| Hotline: 0983.970.780

Ì ạch thu mua mía nguyên liệu, cả ngàn hecta quá lứa

Thứ Năm 05/04/2018 , 10:43 (GMT+7)

Bỏ hàng trăm triệu đồng đầu tư, chăm sóc suốt một năm trời, nhưng nhiều hộ trồng mía ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk) đang đứng ngồi không yên khi nhà máy đường thu mua chậm để hàng nghìn ha mía quá lứa, cháy khô.

Ngồi trên đống lửa

Cuối tháng 12/2016, gia đình ông Đinh Hữu Bảy (thôn 9, xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ mía nguyên liệu vụ 2016-2017 với Cty CP Mía đường Đắk Lắk trồng 35ha. Theo đó, Cty đầu tư giống, vật tư và tiền mặt quy ra khoảng 30 triệu đồng/ha cho ông trồng, chăm sóc mía (thời gian thu từ tháng 12/2017 đến tháng 5/2018).

15-14-52_mi_nh_ong_by_cht_bo_dong_ngoi_dong
Mía nhà ông Bảy chặt bỏ đống ngoài đồng

Cty cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm mía với giá 800 đồng/kg. Tuy nhiên đến thời điểm này đã là đầu tháng 4 (chỉ còn hơn 1 tháng nữa là phải hoàn thành thu mua theo hợp đồng), Cty mới thu mua được 14ha, số còn lại bị khô héo vì cháy, quá lứa đang phơi ngoài đồng.

Ông Bảy cho hay, việc thu mua chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng, thu nhập của gia đình. Ông phân tích: Trung bình 1ha mía, nếu chăm sóc tốt, sau một năm cho năng suất đạt từ 100 - 120 tấn, chữ đường đạt 8 CCS trở lên bán được giá 800 đồng/kg; nhưng khi thu mua chậm, năng suất chỉ còn 70 - 80 tấn/ha, chữ đường giảm theo sẽ bị trừ 10%.

Chưa kể, mía bị cháy, năng suất vừa giảm, giá bán cũng chỉ 500 – 600 đồng/kg (mua theo chữ đường). Như vậy, mía còn nằm ngoài đồng ngày nào thì gia đình ông còn chịu lỗ, chịu thiệt ngày đó.

Sốt ruột, ông Bảy chạy lên chạy xuống xin Cty cho lịch chặt mía nhưng chỉ được phần diện tích cháy còn lại phải tiếp tục… chờ, kể cả số mía đã chặt nhưng công ty chưa cho xe đến chở, đành bỏ đống ngoài ruộng.

Cũng trong tình cảnh tương tự, nhà bà Lò Thị Lan (xã Ya Tờ Mốt) trồng 30ha mía nhưng mới thu hoạch được 1/10 diện tích. Bà Lan cho biết, những năm trước gia đình bà chỉ trồng 5 - 6ha mía và được Cty thu mua trước tết. Năm nay Cty khuyến khích người dân mở rộng diện tích, cho thêm nhiều ưu đãi như: không tính tiền lãi đầu tư trong năm đầu, hỗ trợ tiền khoan giếng, đào mương thoát nước… nên bà vay tiền trồng thêm.

Nhưng giờ việc thu mua quá chậm làm giảm năng suất, chất lượng, giá mua giảm trong khi giá thuê nhân công chặt, bốc vác tăng nên vụ này bà lỗ nặng.

Điều bà Lan đang lo lắng nữa việc thu hoạch chậm sẽ ảnh hưởng kép đến hai vụ sau bởi hiện tại gốc mía đã khô héo, nhiều gốc bị chết nên tỉ lệ nảy mầm trong vụ tới sẽ giảm đi nhiều.

Mấy ngày nay, anh Vũ Văn Huy (thôn 11, xã Ya Tờ Mốt) túc trực trên nhà máy đường để chờ đến lượt được cân mía. Nhà anh Huy có 6ha mía đã quá lứa nhưng Cty chưa cho chặt. Đến khi cho chặt thì không có xe bốc, anh năn nỉ nhà máy cấp lệnh cho xe ngoài được chở, rồi vay tiền thuê 2 chiếc xe tải.

Chở đến nơi, anh phải đợi 3 - 4 ngày trời mới tới lượt cân. Mỗi ngày đợi anh phải chi thêm tiền ăn uống, nước non cho tài xế, tốn kém lắm nhưng đành chấp nhận. Anh tâm sự, nguồn sống của gia đình và nhiều hộ dân ở xã Ya Tờ Mốt đều trông chờ vào cây mía, nhưng nhà máy làm kiểu này khác gì “hành” dân.
 

Cty bảo "cứ bình tĩnh"

Đem nỗi khổ của người dân phản ánh đến Cty CP Mía đường Đắk Lắk (trụ sở tại xã Ya Tờ Mốt), ông Nguyễn Bảo Lộc, PGĐ bảo người dân cứ bình tĩnh, mọi việc nằm trong tầm kiểm soát của nhà máy.

Theo ông Lộc, sở dĩ năm trước tiến độ thu mua mía nhanh bởi toàn huyện Ea Súp chỉ có 1.200ha mía, năm nay tăng lên 3.800ha (gấp 3 lần), chưa kể vùng nguyên liệu ở huyện Buôn Đôn và huyện Chư Prông (Gia Lai) tổng cộng lại hơn 5.100ha. Hơn nữa, nhà máy mới di dời từ huyện Cư Jut (Đắk Nông) về địa điểm mới (xã Ya Tờ Mốt), chỉ trong vòng 8 tháng, nhiều hạng mục công trình chưa hoàn thiện.

Tuy vậy, Cty vẫn nỗ lực, gấp rút đưa vào vận hành để kịp thu mua mía cho nông dân. Hiện nhà máy hoạt động với công suất tối đa 2.500 tấn/ngày đêm, do đó người dân không nên nóng vội.

15-14-52_viec_thu_mu_chm_nh_huong_den_nng_sut_cht_luong_mi
Việc thu mua chậm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mía

Việc di dời nhà máy đến đây cho thấy phía Cty luôn muốn hợp tác lâu dài với nông dân. Dù hiện nay trên thị trường, giá đường giảm mạnh nhưng Cty vẫn giữ nguyên mức giá thu mua 800 đồng/kg theo đúng cam kết ban đầu. Còn việc mía bị khô cháy, Cty phải mua theo chữ đường bởi sự cố cháy xảy ra không ai mong muốn, người dân tổn thất, Cty cũng thiệt hại theo.

"Cty khuyên người dân không nên tự ý chặt mía mà phải tuân thủ theo kế hoạch thu mua, tránh trường hợp chặt phơi ngoài ruộng; đồng thời phòng chống cháy mía gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mía. Từ đây đến hết tháng 5, Cty cam kết sẽ thu mua toàn bộ diện tích mía còn lại của người dân", ông Lộc nói thêm.

Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cho biết đã có buổi làm việc về tình hình thu mua mía trên địa bàn với Cty CP Mía đường Đắk Lắk. Đến thời điểm này còn khoảng 1.800ha mía chưa thu hoạch, huyện đã đôn đốc Cty đẩy nhanh tiến độ thu mua cho nông dân. Trong năm tới, nhà máy cần có kế hoạch gieo trồng hợp lý, tránh tình trạng trồng cùng lúc dẫn đến không thu mua kịp.

Giải đáp nỗi lo mía bị khô, cháy sẽ ảnh hưởng đến lưu gốc cho vụ sau, ông Phú cho hay, đặc thù cây mía sau khi thu hoạch xong sẽ tiến hành phát gốc, đốt bỏ toàn bộ lá và chờ mưa đến, mầm mía mới mọc lên. Do vậy, người dân yên tâm, hoàn tất các quy trình canh tác để khi mùa mưa đến mầm mía sẽ phát triển bình thường. Với tầng đất mỏng, khí hậu nhiệt đới như vùng Ea Súp, mía là cây trồng thích hợp.

"Trên địa bàn huyện đang có một Cty mía đường đã được UBND tỉnh cho phép xây dựng tại thôn 5, xã Ea Rốk. Nếu Cty đi vào hoạt động, mía sẽ là cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập ổn định cho người dân", ông Phú chia sẻ.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất