| Hotline: 0983.970.780

Huyện... dê

Thứ Ba 17/02/2015 , 19:59 (GMT+7)

Sau thời gian rớt giá thảm hại, nhiều người nuôi dê gần như bỏ chuồng trại, quay lưng với nghề. Thế nhưng làng nuôi dê Gò Công Đông (Tiền Giang) lại giữ được nghề, bất chấp các nơi lao đao tìm hướng đi khác.

Nhà nhà nuôi dê

Huyện Gò Công Đông được biết đến với làng nuôi dê có quy mô lớn vào bậc nhất vùng ĐBSCL, giúp cho hàng trăm hộ thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu.

Về nơi đây, đi đến đâu cũng thấy nhà nhà đóng chuồng nuôi dê, hộ nuôi ít nhất 5 - 10 con, có hộ nuôi nhiều lên đến hàng trăm con. Nơi đây nổi danh là vùng nuôi dê lâu đời, tận dụng các thế mạnh tự nhiên của địa phương như vùng cỏ rộng, khí hậu thích hợp cho sự phát triển của đàn dê.

Người nuôi dê thành công nhất ở xứ Gò Công Đông phải nói đến anh Đoàn Văn Hồng, ngụ ấp Giồng Lãnh 2, xã Tân Hòa, huyên Gò Công Đông. Nhiều năm liền anh là nông dân SXKD giỏi cấp xã, huyện. Riêng năm 2012, anh được xã đề nghị danh hiệu Nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh với mô hình nuôi dê thuộc Dự án “Cải tạo giống dê địa phương".

Anh Hồng chia sẻ, anh đam mê nuôi dê hơn 10 năm nay, có lúc đàn dê lên đến 200 con, giống dê Bách Thảo (dê đen truyền thống) không to con, dê con nuôi chậm lớn, dê nái bị thiếu sữa nên tỷ lệ hao hụt dê con nhiều. Mặt khác, giống dê này dễ bị bệnh, hiệu quả kinh tế không cao.

Năm 2009, Trạm Khuyến nông huyện xây dựng Dự án “Cải tạo giống dê địa phương”. Nhận thấy anh có niềm đam mê và dày dạn kinh nghiệm trong chăn nuôi dê, nên Trạm đã cử anh tham dự những cuộc hội thảo do Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tổ chức.

Anh được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi giống dê lai và dê chuyên lấy sữa, từ đó anh xây dựng lại chuồng trại, mua 40 con dê giống lai từ trung tâm giống của tỉnh, mang về cho phối với giống dê sữa địa phương lâu nay anh nuôi, kết quả thu được rất khả quan.

Anh Hồng cho biết, lứa dê đầu tiên anh phối giống, cho ra 7 con nái. Những con nái này có thời gian mang thai ngắn hơn giống dê đen truyền thống từ 5 - 7 ngày. Dê con sau khi sinh ra từ 15 - 20 phút là có thể tự tìm đến mẹ để bú (trong khi đó dê đen thì người nuôi phải can thiệp 3 ngày đầu trong việc giúp cho dê con bú mẹ).

Ngoài ra, dê lai chu kỳ cho sữa dài hơn, giúp dê con lớn nhanh hơn, trọng lượng giống dê mới tháng đầu đạt 8 - 10 kg, nuôi 3 tháng tiếp theo đạt từ 17 - 20 kg.

Hiện tại diện tích chuồng nuôi dê nhà anh Hồng rộng trên 300 m2, với 105 con dê, gồm 70 cái và 35 đực. Chuồng nuôi được anh phân chia ra thành nhiều ô nhỏ với diện tích khoảng 2,5 - 3 m2 để thả nuôi từ 1 - 2 con dê. Công việc phân chia nhiều chuồng nhỏ giúp việc chăm sóc dê dễ dàng và dê sinh sản cũng thuận lợi hơn.

Điểm đặc biệt ở trại nuôi của anh Hồng là đáy chuồng không tráng xi măng như nhiều người thường làm, vì như vậy phải dọn chuồng thường xuyên, nếu không chuồng sẽ bị hôi, không đảm bảo vệ sinh.

-nh-2-t-vi-c-bn-do-gi-ng-v-do-th-t-m-i-npm-nh-h-ng-thu-l-i-nhu-n-kho-ng-350-tri-u-ng091843866
Từ việc bán dê giống và dê thịt, mỗi năm anh Hồng thu lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng

Thay vào đó, anh đào đất hõm xuống khoảng 4 - 5 tấc, đổ đầy cát, mỗi tuần dọn vệ sinh một lần và phun sát trùng định kỳ 3 lần/năm.

Phân dê được thu gom vào hố ủ, sử dụng làm phân bón cho đồng cỏ và các loại cây trồng khác. Ngoài ra, nóc chuồng anh lợp lá thay vì lợp tôn để tạo độ mát cho chuồng trại. Với sự sáng tạo này, trại nuôi dê của anh luôn được bảo đảm sự thoáng mát, sạch sẽ.

Để dê khỏe mạnh, mau lớn, điều quan trọng nhất chính là nguồn thức ăn phải đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng, không bị hóa chất độc hại để tránh ngộ độc cho dê. Chính vì lẽ đó, anh Hồng đã dành ra 1 ha đất để chuyên trồng cỏ nuôi dê.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Gò Đông Đông: Toàn huyện có 11 xã và 2 thị trấn đều nuôi dê, tổng số đàn lên đến gần 20.000 con/năm. Hiện nay giá bán dê khá ổn định, năm 2014, lượng thịt dê hơi cung ứng cho thị trường tăng 30% so với các năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng cho vùng nuôi dê Gò Công Đông.
Cũng theo ông Quý, bà con cần lưu ý chọn mua giống tốt ngay từ ban đầu để có thể gây dựng được đàn dê khỏe mạnh. Dê là loài động vật ăn tạp nên người nuôi có thể tận dụng nguồn thực vật phong phú quanh nhà để làm thức ăn cho dê, giảm được đáng kể chi phí đầu vào.
Dê có tốc độ sinh sản nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp, vốn đầu tư không cao. Chính vì thế, nuôi dê là mô hình rất thích hợp cho từng nông hộ, giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu một cách bền vững.

Ngoài ra anh còn tận dụng đất xung quanh nhà trồng thêm cây so đũa - một món “khoái khẩu” của dê. Anh cũng thường xuyên vớt lục bình để bổ sung thêm vào thực đơn dinh dưỡng cho đàn dê của mình. Thực tế cho thấy, đàn dê nhà anh ít bị bệnh và mau lớn hơn so với những đàn dê được nuôi bằng cỏ mọc tự nhiên ngoài đồng.

Nói về kinh nghiệm nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao, anh Hồng cho biết, trong khâu lựa chọn con giống, anh chọn dê sinh sản tại địa phương, do chúng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và thức ăn tại chỗ.

Quá trình nuôi, anh tuyển lựa con giống mau lớn, to con, dễ sinh sản và tránh lai giống trùng huyết vì sẽ tạo ra thế hệ sau yếu ớt, không có hiệu quả kinh tế. 

Bên cạnh đó, cần luôn tuân thủ các quy trình và phương pháp phòng chống bệnh cho dê. Tiêm vắc xin tụ huyết trùng và bệnh lở mồm long móng đúng định kỳ để đảm bảo an toàn cho đàn dê. Ngoài ra, cũng cần tẩy giun, sán cho đàn dê 2 lần/năm. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, đàn dê của anh phát triển tốt, dê nái đẻ bình quân 1,6 lứa/năm.

Hiện tại, mỗi tháng anh xuất chuồng từ 15 - 30 con dê giống, giá bán dê đực giống 250.000 đ/kg, dê cái giống 350.000 đ/kg. Mỗi năm anh Hồng thu về hơn nửa tỷ đồng từ xuất bán dê giống. Trừ chi phí, anh còn thu lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng/năm.

Bên cạnh bán dê giống, anh Hồng còn tuyển chọn những con dê già hay dê chậm lớn để bán thương phẩm. Hiện anh đang cải tạo diện tích trồng cỏ để nuôi thêm dê vỗ béo. Dự kiến, đến năm 2016, đàn dê nhà anh sẽ tăng thêm hàng trăm con.

Không dừng lại đó, anh Hồng còn dành riêng khoảnh đất 300 m2 để xây chuồng nuôi dê theo mô hình đệm lót sinh học. Anh nuôi thử 20 con và đã thu về những thành công bước đầu. Trong thời gian tới, anh Hồng sẽ mở rộng quy mô, nuôi khoảng 70 con, chủ yếu là dê thịt.

Thoát nghèo

Ở xã Tân Hòa, ngoài anh Hồng, nhiều hộ nuôi dê cũng khá thành công. Theo thống kê, toàn xã có khoảng 80% hộ nuôi dê, số lượng có lúc cao nhất lên đến 3.000 con, rải rác ở các ấp trong xã. Đặc biệt, ấp Giồng Lãnh 2 có số lượng dê nuôi tập trung khoảng 1.000 con, được xem là nhiều nhất trong huyện.

Dời Tân Hòa, chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Văn Chín ở ấp Hiệp Trị, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông. Từ một hộ nghèo, nhờ siêng năng, kiên trì gắn bó với nghề nuôi dê hơn 5 năm nay, giờ đây kinh tế đã khấm khá hơn trước nhiều.

Năm 2003, qua giới thiệu của bạn bè, ông Chín đến huyện mua một cặp dê giống với giá 4 triệu đồng về nuôi thử. Qua thời gian chăm sóc, đàn dê phát triển khá tốt. Hiện tại, đàn dê của ông có 20 con; trong đó có 3 dê đực giống, số còn lại là nái, hậu bị và dê thịt.

-nh-3-nui-do-tron-m-lt-sinh-h-c091844155
Nuôi dê trên đệm lót sinh học

Theo ông Chín, dê cái nuôi từ 7 - 8 tháng gác nọc, khoảng 5 tháng sau sẽ sinh sản. Dê cái mỗi lứa sinh sản khoảng 2 con, nuôi 6 - 7 tháng có thể đạt trọng lượng từ 20 - 25 kg. Dê thịt ông bán với giá từ 90.000 -100.000 đ/kg; dê nái hậu bị ông bán với giá từ 3,5 - 5 triệu đ/con. Đối với dê nọc giống, mỗi lần gác nọc ông thu từ 100.000 - 150.000 đồng.

Về thức ăn, ông trồng cỏ voi, cỏ sả, so đũa để cho dê ăn, kết hợp bổ sung thêm chuối chín, thức ăn dạng viên (ngày 2 cữ) pha với cháo, cám để cho dê nọc, dê cái đang nuôi con ăn. Đối với các bệnh thường gặp ở dê như đau mắt, lở miệng, tiêu chảy… ông mua thuốc cho dê uống hoặc tiêm theo hướng dẫn của bác sỹ thú y.

Ông Chín cho biết: "Nghề nuôi dê hiện đang có điều kiện thuận lợi để phát triển do thị trường tiêu thụ tăng, dê ít bị bệnh và thời gian quay vòng vốn nhanh, trong khi chi phí thức ăn không cần mua mà có sẵn nên hiệu quả mang lại khá cao".

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm