| Hotline: 0983.970.780

Jordan và tham vọng trồng cây bằng nước biển

Thứ Sáu 28/09/2018 , 10:15 (GMT+7)

Bên trong khu nhà kính trên sa mạc Jordan, nơi cách biên giới với Israel chỉ 1 km, các nhà nghiên cứu đang tìm cách sử dụng năng lượng Mặt Trời cùng nước biển để biến khu vực này thành nơi có thể canh tác.

“Cây húng quế của tôi mọc hơi lộn xộn”, Blaise Jowett, trưởng nhóm trồng cây, xin lỗi. “Nhưng tôi vẫn giữ chúng để làm sốt pesto”. Bên ngoài nhà kính là một con lạc đà, cát trải dài tới dãy núi đá phía xa. Nơi đây không có nước, không có cây cối.

08-03-51_1
Hệ thống nhà kinh trong Dự án Rừng Sahara. Ảnh: BBC

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), tính đến năm 2050, sản xuất lương thực phải tăng trưởng 50% để bắt kịp đà tăng dân số. Đây là điều không dễ dàng.

“Thách thức là phải sản xuất lượng lương thực này với những điều kiện như diện tích đất canh tác hạn chế, nhiều khu vực đã thoái hóa”, Sylvie Wabbes-Candotti, quan chức bộ phận hoạt động khẩn cấp và cải tạo của FAO, nói với BBC.

Thế giới đang phải đối mặt với các thách thức toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia, như Jordan, bị thiếu nước. Những thách thức này còn tác động lẫn nhau, khiến tình hình thêm phức tạp.

Quá trình sản xuất lương thực hiện chiếm 70% lượng nước sạch tiêu thụ trên toàn cầu và thải ra 25% khí nhà kính. Điều này nghĩa là nếu sản xuất lương thực tăng mà không thay đổi cách thức thì có thể tăng ô nhiễm. Trong khi đó, biến đổi khí hậu sẽ khiến tình trạng thiếu nước thêm trầm trọng, khó sản xuất hơn.

“Không thể coi biến đổi khí hậu là thách thức riêng biệt. Nó có liên hệ với quá trình sản xuất nước và lương thực”, Joakim Hauge, chủ tịch Quỹ Dự án Rừng Sahara, nói. “Cách ứng phó của chúng tôi là lấy những gì có đủ để sản xuất thứ cần thêm”.

Tài nguyên Jordan cần thêm là nước. Jordan là quốc gia nghèo nước thứ hai trên thế giới với chưa đến 150 m3/người/năm. Nguyên nhân là sa mạc chiếm 75% diện tích Jordan và ngành nông nghiệp – tiêu thụ 1/2 nguồn cung nước nhưng chỉ đóng góp 3% vào GDP quốc gia.

Thứ Jordan có đủ là ánh nắng. Trung bình, Jordan có khoảng 330 ngày nắng/năm, tương đương lượng điện tạo ra là 5 – 7 kW/h/m2. Đó là lý do Mỹ gọi năng lượng tái tạo là một trong những ngành công nghiệp triển vọng tốt nhất của Jordan. Jordan có thể coi là dồi dào về nước biển với 26 km giáp Biển Đỏ. Đây là những yếu tố thuận lợi để triển khai Dự án Rừng Sahara.

Nội dung dự án khá đơn giản – dùng năng lượng Mặt Trời khử muối trong nước biển, dùng nước đã khử muối để trồng cây, cây trồng giúp đưa carbon trong khí quyển trở lại lòng đất – giải quyết ba thách thức cùng lúc.

Ngoài giúp sử dụng bền vững tài nguyên, dự án còn có một lợi ích nữa là có thể mang lại cho Jordan hàng loạt mặt hàng xuất khẩu.

“Jordan phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu”, Wabbes-Candotti nói. “Nếu không thể dựa vào mưa nhưng lại có nguồn cung nước đáng tin cậy từ dự án, Jordan có thể sản xuất lương thực, thậm chí trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực”.
 

Khó khăn

Dự án Rừng Sahara mới chỉ được triển khai từ tháng 9/2017. Nhà kính cùng khu vực xung quanh, nơi Jowett đang thử trồng các cây khác, chỉ rộng tương đương 4 sân bóng.

08-03-51_2
Thành viên trong dự án đang trồng dưa chuột. Ảnh: BBC

Mọi thứ đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tổng diện tích đất họ sở hữu là 200 hecta. Nếu phương thức này hiệu quả, quy mô trồng trọt sẽ tăng lên 10 hecta vào năm 2020, sau đó là 20 hecta.

Thách thức đầu tiên là nhiệt độ - khoảng 30oC, khía cạnh quan trọng cần làm chủ. Bên trong nhà kính, nơi ba thanh niên đang trồng dưa chuột, nhiệt độ khoảng 25oC. Dù vậy, Jowett cho biết những cây mọc sát tường nhà kính vẫn bị chết vì quá nóng.

Để khắc phục, dự án có một phòng làm mát riêng biệt có thể hạ nhiệt độ trong nhà kính xuống 15oC, ngay cả khi nhiệt độ ngoài trời là 45oC.

Cách hệ thống vận hành “rất dễ giải thích”, Frank Utsola, người quản lý cơ sở, nói. Nước biển được bơm vào đường ống chạy phía trên bức tường ở hướng gió thổi. Bức tường có lớp phủ cho phép hút nước xuống. Khi gió thổi qua, nước bốc hơi làm mát không khí, chỉ còn muối ở lại.

Họ có thể dùng quạt chạy năng lượng Mặt Trời thay vì phụ thuộc vào gió nhưng không cần thiết. Gió thường xuyên thổi qua thung lũng từ phía bắc. Phòng làm mát được bố trí theo hướng gió để tận dụng đặc điểm này.

08-03-51_3
Bức tường thuộc hệ thống làm mát. Ảnh: BBC

Về đêm, khi nhiệt độ có thể giảm còn 7oC, các ống nước trên trần nhà giữ nước được làm ấm từ ban ngày sẽ tưới cho cây. Nhà kính có hệ thống rãnh để dẫn nước thừa về bể chứa. Jowett dùng nước này để tưới cây phía ngoài – được trồng trên các ô đất có độ mặn khác nhau để xác định mức phù hợp.
 

Trong số 864 cây trồng bên ngoài, 49 cây đã chết

“Đây là cỏ ba lá, phân xanh”, Jowett nói. “Tôi để chúng phát triển. Chúng thuộc họ đậu, có thể cố định nitơ trong đất. Chúng tôi đào chúng lên và trộn vào cát. Chúng phân hủy và cải thiện đất, khả năng giữ nước, bổ sung chất dinh dưỡng”.

Thách thức thứ hai là vận chuyển nước. Họ cần đưa nước từ Biển Đỏ tới khu nhà kính, cách đó 15 km. Hiện tại, nước được vận chuyển bằng xe tải, hai ngày một lần. Đây không phải cách tiếp cận bền vững.

“Để tăng quy mô, chúng tôi cần một đường ống bơm nước biển từ bờ biển. Chúng tôi đang tìm nguồn tài trợ”, Hauge nói. Việc bố trí đường ống cũng nan giải bởi nó đi qua các khu vực thuộc nhiều loại hình sở hữu.

Nhóm vẫn lạc quan và đang tìm cách chứng minh hệ thống đường ống tạo ra giá trị không chỉ cho dự án mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng như tạo việc làm, cơ hội kinh doanh.

Với sự ủng hộ mà dự án nhận được – trong đó có từ hoàng gia, nhóm có thể bắt đầu triển khai đường ống sớm nhất vào cuối năm 2018. Ý tưởng biến vùng sa mạc rộng 20 hecta thành khu vực các nhà kính và vườn đang dần trở thành hiện thực khi những cây dưa chuột trồng thử nghiệm đã cho quả ngon, giòn.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.