| Hotline: 0983.970.780

Hủy hoại môi trường sống: Rướm máu thân cò

Thứ Năm 23/07/2015 , 16:05 (GMT+7)

“Tháng ba săn cò bợ, tháng tám săn cò giò” vốn là bí kíp truyền miệng của cánh thợ săn chim ở Kim Bảng (Hà Nam). Nhưng giờ đây, chẳng phải mùa, trên cánh đồng, khắp nơi vẫn la liệt bẫy lưới, nhựa thông./ Chết sạch rồi, 'những con kênh xanh xanh'

Từ chim sẻ cho đến cò, diệc, hay loài giang to lớn đều bị tàn sát, bán cho các quán nhậu giá không hề rẻ. Lũ cò bị vặt lông sống, thân rướm máu, cất những tiếng kêu ai oán não nề.

Kỹ nghệ tận diệt

Từ lâu, dường như việc săn bắt chim trời tại các xã Nhật Tân, Nhật Tựu, Văn Xá, Thi Sơn, Khả Phong thuộc huyện Kim Bảng với hai loại bẫy nhựa và lưới đã trở thành một “nét văn hóa”. Người thì săn cò làm kế sinh nhai, kẻ lại lấy đó làm thú vui lúc nông nhàn.

Ngay tại chợ Chiều, xã Nhật Tân, khung cảnh mua bán chim, cò diễn ra nườm nượp như trẩy hội. Muốn mua loại nào, số lượng bao nhiêu cũng có. Ông Chanh, một tay săn chim có số má ở xã Nhật Tân cho biết, mới đầu tư hơn 1.000 m lưới, hy vọng mùa này sẽ trúng lớn. Mỗi ngày, ông Chanh có thể bắt được 60 – 100 con dễ như không.

16-17-59_1
Cảnh mua bán chim trời tại thị trấn Quế, huyện Kim Bảng

Theo ông Chanh, săn cò thì một năm có hai vụ, nhưng cò về nhiều nhất vào vụ mùa (tháng tám, tháng chín âm lịch). Khi ấy, các đàn cò thường trên đường di cư kiếm mồi nên hay bẫy được số lượng lớn, thịt lại vô cùng béo. Còn vào tháng ba, cò gầy hơn vì đang vào mùa đẻ rồi nuôi con. Cách bẫy lưới đòi hỏi kinh nghiệm cao, vì người bẫy phải am hiểu tập tính, hướng bay của cò thì mới thành công, cách này khó thực hiện hơn nhưng đã trúng là… chỉ có ăn đủ.

Loại thứ hai, công hiệu không kém là bẫy bằng nhựa thông. Với cách này, nếu cò về đông, một ngày một người có thể bẫy được hàng trăm con. Với người có thâm niên như ông Chanh, lưới hay nhựa đều “chơi” được tuốt. Nhựa thông được bôi vào đầu các thanh tre cứng dài khoảng 40 cm.

Mỗi mét vuông cắm 3 – 4 thanh. 4 – 5 con cò được buộc vào dây, đậu trên các cành không có nhựa làm mồi. Khi phát hiện đàn cò đi qua, người bẫy giật dây làm cò mồi giật mình bay lên rồi đậu xuống. Lũ cò tưởng gặp đồng loại sà xuống liền bị mắc bẫy. Với loại bẫy thông, chim càng giãy giụa càng bị dính chặt hơn. Thấy một con mắc nạn, cả đàn lao xuống giải cứu, thế là chết chùm.

Ngày nào bẫy khá, có khi ông Chanh thu tiền triệu. “Một ngày đi bẫy bằng cả vụ làm ruộng, lại đỡ tốn công, tội gì không làm”, lão cười đắc ý. Một người dân xã Nhật Tân còn bảo, đình đám, cỗ bàn quê tôi mà trong mâm không có lấy một đĩa thịt cò hay sẻ là hỏng. Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng nếu đúng, đây quả là nét “văn hóa” có một không hai.

Đau đớn

Số cò bẫy được, các thợ bẫy chim đếm đầu con tính tiền rồi giao cho các mối nhậu. Buổi chiều, trên một số tuyến đường như Bùi Dị, Lê Công Thanh, Nguyễn Văn Trỗi (TP Phủ Lý) cảnh mua bán, giết mổ chim trời diễn ra ngang nhiên. Trên đường Bùi Dị, cò bị xâu thành từng chùm 4 – 5 con.

16-17-59_2
“Chợ cò” tại xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng

Chiếc dây lạt cứa vào thịt, những chú chim kêu lên đau đớn. Với những con còn sống được nhốt trong lồng, có thả cũng không thể bay vì tất cả bị đâm thủng mắt. Một người bán giải thích, làm thế tránh lúc cúi xuống bắt bị cò mổ mắt.

Nếu một lần chứng kiến, chắc hẳn nhiều người sẽ bị ám ảnh bởi phương thức làm thịt cò ngay trên vỉa hè. Có khách, người bán dùng tay thò vào lồng chịt thẳng vào cổ lôi ra. Mặc chúng giãy giụa, người bán một tay bóp nghẹt cổ, một chân giẫm đè lên rồi vặt lông sống. Máu từ thân cò tứa ra đầm đìa.

Theo họ, bí quyết “man rợ” đó giúp thịt cò đậm và thơm hơn. Sau khi vặt lông xong, người bán dùng lưỡi dao nhỏ sắc lẹm đưa một đường ngọt xớt, lôi tuột mớ tim gan phèo phổi trước sự kinh hãi của những người chứng kiến. Mỗi con cò làm sạch như vậy thường được bán trên dưới 20 nghìn đồng.

Không chỉ vỉa hè, nhiều người buộc luôn lồng chứa khoảng 50 – 60 con rong ruổi khắp phố phường bằng xe máy, xe đạp rao bán. Đàn cò nằm trong lồng chật cứng, thỉnh thoảng ngóc đầu kêu lên những tiếng nghe ai oán.

16-17-59_4
Cò được khò qua lửa rồi bán cho khách

Giữa chốn đồng không mông quạnh xã Nhật Tân, 2 quán ăn lớn chuyên đặc sản chim trời lúc nào cũng nườm nượp thực khách.
Khu giết mổ, cò nằm la liệt, lông bay tứ tung, máu chảy lênh láng trên nền gạch.
Ngoài cửa, cò được buộc thành từng chùm, giãy đành đạch. Một chủ quán tiết lộ, ở một số tỉnh, anh này còn mở thêm các “chi nhánh” và nơi nào cũng đắt khách.

Ghé vào một quán chim trời ở xã Nhật Tân, chúng tôi được chủ quán đon đả rót nước, miệng liến thoắng giới thiệu từng món, giá “đặc sản”.

“Chim dẽ quay giòn 40 nghìn đồng một con, gà đồng thì 100 nghìn, cò nướng hoặc rán 50 nghìn đồng. Chim sẻ rẻ nhất, một con 9 nghìn đồng. Nếu các chú muốn ăn các loại chim quý như sâm cầm, móng két, vịt trời hay giang giang cũng có, giá từ 250 nghìn đến 400 nghìn một con. Nhưng mấy món này phải chờ vì làm lông, chế biến hơi cầu kỳ”, chủ quán thao thao bất tuyệt.

Rất khó xử lý

Nhật Tân vốn là địa phương thuần nông, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay nhưng nay lại trở thành nỗi khiếp đảm của loài chim. Nơi đây được coi là “thủ phủ”, là mảnh đất màu mỡ của những thợ săn chim lão luyện. Xã bên là Văn Xá cũng không kém phần “long trọng”.

Chia sẻ với chúng tôi, một lãnh đạo UBND xã Văn Xá, huyện Kim Bảng cho biết, trước tình trạng này, địa phương cũng đã nhắc nhở nhiều lần, đồng thời tuyên truyền người dân tuyệt đối không được bẫy bắt chim cò làm hủy hoại sinh thái và môi trường sống nói chung. Song việc này cũng chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở.

Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Cần, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nam cho biết, đơn vị này đã nắm được tình trạng bẫy bắt chim cò trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn đang gặp khó khăn trong xử lý vì các quy định về động vật rừng liên quan tới các loài này rất chung chung.

Như trong Nghị định 99/2009 nay là Nghị định 157, hay Thông tư 47 quy định về động vật rừng (không thuộc sách đỏ) được xếp loại chung chung như con le le, con cò, chim sẻ… chẳng hạn, không rơi vào hạng mục nào. Do vậy, Chi cục Kiểm lâm chỉ còn cách đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không bẫy bắt, buôn bán.

Trong khi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng trong một “mớ” thông tư, nghị định, chế tài… thì mỗi ngày, có hàng trăm con cò từ cánh đồng lên bàn nhậu. Đến hẹn lại săn, những thợ bẫy đêm ngày tất bật chuẩn bị nào lưới, nhựa thông mới… ra đồng tận diệt.

Nghị định 99/2009/NĐ-CP ban hành ngày 2/11/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định rõ: Người có hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, nuôi nhốt, giết động vật rừng trái pháp luật; vận chuyển lâm sản trái pháp luật hay mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định của Nhà nước có thể bị phạt với mức cao nhất lên đến 500 triệu đồng.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hiệu trưởng bắt học sinh đi lao động nếu không dự hội trại có thu phí

THỪA THIÊN - HUẾ Yêu cầu học sinh phải đi lao động nếu không dự hội trại là chưa khoa học, không phù hợp với mục tiêu của hoạt động giáo dục, dễ nảy sinh suy nghĩ nhạy cảm.

Bình luận mới nhất