| Hotline: 0983.970.780

ILO khuyến nghị bỏ 'xuất khẩu lao động'

Thứ Tư 30/10/2019 , 10:14 (GMT+7)

Trong thông cáo mới nhất, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam kêu gọi tăng cường nỗ lực đảm bảo di cư lao động an toàn, có trật tự, hợp thức và dễ dàng.

Người lao động khi tìm cách ra nước ngoài kiếm việc làm, dù bằng cách thức nào, cũng chỉ nhằm mục đích mưu cầu điều kiện kinh tế tốt đẹp hơn (Ảnh minh họa).

Đồng thời, ILO khuyến nghị không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới cần sẵn sàng sử dụng các thuật ngữ “di cư lao động”, “dịch chuyển lao động” và chấm dứt sử dụng các khái niệm “xuất khẩu lao động”.

Bên cạnh đó, ILO cho rằng nên sử dụng “lao động di cư/người di cư không hợp thức” hoặc “lao động di cư/người di cư không qua các kênh hợp thức”, “lao động di cư/người di cư không qua các kênh chính thức”, “lao động di cư/người di cư không qua các kênh chính thống” hoặc “lao động di cư/người di cư không có giấy tờ hợp thức” thay vì “lao động bất hợp pháp” hay “lao động chui”.

Tất cả những khuyến nghị trên xuất phát từ quan điểm của ILO là lao động không phải là một “món hàng hóa”. Tổ chức này lập luận rằng việc sử dụng ngôn ngữ dựa trên cách tiếp cận theo quyền (của người lao động) có thể giúp giảm bớt sự phân biệt đối xử đối với người lao động di cư không qua các kênh hợp thức và thúc đẩy hòa nhập xã hội cho mọi người.

Giữa thời điểm vụ 39 người nhập cư không hợp thức tử nạn trên đường sang Anh đang khuấy động dư luận, đặc biệt ở Việt Nam, ILO một lần nữa khẳng định cam kết hỗ trợ việc quản trị vấn đề lao động di cư dựa trên vấn đề quyền cho người lao động.

“Di cư lao động không qua các kênh hợp thức khiến người lao động di cư có nguy cơ bị bóc lột lao động, hạn chế khả năng  tiếp cận hỗ trợ và công lý khi ở nước ngoài,” người đứng đầu ILO Việt Nam chia sẻ. ILO nhấn mạnh việc tăng cường các kênh di cư hợp thức thông qua giảm chi phí và đơn giản hóa các quy trình phức tạp để từ đó tăng số lượng lao động đi qua các kênh này. 

“Trên nguyên tắc hợp tác, di cư lao động có thể là động lực phát triển tích cực và giảm thiểu những nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn của người lao động di cư”, Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee, cho biết. “Khi quyền của lao động di cư được tôn trọng, và hành trình di cư của họ được an toàn, bản thân họ, gia đình và cả xã hội có thể được hưởng lợi từ nguồn kiều hối gửi về cũng như nâng cao được kỹ năng tay nghề”.

Nợ nần khi di cư sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro bị mua bán và cưỡng bức lao động. Lao động di cư, do vậy, cần phải được đảm bảo rằng họ không phải trả bất kỳ phí hoặc chi phí tuyển dụng nào.

Theo ILO, Việt Nam gần đây ghi nhận số lượng người ra nước ngoài làm việc gia tăng. Riêng trong năm 2019 đã có hơn 142.000 người lao động xuất cảnh (trong đó có khoảng 50.000 người là nữ) đi làm việc theo hợp đồng.

Chính phủ ước tính người lao động di cư gửi về nhà 2,5 - 3 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, các báo cáo cũng cho thấy sự gia tăng đối với luồng di cư không hợp thức sang các nước trong khu vực và châu Âu.

Một nghiên cứu gần đây của ILO và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho thấy, người lao động Việt Nam đã phải trả chi phí cao nhất so với một số nước trong khu vực để đi làm việc ở nước ngoài. Lao động cũng phải vay mượn khoản tiền lớn nhất và làm việc trong khoảng thời gian lâu nhất - lên đến 11 tháng - để có thể chi trả khoản nợ này.

Hơn 3/4 lao động Việt Nam được phỏng vấn (77% lao động nam và 75% lao động nữ) trả lời rằng họ bị vi phạm quyền lao động khi làm việc ở nước ngoài.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.