| Hotline: 0983.970.780

TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS:

Hy vọng cán bộ y tế không bị lây nhiễm HIV

Thứ Sáu 10/07/2015 , 11:06 (GMT+7)

Sau khi hối hả cứu sống một bệnh nhân cận kề cái chết, 18 y bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đối diện với nguy cơ nhiễm HIV. 

Đây thực sự là cú “sốc” đối với bản thân các y bác sĩ trực tiếp tham gia vào kíp cấp cứu đó. PV có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hoàng Long (ảnh) - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS xung quanh vấn đề này.

16-39-26_ts-long_1

Trước thông tin 18 y bác sĩ cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phơi nhiễm với HIV, với tư cách là cơ quan quản lý, ông có thể nói rõ hơn sự việc này?

Khi có thông tin này chúng tôi đã xác minh và được biết, ngày 4/7, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã cấp cứu cho một nữ bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng da vàng nhợt, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc, thở ngáp cá có thể nói là rất nguy kịch.

Bệnh viện phải huy động hàng chục y bác sĩ từ các khoa phòng để giành giật sự sống cho người bệnh. Người bệnh đã được mổ cấp cứu cắt tử cung, truyền máu và hồi sức tích cực và đến nay đã dần bình phục.

Tuy nhiên điều đang được rất nhiều người quan tâm đó là bệnh nhân này đã nhiễm HIV và trong lúc cấp cứu dành sự sống cho bệnh nhân, 18 cán bộ y tế trong đó có các cán bộ y tế cấp cứu, tham gia phiên mổ và chăm sóc sau mổ ít nhiều đã tiếp xúc trực tiếp với máu của bệnh nhân. Trong chuyên môn, chúng tôi gọi đây là những trường hợp phơi nhiễm với HIV do rủi ro nghề nghiệp.

Trong cấp cứu y khoa, đã bao giờ nước ta ghi nhận tình huống nào tương tự như vậy không thưa cục trưởng?

Cấp cứu bệnh nhân là công việc thường xuyên của các bệnh viện. Tuy nhiên, việc một lúc nhiều cán bộ y tế cùng bị phơi nhiễm HIV trong khi cấp cứu người bệnh như trong trường hợp này là ít gặp.

Đây cũng thể hiện sự cống hiến, hy sinh thầm lặng và thường xuyên của đội ngũ cán bộ y tế mà không phải ai cũng biết. Cá nhân tôi hết sức cảm động, đánh giá cao và hoan nghênh tinh thần hết lòng vì người bệnh của các cán bộ y tế Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để cứu sống người bệnh trong cơn nguy cấp, bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân mình.

Trong trường hợp nào thì bị coi là phơi nhiễm? Liệu các bác sĩ có bỏ qua các bước về bảo hộ lao động hay không?

Khái niệm phơi nhiễm là khi có sự tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch sinh học của người nhiễm HIV. Các y bác sĩ nói trên tham gia quá trình vận chuyển bệnh nhân, tiêm truyền, hô hấp nhân tạo… mổ xẻ. Như vậy chính xác phải nói họ bị phơi nhiễm với HIV hay họ có nguy cơ nhiễm HIV.

Còn bạn hỏi liệu các bác sĩ có bỏ qua các bước về bảo hộ lao động hay không? Phương pháp dự phòng phổ quát đầu tiên thường được áp dụng bằng sử dụng hàng rào bảo vệ như mặc áo choàng, đi găng mà các bạn coi là bảo hộ lao động chắc chắn đó là quy định của ngành y tế nhằm không chỉ bảo vệ người thầy thuốc mà còn tránh lây chéo cho bệnh nhân.

Tuy nhiên như tôi đã đề cập trên, ngay cả khi đã sử dụng bảo hộ lao động cũng chưa phải đã đảm bảo tuyệt đối an toàn như tình huống máu phun ào ào hay bệnh nhân sống chết trong gang tấc thì sự sống của bệnh nhân được đặt lên trên hết.

Vậy thưa ông nguy cơ lây truyền HIV trong những trường hợp này là như thế nào và hiệu quả của điều trị dự phòng mà các cán bộ đang được điều trị ra sao?

Chúng ta đều biết, những tiếp xúc thông thường trong cuộc sống hàng ngày (như ăn uống, sinh hoạt chung, bắt tay, ôm…) thì không thể lây nhiễm HIV. Nguy cơ lây nhiễm HIV chỉ xảy ra khi có tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể của người nhiễm HIV.


Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương lên nhận giấy khen của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. (Ảnh: Nam Phương/VnExpress)

Tuy vậy, dù tiếp xúc trực tiếp thì khả năng bị lây nhiễm HIV cũng rất thấp (chỉ khoảng vài phần ngàn), tùy theo tính chất, mức độ phơi nhiễm, vị trí phơi nhiễm, tình trạng bệnh nhân nhiễm HIV đó có được điều trị hay không…

Trong số 18 cán bộ y tế trực tiếp tham gia cứu chữa cho bệnh nhân, cần đặc biệt quan tâm đến những cán bộ y tế có tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người bệnh. Khi xảy ra sự việc, bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã xử trí theo đúng quy trình và hướng dẫn của Bộ Y tế từ việc đánh giá nguy cơ, tiến hành xét nghiệm HIV, tư vấn cho các cán bộ y tế, đồng thời bệnh viện cũng đã liên hệ ngay với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội để cấp thuốc ARV điều trị phơi nhiễm cho tất cả 18 y bác sĩ này, bất kể đó là ngày nghỉ cuối tuần. Được điều trị dự phòng đúng quy định và sớm trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm thì có thể giảm được đến 80% khả năng nhiễm HIV.

Hơn nữa, bệnh nhân nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) tại Quảng Ninh đã 2 năm nay. Những bệnh nhân nhiễm HIV khi được điều trị ARV thường xuyên thì tải lượng virus HIV trong máu xuống thấp, có thể giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác.

Sự việc xảy ra là một trong những rủi ro nghề nghiệp đối với các cán bộ y tế. Tuy nhiên, với nguy cơ lây nhiễm không cao, người nhiễm HIV đang được điều trị thuốc ARV, đồng thời bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội đã xử trí rất đúng quy trình, nên tôi tin tưởng rằng các cán bộ y tế của chúng ta không bị lây nhiễm HIV trong trường hợp này.

Nhân đây, ông có thể cho biết các xử trí khi cán bộ y tế bị phơi nhiễm với HIV và quyền lợi của họ được hưởng như thế nào?

Việc xử trí các trường hợp phơi nhiễm HIV, trong đó có phơi nhiễm do rủi ro nghề nghiệp, đã được hướng dẫn rõ ràng trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản hướng dẫn kèm theo, như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó:

Người bị phơi nhiễm cần được xử lý vết thương tại chỗ: Phải xối ngay vết thương hay rửa ngay bộ phận bị phơi nhiễm dưới vòi nước, nếu là vết thương chảy máu thì để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương, rồi rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch. Với các phơi nhiễm qua niêm mạc mắt, mũi miệng thì rửa bằng nước muối 9%o nhiều lần và súc miệng bằng nước muối 9%o nhiều lần.

Nếu xác định có nguy cơ, sẽ được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng HIV trong vòng 4 tuần. Việc điều trị dự phòng này cần tiến hành sớm ngay sau khi bị phơi nhiễm từ 2-6 giờ hoặc thời gian tối đa là trước 72 giờ. Sau 72 giờ việc điều trị không có tác dụng dự phòng.

Cán bộ bị phơi nhiễm sẽ được tư vấn về điều trị, tư vấn xét nghiệm lại sau 1, 3, 6 tháng. Các dịch vụ liên quan đến tư vấn, điều trị và xét nghiệm đều được miễn phí. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, cán bộ bị phơi nhiễm được nghỉ việc để điều trị dự phòng trong 20 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương và phụ cấp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn Cục trưởng!

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.