐ Trung tâm Phát triển dịch vụ mới của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), cho hay, việc thu hút đầu tư vào NN-NT chưa quan tâm tới đầu tư truyền thông và công nghệ thông tin cho nông nghiệp. Do thiếu vắng thông tin, truyền thông nên nhiều chính sách tốt mà nhà nước đưa ra, nông dân không biết được. Hiện nay, Viettel đang đầu tư dịch vụ Agri One để giúp đưa các thông tin nông nghiệp tới nông dân một cách nhanh nhất.

Còn ông Lê Quốc Phong, TGĐ Cty CP Bình Điền khẳng định nếu làm tốt việc thu hút đầu tư vào NN-NT, bộ mặt nông thôn Việt Nam sẽ rất khác trong những năm tới.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.