| Hotline: 0983.970.780

Huyện bảo lãnh để dân vay vốn

Thứ Ba 02/12/2014 , 09:11 (GMT+7)

Chính sách của huyện Yên Khánh (Ninh Bình) như cú hích thúc đẩy kinh tế trong dân phát triển. Bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới.

Cụ thể, huyện đứng ra bảo lãnh trước ngân hàng, vay vốn giúp người dân phát triển các mô hình SXNN. Trong thời hạn 2 năm, huyện đứng ra chi trả toàn bộ lãi suất cho các hộ dân. 

Gỡ thế bí cho dân

Chúng tôi gặp ông Đỗ Trường Giang, Phó phòng NN-PTNT huyện Yên Khánh, để tìm hiểu về công tác xây dựng NTM. Câu chuyện "vào cầu", vị phó phòng nói về chuyện người, chuyện đất, chuyện cây, con giống một cách say sưa.

Là huyện thuần nông của tỉnh Ninh Bình, Yên Khánh luôn đi đầu trong SXNN cũng như công cuộc xây dựng NTM. Theo phương châm xây dựng NTM của địa phương này thì mục đích cuối cùng là nâng cao thu nhập cho người dân. Và đồng thời, chỉ khi người dân no ấm, công cuộc xây dựng NTM mới mạnh mẽ, tập trung.

Ông Giang cho hay, vì là huyện nông nghiệp, từ lâu nhiều mô hình SX đã được người dân thực hiện. Điển hình như mô hình chuyển đổi đất lúa sang chuyên canh trồng cây màu. Rồi phong trào trồng nấm ở Khánh Công, Khánh Cường và nhiều xã khác.

Dẫu vậy, người nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn, từ đầu ra, kỹ thuật canh tác. Và đặc biệt là nguồn vốn để phát triển SX.

“Các địa phương xây dựng nhà văn hóa, huyện đều hỗ trợ 15 triệu đồng. Chuyện hỗ trợ tiền mặt thì dễ nhưng làm sao tạo cho người dân chiếc "cần câu” để họ tự phát triển kinh tế mới khó”, ông Giang chia sẻ.

Nắm bắt được cái khó của người dân, huyện Yên Khánh liền đứng ra bảo lãnh trước ngân hàng để họ có thể vay vốn. Xã vay ít cũng 300 triệu đồng như Khánh Công. Vay nhiều như Khánh Thành thì được 500 triệu đồng.

Theo quy định, mỗi hộ dân không được vay quá 30 triệu đồng và chủ hộ không quá 60 tuổi. Cái hay ở chỗ, toàn bộ lãi suất ngân hàng trong thời hạn 2 năm, huyện Yên Khánh chịu trách nhiệm đứng ra chi trả cho ngân hàng. Người dân chỉ việc cầm tiền về sử dụng.

Ông Giang bảo, đây là chính sách lần đầu tiên có ở huyện Yên Khánh. Bước đầu triển khai, người dân rất phấn khởi, yên tâm mở rộng SX phát triển kinh tế. “Các anh về Khánh Thành mà xem, dân vay được vốn, dựng luôn cọc bê tông thay cọc tre rồi trồng đủ thứ. Thế là họ tính làm ăn lâu dài rồi đấy”, ông Giang bảo.

Làm luôn cho “máu”

Chúng tôi tìm về xóm 13 xã Khánh Thành, nơi được coi là vùng có những nông dân kiểu mẫu. Ông Nguyễn Xuân Dương, xóm trưởng, vừa chạy từ ruộng về, quần còn xắn ống, hồ hởi cho chúng tôi đi tham quan một vòng.

Xóm 13 có 96 hộ với 352 nhân khẩu. Cả thôn, 100% là dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Vì trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp, năm 2004, sáu hộ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng mướp đắng, dưa chuột, bí xanh. Diện tích khoảng trên 3 mẫu.

14-31-35_1
Thu hoạch dưa chuột ở xã Khánh Thành

Từ tiền thuê người cải tạo đất, cây giống, vật tư cho tới đầu ra, 6 hộ này đều tự lo. Cây màu hợp đất, lên như thổi.

Ông Dương nhớ, vụ đầu tiên, mỗi sào rau người dân lãi khoảng 15-17 triệu đồng. Hai năm sau, đã có 16 hộ tham gia chuyển đổi đất lúa sang làm màu. Tổng diện tích khoảng 10 mẫu. Đến nay có khoảng 60 hộ tham gia.

Hộ ông Nguyễn Xuân Núi, xóm 13, được vay 30 triệu đồng thuộc diện “huyện bảo lãnh”. Vợ ông Núi bảo, nhận được tiền là dựng luôn cột bê tông trồng mướp, đào ao thả cá. Nhà bỏ ra một ít nữa mới đủ, nhưng nhận được tiền là phải làm luôn.

Ông Phạm Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thành cho biết, nhờ chính sách hỗ trợ và phong trào xây dựng NTM, người dân ngày càng tin tưởng vào chính quyền. Đây thực sự là cú hích cho phát triển kinh tế của người dân.

Vườn mướp đắng nhà ông Núi vừa cho thu hoạch. Lứa cà chua đầu tiên cũng sắp chín. Biến vườn thành ao, vợ chồng ông Núi còn thả đủ loại cá từ trôi, trắm, mè.

"Nhà tôi đào sâu nên thả được cá, mấy nhà bên kia đào nông, họ nuôi cua, nuôi chạch, ốc… đủ cả”, vợ ông Núi khoe.

Nhà ông Núi là một trong những hộ tham gia chuyển đổi đất lúa đầu tiên ở địa phương. Hơn một mẫu vừa trồng dưa, vừa trồng mướp. Vợ ông Núi nhẩm tính, mướp lãi 7 triệu đồng một sào. Dưa nếu được giá 7-8 nghìn/kg, một năm cũng bỏ túi tầm 50 - 60 triệu đồng.

“Phấn khởi lắm chú ạ, vay vốn không phải trả lãi ai chẳng thích. Nếu cho vay thêm, tôi vay luôn 100 triệu đồng, làm mấy cái chuồng nuôi lợn sau nhà nữa”, ông Núi nói.

Ra đồng từ 7h sáng, vợ chồng ông Nguyễn Văn Vị (68 tuổi) đã thu được lưng bao dưa chuột bao tử. Ông cho biết, làm rau màu cũng được 11 năm. Nhàn thì nhàn thật nhưng luôn chân luôn tay, ngày nào cũng phải ra đồng.

“Tận dụng đất, tôi trồng dưa, đến gần cuối vụ thì trồng cà chua xen vào. Xong lứa, phá dưa thì cà chua cũng lên xanh tốt. Còn mùng tơi, giờ tôi gieo, tháng hai bán trái vụ, ăn đậm là cái chắc”, ông Vị nói.

Lúi húi vào buồng, ông Vị cầm ra một bịch hạt mùng tơi, nói tiếp: “Vụ nào chúng tôi cũng phải nghiên cứu thị trường. Người ta cần cái gì thì chúng tôi trồng cái đó. Chẳng bao giờ lo ế cả”. Hiện có hai Cty ký hợp đồng thu mua nông sản ngay từ đầu vụ, người dân nơi đây chưa bao giờ lo sợ hàng bị ế hay ép giá.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất