Một con kênh ken đặc rác ni lông. |
Theo hợp đồng, Indonesia chỉ nhận 8 container giấy thải, nhưng khi hàng được chuyển đến thành phố Surabaya thì cơ quan chức năng phát hiện ra bên trong toàn là rác thải sinh hoạt như chai lọ, tã giấy đã qua sử dụng, thiết bị điện hư hỏng...
Mới tuần trước, Indonesia cũng thông báo sẽ gửi trả 49 côngtennơ rác cho Pháp và một số quốc gia khác.
Các nước Đông Nam Á đang trở thành địa chỉ lý tưởng xuất khẩu rác của các nước phát triển. Thị trường xử lý rác toàn cầu rơi vào hỗn loạn từ năm 2018 khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập rác thải nhựa.
Tháng 5 năm nay, Malaysia cũng tuyên bố sẽ cho tàu chở 450 tấn rác thải nhựa về điểm xuất phát, gồm nhiều nước là Australia, Bangladesh, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Ảrập Xêút, Mỹ. Vụ trả tác ầm ĩ nhất ở khu vực Đông Nam Á là hồi tháng trước, Philippines đe dọa 5 lần 7 lượt mới tống được 69 container rác về lại Canada. Vụ việc còn làm quan hệ ngoại giao hai nước có phần sứt mẻ.
Đông Nam Á hiện là một trong những khu vực ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng nhất thế giới. Những dòng sông ngập ngụa rác hay những sinh vật biển chết trong bụng vẫn còn hàng kg rác nhựa không phân hủy được đã không còn hiếm ở nhiều nước trong khu vực.
Theo ước tính của Quỹ Thiên nhiên thế giới (WWF), mỗi năm thế giới sản sinh ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa và việc xử lý chúng hiện là thách thức ở rất nhiều quốc gia.