| Hotline: 0983.970.780

Huyền tích suối Nàng Nhị và thiên diễm tình đẫm lệ

Chủ Nhật 22/04/2018 , 13:15 (GMT+7)

Xã Hữu Lập (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cách thị trấn Mường Xén chưa đến 20 km nhưng gần như biệt lập, tạo thành một không gian “sống chậm” so với phần còn lại của vùng biên viễn xứ Nghệ. Ở đây, huyền tích suối Nàng Nhị...

Ở đây, huyền tích suối Nàng Nhị trở thành một thiên sử thi có ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống đồng bào.
 

Trường thọ

Ông Lô Viết Liễu, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hữu Lập tỏ vẻ tiếc nuối nói với chúng tôi: “Các anh về cách đây vài năm thì sẽ còn gần 20 cụ sống trên 100 tuổi. Từ đầu đến giữa năm 2017, đã có 5-6 cụ trên 100 tuổi đi theo thần núi rồi. Nhưng đến nay xã vẫn còn nhiều cụ trường thọ lắm! Các cụ vẫn tỏ tường về sự tích suối Nàng Nhị”.

Theo chân ông Liễu, chúng tôi đến thăm cụ Vy Thị Tượng, 114 tuổi, dân tộc Thái sống tại bản Na, người được ghi nhận là lớn tuổi nhất còn sống tại xã Hữu Lập.

15-54-19_114_tuoi_cu_vi_thi_tuong_vn_co_the_tu_chm_soc_minh
114 tuổi, cụ Vy Thị Tượng vẫn có thể tự chăm sóc mình

Ngã ba bản Na rộn rã tiếng cười đùa của trẻ nhỏ và đàn ông, phụ nữ trong bản. Suối Nàng Nhị dưới chân những ngôi nhà sàn vẫn róc rách chảy. Hàng chục người dân đến suối, mang theo bình nhựa lấy nước về uống; lấy rêu bám trên đá về uống. Thiếu nữ Hữu Lập đến tắm, gội đầu trên dòng suối để được làn da trắng và tóc đen. Tiếng chim hót véo von trên những lùm cây lọt thỏm giữa bao la núi rừng sương trắng tạo thành một bản nhạc du dương, mê đắm lòng người.

Nghe tiếng bước chân dưới cầu thang nhà sàn, cụ Tượng chống gậy bước ra khỏi căn phòng thưng gỗ, giọng nhỏ nhẹ chào khách bằng tiếng Thái. Dù đã sống qua hơn 1 thế kỷ nhưng cụ vẫn tự chăm sóc bản thân để con cái lên nương rẫy. Những nếp nhăn trên khắp khuôn mặt minh chứng cho tuổi tác “vị thần sống” của núi rừng nhưng nhìn cách bối tóc gọn gàng, quấn khăn theo đúng trang phục của người Thái cho thấy cụ còn minh mẫn và sáng suốt lắm.

Trên hành trình tìm về sự tích suối Nàng Nhị, chúng tôi đến nhà cụ Vy Xén Nam, bản Xốp Thập. Theo giấy tờ còn lưu lại, năm nay cụ Vy Xén Nam tròn 104 tuổi. Cụ có tất thảy 10 người con, gần 200 chắt, chít. Người con út năm nay cũng đã trên 60 tuổi.

15-54-19_du_d_song_qu_hon_1_the_ky_nhung_cu_vi_xen_nm_vn_co_the_det_vi
Dù đã sống qua hơn 1 thế kỷ nhưng cụ Vy Xén Nam vẫn có thể dệt vải

Thấy người lạ bước lên cầu thang, cụ Nam thoăn thoắt từ trong buồng bước ra chào đón vồn vã. Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn và hàm răng đen nhánh của người đối diện, ít ai nghĩ cụ đã từng bước qua một thế kỷ với bao biến thiên, thăng trầm của cuộc sống nơi núi rừng hoang vu này.

Cụ bước về phía khung cửi rồi tự tra chỉ, chân đạp, thoi đưa dệt vải. Những người con của cụ cho biết, năm trước cụ còn tự xâu kim được nhưng nay đã yếu hơn, mắt kém. Thế nhưng, những công việc nhẹ trong nhà dường như đã ăn sâu vào máu, cụ vẫn tự dệt vải, đi chơi hàng xóm, trông cháu, làm việc nhẹ trong nhà không chịu ngơi chân tay.

Hỏi về bí quyết sống thọ, sống khỏe, cụ cười mãn nguyện: “Không đủ ăn, phải đi hái cây rừng, nhặt rêu xanh dưới suối mà ăn với cơm nếp nương. Cái chân thì đi rừng không nghỉ ngày này qua năm khác, khi có lễ hội thì tham gia sinh hoạt, hát các làn điệu Khắp Thái. Cứ sống như thế giữa núi rừng, ít khi bệnh tật”.
 

Thiên diễm tình đẫm lệ

Chúng tôi từng nghe nhiều về huyền tích suối Nàng Nhị. Rằng, vùng cư dân sinh sống có suối Nàng Nhị chảy qua, quanh năm ăn, uống nước suối mà không đau bụng; sống trường sinh dù cuộc sống vật chất còn nhiều thiếu thốn. Rằng suối Nàng Nhị là nơi trai gái gặp nhau kết duyên đôi lứa… Và cả cái tên suối Nàng Nhị cũng gây trí tò mò cho những người chưa một lần bước chân đến mảnh đất cực Tây xứ Nghệ này.

15-54-19_tre_em_x_huu_lp_di_bt_c_vot_reu_tren_dong_suoi_nng_nhi_ve_che_bien_thuc_n
Trẻ em xã Hữu Lập đi bắt cá, vợt rêu trên suối Nàng Nhị về chế biến thức ăn

Dòng suối Nàng Nhị bắt nguồn từ chân núi Pù Huống hùng vĩ chảy qua địa phận xã Mường Lống, Bảo Nam rồi chảy qua giữa xã Hữu Lập. Bản thân dòng suối được gắn với huyền tích về thiên diễm tình đẫm lệ giữa một nàng công chúa kiều diễm và chàng chăn dê, nhà nghèo. Sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa truyền thuyết và hiện tại về tính trường sinh của nó đã làm cho dòng suối này trở nên linh thiêng và huyền bí. Người khắp nơi đổ về thung lũng này tắm, lấy nước về uống với mong muốn được kéo dài mãi tuổi thanh xuân…

Sau ngụm nước được lấy lên từ suối Nàng Nhị, cụ bà Vy Xén Nam, một trong những người cao tuổi nhất xã Hữu Lập kể về huyền tích dòng suối này.

Chuyện rằng, Nàng Nhị là công chúa xinh đẹp của đất nước Triệu Voi. Nàng đem lòng yêu say đắm chàng Khăm Pon nghèo chăn ngựa. Biết chuyện, vua cha hết sức tức giận và tìm cách chia rẽ. Nhà vua gọi chàng Khăm Pon đến ra điều kiện: “Ngươi hãy đi về vùng rừng núi Pi-ơng tìm viên ngọc cầu vồng trong miệng con hổ 1 chân về đây, ta sẽ gả con gái cho”.

15-54-19_nguoi_thi_r_suoi_ly_nuoc_ve_dung
Người Thái ra suối lấy nước về sử dụng

Vì tình yêu, chàng Khăm Pon vai mang cung, tay vác kiếm đi tìm hổ. Chàng đi ngày này qua ngày khác, qua hết bao nhiêu núi rừng, lấy nước suối để uống, cây rừng để ăn chỉ mong tìm được những lễ vật mà vua cha yêu cầu. Nhưng đi mãi, đi mãi chàng lạc vào tận rừng sâu không tìm được đường về. Nàng Nhị vì thương Khăm Pon đã trốn khỏi cung điện, vượt rừng tìm người yêu. Nàng đi, đi mãi cho đến khi lạc vào một cánh rừng đầy mây trắng và không tìm được lối ra.

Nàng đành phải trú lại trong một hang đá, sống bằng hoa quả và củ cây rừng. Với niềm tin mãnh liệt một ngày nào đó chàng trai sẽ tìm đến, nàng lấy dao khắc kí hiệu trên từng phiến đá, gốc cây. Mỗi mùa hoa ban nở, nàng lại ngồi nơi phiến đá khắc lên đó một bông. Thật không ngờ, chàng trai cũng bị lạc trong cánh rừng này. Họ chỉ cách nhau một ngọn núi mà không hề hay biết.

Khi chàng trai tìm đến thì chỉ thấy một người đàn bà tóc trắng đã gục chết bên phiến đá với 64 bông hoa ban được chạm khắc tỉ mỉ. Chàng trai ngày ấy bây giờ là một ông lão tóc bạc da mồi ôm lấy xác người yêu, khóc nức nở và trút hơi thở cuối cùng.

Tình yêu của họ đã làm cho thần Núi xúc động. Dưới chân núi, nơi hai người ôm nhau chết nứt ra một con mắt khổng lồ, nước từ đó ào ào tuôn thành suối. Xác của hai người chung tình ngâm nước suối ba ngày ba đêm bỗng nhiên sống lại và trẻ đẹp như thuở mười tám, đôi mươi. Họ nên vợ nên chồng, cùng sống hạnh phúc bên dòng suối và sinh con đẻ cái...

15-54-19_thieu_nu_xuong_suoi_tm_goi_du_de_duoc_xinh_dep_hon
Thiếu nữ xuống suối tắm, gội đầu để xinh đẹp hơn

Tộc người Thái ở Kỳ Sơn bắt đầu từ đó. Dòng suối này được gọi là suối Tình Yêu hay còn gọi là suối Dụ Kẻ (sống mãi mãi). Người đời sau cảm động về thiên diễm tình này và cũng để nhắc nhở trai gái yêu nhau chung thủy, sống tròn đời vì nhau nên còn gọi đó là suối Nàng Nhị.

Từ đó, trai gái yêu nhau thường ra suối lấy nước uống thề thốt thủy chung.

Đầu năm 2018, toàn xã Hữu Lập có 4 cụ sống thọ trên 100 tuổi; 1 cụ thọ 100 tuổi; 3 cụ thọ 95 tuổi; 2 cụ thọ 90 tuổi; 7 cụ thọ 85 tuổi… Con số thống kê được thực hiện đầu năm 2018, khi mà nhiều cụ trên 100 tuổi ở Hữu Lập đã khuất núi từ đầu đến giữa năm 2017.

 

(Kiến thức gia đình số 16)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm