"Mạng xã hội chỉ được phép hỗ trợ quảng cáo, song không được phép thực hiện giao dịch. Họ không được mở cửa hàng, bán hàng trực tiếp", Bộ trưởng Hasan nhấn mạnh.
Ông Hasan cho biết TikTok có một tuần để tuân thủ quy định nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ đóng cửa ở quốc gia này.
Quy định mới cũng yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử ở Indonesia đặt mức giá tối thiểu là 100 USD đối với một số mặt hàng nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài, và tất cả các sản phẩm được cung cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn địa phương.
"Bất kỳ chính phủ nào cũng sẽ bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ địa phương", Bộ trưởng Thương mại Indonesia nói.
Công ty nghiên cứu BMI cho biết TikTok sẽ là doanh nghiệp duy nhất bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm và động thái này khó có thể gây tổn hại cho sự tăng trưởng của ngành thị trường kỹ thuật số.
Thị trường thương mại điện tử của Indonesia bị thống trị bởi các nền tảng thương mại như Tokopedia của tập đoàn GoTo, Shopee thuộc tập đoàn SEA và Lazada của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba.
TikTok chọn Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, là nơi đầu tiên để triển khai TikTok Shop từ năm 2021.
Với 125 triệu người dùng mỗi tháng, số người dùng TikTok của Indonesia gần bằng với số người sử dụng ứng dụng này ở châu Âu và chỉ xếp sau Mỹ với 150 triệu người dùng. Hồi đầu tháng này TikTok đã ra mắt dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Mỹ.
Phản ứng trước lệnh cấm, đại diện TikTok ở Indonesia lên tiếng bày tỏ quan ngại về quyết định của chính phủ, đồng thời cho rằng quyết định này sẽ ảnh hưởng tới sinh kế của 6 triệu người bán hàng địa phương đang sử dụng TikTok Shop.