| Hotline: 0983.970.780

Huỳnh Ngọc Sĩ quyết liệt chối tội

Thứ Sáu 15/10/2010 , 23:48 (GMT+7)

Sĩ cũng thẳng thừng bác lại các lời khai của quan chức PCI khi Hội đồng xét xử công bố.

Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ trong phiên tòa sơ thẩm chiều 15/10.

Ngày 15/10, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử đối với Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh về tội “nhận hối lộ.”

Thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt giữ ghế chủ tọa phiên tòa; các Luật sư Phan Trung Hoài, Phạm Công Út và Trần Văn Tạo (thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) tham gia bào chữa cho bị cáo Sĩ. Toà cũng triệu tập một số người có liên quan, trong đó có ông Lê Quả, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án (đang thụ lý án tù 5 năm), đại diện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và ba quan chức phía Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) là những người khai nhận đã hối lộ ông Sĩ . Tuy nhiên, những đại diện này đã không có mặt tại toà.

Vì lẽ đó, các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập đại diện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, triệu tập thêm đại diện Ban Quản lý Dự án, các quan chức PCI để có thể tiến hành xét xử một cách khách quan, đầy đủ bằng chứng.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, các đề nghị của luật sư là không cần thiết bởi lẽ, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cử Huỳnh Ngọc Sĩ làm Giám đốc Ban quản lý dự án là thay mặt cho chính quyền thành phố cùng với phía Nhật Bản thực hiện dự án; những người có liên quan trong Ban quản lý dự án cũng như các quan chức PCI đã bị tòa án Nhật Bản phạt tù không thể sang Việt Nam làm chứng nhưng do các lời khai của họ đã có trong hồ sơ vụ án, khi cần thiết Hội đồng xét xử sẽ công bố để làm rõ. Quan điểm trên của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố cũng là quyết định của Hội đồng xét xử.

Bị cáo Sĩ quyết liệt phủ nhận các cáo buộc của cáo trạng, cho rằng mình không hề thỏa thuận, làm lợi và nhận tiền hối lộ của quan chức PCI. Tại cơ quan điều tra, bị cáo Sĩ cũng một mực chối bỏ điều này. Theo Sĩ, bị cáo chưa hề một lần tiếp các quan chức PCI trong phòng làm việc của mình để bàn việc riêng, chứ nói gì đến việc thỏa thuận rồi nhận số tiền 262.000 USD từ họ.

Sĩ cũng thẳng thừng bác lại các lời khai của quan chức PCI khi Hội đồng xét xử công bố, cho rằng đó những lời khai không có cơ sở và chỉ là những suy diễn theo hướng buộc tội. Nhiều lần bị cáo yêu cầu xin được đối chất với các quan chức này nhưng đã không được đáp ứng. Khi Hội đồng xét xử đặt câu hỏi “Bị cáo nhận xét gì khi quan chức PCI đã bị Tòa án Nhật Bản khép tội, khai nhận có đưa hối lộ cho bị cáo” thì Sĩ không nói, chỉ một mực cho rằng mình không hề nhận hối lộ.

Theo quy định, hình thức đấu thầu của Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước là đấu thầu quốc tế. Với gói thầu tư vấn thiết kế, theo Sĩ, Ban Quản lý Dự án có tổ chức đấu thầu và PCI đã trúng thầu. Riêng với gói thầu tư vấn giám sát, Sĩ thừa nhận Ban Quản lý Dự án đã chỉ định thầu nhằm đảm bảo đúng tiến độ, nếu không làm vậy thì thời gian thi công sẽ kéo dài.

Theo Hội đồng xét xử, sau khi đứng ra đại diện ký hợp đồng với PCI, thay vì Ban Quản lý Dự án thanh toán 20% tổng số vốn đầu tư toàn dự án cho PCI như đã thương thảo thì Ban Quản lý Dự án lại rút tiền ra chi đến 40%. Bị cáo Sĩ phủ nhận điều này.

Hội đồng xét xử công bố các lời khai của quan chức PCI trong việc tiếp cận rồi thoả thuận “lót tay” 10% hợp đồng cho Sĩ để PCI trúng thầu nhưng Sĩ kiên quyết liệt phủ nhận. Thừa nhận mức lương chi trả cho chuyên gia nước ngoài mà mình ký duyệt cao hơn mức đã thoả thuận giữa hai bên nhưng bị cáo Sĩ cho rằng, mức đó vẫn nằm trong khung cho phép.

Trong khi Lê Quả và Trần Văn Thanh, nguyên Kế toán trưởng Ban quản lý dự án, thừa nhận đó là mức lương làm lợi cho PCI. Theo Sĩ, mặc dù giữ cương vị Giám đốc Ban quản lý dự án nhưng bị cáo không có toàn quyền quyết định mọi vấn đề của dự án, cũng như đối với hợp đồng thanh toán tiền lương cho chuyên gia.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh có tổng vốn đầu tư 14.026 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản là 9.606,98 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 4.419,02 tỷ đồng.

Tháng 1/2001, Ban quản lý dự án mời 5 công ty tham gia đấu thầu, trong đó có PCI. Với chủ trương cạnh tranh không lành mạnh, đưa hối lộ để được trúng thầu nên khi biết Nhật Bản sẽ cho Việt Nam vay vốn ODA đầu tư xây dựng đại lộ Đông-Tây, các quan chức PCI đã xác định và quyết tâm phải hối lộ bằng được ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nhằm được tạo điều kiện thuận lợi khi đàm phán, thương thảo ký kết hợp đồng của gói thầu tư vấn thiết kế, được chấp thuận các điều khoản có lợi, trong đó có việc không bị hạ thấp lương chuyên gia tư vấn nước ngoài, được tạm ứng và thanh toán nhanh chóng, được chỉ định gói thầu tư vấn giám sát thi công...

Các quan chức PCI khai đã 7 lần hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ với tổng số tiền 2,342 triệu USD. Tuy nhiên, kết quả điều tra đến nay chỉ mới làm rõ một lần ông Sĩ nhận 262.000 USD. Đối với 6 lần đưa tiền còn lại, do thời hiệu điều tra vụ án đã hết, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định tách hành vi nhận hối lộ của 6 lần này để tiếp tục điều tra, thu thập đủ tài liệu, chứng cứ sẽ xử lý sau.

Có mặt tại tòa, vợ Huỳnh Ngọc Sĩ cũng đã xin Hội đồng xét xử xem xét việc kê biên tài sản đối với hai ngôi nhà của vợ chồng bà trong vụ án trước đây liên quan đến ông Sĩ; vì bà mới là người đứng tên, là chủ hai căn nhà này, trong đó có một căn bà thừa kế từ mẹ và có trước khi ông Sĩ công tác ở Ban quản lý dự án.

Ngày 16/10, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận. Theo ông Bùi Hoàng Danh, Chánh án Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến 9 giờ sáng 18/10, Tòa sẽ tuyên án.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm