| Hotline: 0983.970.780

Huyền thoại Chiêu Quân

Thứ Hai 16/07/2012 , 13:38 (GMT+7)

Hàng ngàn năm nay, sắc đẹp và câu chuyện “cống Hồ” của nàng Chiêu Quân đã trở thành đề tài sáng tạo cho không biết bao nhiêu là nhà thơ, nhà văn...

Nhan sắc của Chiêu Quân được truyền tụng muôn đời cùng với câu ca về số phận bất hạnh của nàng, rằng “Chiêu Quân biệt Hán sang Hồ/ Phù kiều sóng bạc, ấy mồ hồng nhan”. Vì sao nàng lại phải “biệt Hán sang Hồ”?

Thuở bé, thấy mẹ hay đọc tiểu thuyết “Chiêu Quân cống Hồ”, tôi cũng lấy ra xem và còn nhớ đến bây giờ. Chiêu Quân họ Vương, thường gọi là Vương Tường, con của một thường dân. Vào tuổi trăng tròn, sắc đẹp của nàng đã được đồn khắp thiên hạ. Nghe đồn, Hán Nguyên đế sai hoạn quan Mao Diên Thọ đến nhà nàng xem hư thực. Họ Mao đòi phải có của đút thì mới đưa nàng tiến cung.

Hay thật! Chuyện này chẳng khác gì những chuyện ngày nay vẫn được thiên hạ đồn thổi, rằng trong nhiều cuộc thi sắc đẹp, nhiều nữ thí sinh tuy có nhan sắc “lạc nhạn trầm ngư”, nhưng nếu không có “phong bì” cho ông này ông nọ trong ban giám khảo, thì cũng không bao giờ được công nhận là…người đẹp. Vì vậy để có được tiền cho vào “phong bì”, có người đẹp đã phải lên giường cùng “đại gia”. Do cha mẹ Vương Tường nghèo không chạy đâu ra của đút, nên khi về cung, Mao Diên Thọ đã tâu vua rằng nàng tuy tuyệt sắc, nhưng trên người lại có nốt ruồi “sát phu”. Hoảng sợ, Hán Nguyên đế không dám mơ tưởng nữa. Sợ bị lộ chuyên, họ Mao đã giả lệnh vua bắt nàng giam vào lãnh cung (nơi giam giữ những cung nữ phạm tội), muốn cho nàng chết để “tử vô đối chứng”.

Một hôm, vợ vua Hán Nguyên đế là Lâm hoàng hậu tình cờ có việc đi qua lãnh cung. Nghe tiếng khóc từ trong đó vọng ra, hoàng hậu bèn dừng lại hỏi chuyện. Nghe cai ngục kể lại, Lâm hoàng hậu bèn rẽ vào. Nhìn mặt nàng và nghe nàng kể sự tình, hoàng hậu tức tốc trở về tâu vua và đưa nàng lên bệ kiến. Không biết khi nhìn thấy mặt nàng, nhà vua có như con nhạn kia không? Chỉ biết sau đó nàng được đấng chí tôn vô cùng sủng ái. Căm giận Mao Diên Thọ đã lừa mình, nhà vua ra lệnh bắt họ Mao đem xử tử. Nhưng trước đó họ Mao đã chạy trốn sang Hung nô, mang theo bức truyền thần của nàng mà y có được từ hồi đi xem mặt nàng theo lệnh của vua Hán.

 
Tranh vẽ mỹ nhân Vương Chiêu Quân

Tại Hung nô, Mao Diên Thọ đã dâng bức tranh lên chúa Hung kèm theo những lời tán tụng rất “có cánh” về nhan sắc của nàng. Theo đó, bao nhiêu nội tình về kinh tế, quân sự… của nhà Hán cũng được tên Hán gian cung cấp tỷ mỷ cho chúa Hung. Thèm muốn nhan sắc của nàng, chúa Hung nô lập tức cất quân tấn công, đánh cho quân Hán tan tác như hoa rơi lá rụng rồi gửi “tối hậu thư” cho vua Hán: Muốn yên thân thì phải nộp Vương Chiêu Quân. Và thế là dù yêu nàng đến si mê, Hán Nguyên đế cũng đành gạt lệ đưa nàng sang cống nộp.

Hành trình sang Hung nô vô cùng gian nan. Dọc đường, Chiêu Quân đã khóc cạn nước mắt. Có lẽ do cảm thương vì hoàn cảnh của nàng nên một vị thần đã hiện ra, cho nàng một chiếc áo. Chiếc áo này khi mặc vào thì lặn luôn vào da thịt, nhìn bên ngoài không ai biết, nhưng kẻ nào đụng vào người nàng thì nhức buốt toàn thân không sao chịu nổi. Vì thế tuy có được nàng trong tay nhưng chúa Hung nô không sao gần gũi được. Nhân đó nàng tâu rằng để giải được căn “bệnh” nhức buốt kia, phải xây một cái cầu lớn bắc qua dòng sông lớn nhất, hiểm trở nhất Hung nô để nàng lên đó cầu thần. Như mê như cuồng, chúa Hung ra lệnh xây cầu ngay. Ròng rã chục năm trời, cây cầu này đã khiến ngân sách quốc gia của Hung nô cạn kiệt, kèm theo đó là xương dân lành rải trắng sông. Cầu xây xong, buổi lễ cho nàng cầu thần được tổ chức vô cùng long trọng. Đến giữa cầu, nàng gieo mình xuống sông trước hàng ngàn cặp mắt thảng thốt của chúa tôi nước Hung nô…

Tuy tiểu thuyết có nhiều chi tiết khác xa với chính sử, nhưng cốt lõi của nó vẫn là câu chuyện có thực về một đại mỹ nhân có tên là Vương Chiêu Quân bị triều Hán cống nộp cho chúa Hung nô…

Hàng ngàn năm nay, sắc đẹp và câu chuyện “cống Hồ” của nàng đã trở thành đề tài sáng tạo cho không biết bao nhiêu là nhà thơ, nhà văn của hai nước Việt Nam, Trung Quốc. Những nhà thơ, nhà văn lớn nhất của Trung Hoa từ cổ như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương An Thạch… đến kim như Tào Ngu, Quách Mạt Nhược… đều viết về nàng. Ở Việt Nam cũng vậy. Không thể liệt kê hết những bài thơ, bài văn của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam trong suốt hàng ngàn năm viết về cô gái “cách đại, dị quốc” (không cùng thời, không cùng một nước) này vì trang báo có hạn, tôi chỉ xin dẫn hai người sống gần chúng ta nhất. Trong bài thơ “Chiêu Quân”, nhà thơ xứ Đoài Quang Dũng đã tả rất hay về tâm trạng của nàng lúc phải ra khỏi bờ cõi nước nhà để làm vợ kẻ thù: “Ngó lại xanh xanh triều Hán đế/ Từng hàng châu lệ thấm chiên nhung/ Quân vương chắc cũng say và khóc/Ái khanh! ái khanh! lời nghẹn ngùng…”.

Trước đó, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã lên chùa Tiên ở Sơn Tây làm lễ tế Chiêu Quân. Và trong bài thơ khóc nàng bằng chữ Hán đọc trong buổi tế, nhà thơ của núi Tản sông Đà đã viết về nàng bằng những lời tuyệt hay, vô cùng bi thiết: “Sắc diễm tuyệt thế/Mệnh bạc vô thiên/ Hán cung nhất biệt/ Hồ địa thiên niên/ Thanh trủng lưu hận/ Hoàng tuyền cô miên…”.

Có thể nói là chỉ thơ ấy mới tả được người ấy. Tế xong, Tản Đà mang bài thơ về đọc cho anh rể là nhà thơ Nguyễn Thiện Kế nghe. Nguyễn Thiện Kế nức nở khen hay. Và, không cần giấy bút, quan huyện Nẻ (Nguyễn Thiện Kế quê ở làng Nễ Xuyên, tục gọi là làng Nẻ, làm tri huyện, nên người đời gọi ông bằng tên ấy) vừa đi lại trong phòng vừa ứng khẩu dịch ngay bài thơ chữ Hán của em vợ ra quốc ngữ. Bài dịch được các nhà nghiên cứu coi là hay nghiêng ngửa so với nguyên tác. Xin ghi lại trọn vẹn bài dịch ấy: “Cô ơi, cô đẹp nhất đời/ Mà cô mệnh bạc, thợ trời cũng thua/ Một đi, từ biệt cung vua/ Có về đâu nữa, đất Hồ nghìn năm/ Mả xanh còn dấu còn căm/ Suối vàng lạnh lẽo, cô nằm với ai/ Má hồng để tiếc cho ai/ Đời người như thế có hoài mất không/ Khóc than nước mắt ròng ròng/ Xương không còn vết, hận không có kỳ/ Mây mờ trăng bạc chi chi/ Hôi tanh thôi có mong gì khói nhang/ ới hồng nhan, hỡi hồng nhan/ Khôn thiêng cũng chẳng ai van, ai mời/ Trời Nam, thằng kiết là tôi/ Chùa Tiên, đất khách, khóc người bên Ngô/ Cô với tôi, tôi với cô/ Trước sân lễ bạc, có mồ nào hay/ Hồn cô ví có ở đây/ Đem nhau đi với, lên mây cũng đành”. (Còn nữa) 

Trong kiệt tác “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều có hai câu “Chìm dưới nước, cá lờ đờ lặn/ Lửng lưng trời, nhạn ngẩn ngơ sa”. Viết như thế, là tác giả muốn nói rằng nhan sắc của cô cung nữ trong tác phẩm của mình không thua gì nhan sắc của hai (trong bốn) đại mỹ nhân Trung Quốc là Tây Thi (mỹ nhân sống vào thời Xuân Thu - Chiến Quốc, tức là khoảng 6-7 thế kỷ trước Công nguyên) và Vương Chiêu Quân (sống vào thời Tây Hán, khoảng 1 thế kỷ trước Công nguyên), vì Tây Thi được gọi là “người đẹp trầm ngư” (khi nàng ra giặt lụa ở suối Trữ La, đàn cá trông thấy nàng thì bàng hoàng, đờ vây ra không bơi được nữa, chìm xuống đáy nước) còn Chiêu Quân được gọi là “người đẹp lạc nhạn” (vẻ đẹp của nàng khiến bầy nhạn đang bay trên trời ngẩn ngơ, quên cả vỗ cánh nên sa xuống). Từ đó, cụm từ “chim sa cá lặn” thường được dùng để gán cho những người đẹp nói chung…

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất