| Hotline: 0983.970.780

Kathy Uyên: "Tôi đã trở về từ bên trong"

Thứ Sáu 31/01/2014 , 06:40 (GMT+7)

Kathy Uyên giãi bày, điều những người Việt xa quê tìm lại được khi họ về Việt Nam là chạm được tới cái bên trong mình.

Sau 5 năm, Kathy Uyên, một diễn viên, nhà sản xuất trở về từ Mỹ đã tạo được ấn tượng mạnh đối với những người quan tâm tới điện ảnh Việt Nam. Sự trở về của Kathy Uyên tới đây còn có thể kéo theo những cái tên đình đám ở cộng đồng người Việt tại Mỹ như đạo diễn Hàm Trần, Timothy Linh Bùi.

Kathy lý giải rằng, điều những người Việt xa quê tìm lại được khi họ về Việt Nam là chạm được tới cái bên trong mình.

Niềm hạnh phúc về “Âm mưu giày gót nhọn” của chị còn lại dư âm như thế nào?

Tôi rất vui vì “Âm mưu giày gót nhọn” thành công và chúng tôi đang tiếp tục giới thiệu nó tới công chúng tại Mỹ, Canada, Úc vào tháng 3/2014. Nhưng tôi nghĩ đã tới lúc dành thời gian cho một sự khởi đầu mới, một dự án mới.

Sự thành công của “Âm mưu giày gót nhọn” giúp tôi tự tin cho những dự án tiếp sau đây, nhưng tôi nghĩ mình phải luôn nỗ lực nhiều hơn nữa nếu muốn tiếp tục kể những câu chuyện mới cho khán giả của mình trong tương lai. Khi mà tôi có quá nhiều câu chuyện muốn kể, có quá nhiều điều muốn làm.

Điện ảnh là cuộc đời tôi, vì thế không thể vì một thành công hay thất bại mà dừng lại thưởng thức nó quá lâu cũng như gặm nhấm nó quá lâu. Tôi đang giúp mình thoát ra khỏi “Âm mưu giày gót nhọn” bằng múa ballet, thể dục thể thao, khiêu vũ thể thao…

Ba mẹ và gia đình chị ở Mỹ đã nói gì về sự thành công của con gái sau khi bộ phim chị làm diễn viên chính đồng thời là nhà sản xuất đạt được nhiều thành tựu trong nước?

Bố mẹ vui quá trời vui. Bố vừa mới gọi về cho tôi hỏi: “Con à, hai hôm nay con nghỉ ngơi rồi đúng không, vì ba đọc báo không còn thấy tin con nữa. Cũng cần nghỉ ngơi con à”. Trước đó, cả gia đình tôi đều về Việt Nam trong ngày phim ra mắt. Ba xúc động không nói lên lời, ba nói ba ngủ không có được nữa, ba hạnh phúc quá. Mẹ cũng quá vui vì thấy tôi đạt được tới ước mơ của mình.

Em gái thì đùa: “Ồ, chị diễn cũng được đó, làm phim cũng oách đó. Cứ cố xem nha”. Trong tưởng tượng của em gái về tôi chỉ là những tháng ngày chạy xe từ quận này qua quận kia làm việc ở phim trường chứ không có hình dung ra những giây phút mình rực rỡ trên thảm đỏ. Cả gia đình đã luôn bên cạnh tôi, nhưng bằng tình yêu chứ không can thiệp nhiều vào công việc, nên mọi người cũng có chút xíu bất ngờ về tôi. (cười tiếp)

Từ năm 2008, sau lần đầu tiên trở về quê hương để quảng cáo cho “Chuyện tình xa xứ”, chị đã có lần nào đón Tết cổ truyền trên quê hương?

Tôi đã có 2 năm ăn Tết cổ truyền tại Việt Nam, anh Timothy Linh Bùi (người yêu sắp cưới của Kathy, là một đạo diễn tại Mỹ, người đồng sản xuất với Kathy trong "Âm mưu giày gót nhọn") cũng đã từng đón Tết với tôi ở đây. Năm nay tôi hy vọng sẽ có một cái Tết thứ 3 trên quê hương. Nhưng tại Mỹ gia đình tôi vẫn coi Giáng sinh là dịp tụ hội của cả nhà, nên đó cũng là dịp tôi thường trở về Mỹ.

Dịp Tết dương lịch tôi về Mỹ để đón Giáng sinh cùng gia đình, tới giữa tháng 1 tôi quay lại Việt Nam để đón Tết cổ truyền.

Chị nhớ lại 5 năm trước, khi lần đầu trở về Việt Nam chứ?

Năm 2008 lần đầu tôi trở về Việt Nam để quảng bá cho “Chuyện tình xa xứ”. Lúc ấy tôi ở lại một tháng rồi về Mỹ, sau tôi lại sang 2 tháng. Tôi được chào đón trên thảm đỏ giới thiệu phim và được báo chí quan tâm như là khuôn mặt mới.

Tôi không bị cuốn vào hào quang đó, vì tôi hiểu công việc mình đang làm là gì. Nhưng sống ở Việt Nam càng lâu, tôi càng thấy đất nước mình nhiều thú vị. Con người gần gũi, sự sẻ chia nhiều hơn trong những cuộc gặp. Cuộc sống ở đây không còn chỉ là công việc, một cộng đồng người có thể chia sẻ và vì nhau. Và năm 2009 tôi quyết định về Việt Nam làm việc dài hơi hơn.

Bây giờ những bỡ ngỡ, bất ngờ và sự thú vị tôi đã trải qua hết rồi. Nhưng tôi vẫn thấy Việt Nam có nhiều cơ hội cho một người có đam mê như mình về phim ảnh.

Việt Nam mà chị trải nghiệm có giống với Việt Nam trong những câu chuyện kể của ba mẹ mình không?

Ba tôi là người Thanh Hóa, nhưng ông lớn lên ở Phan Thiết. Mẹ tôi là cô gái Gò Công. Nhưng cả hai gặp nhau ở Mỹ. Các câu chuyện của ba mẹ không khiến tôi hình dung ra khung cảnh ở Việt Nam, chỉ giúp tôi biết bố mẹ đã lớn lên thế nào.

Chẳng hạn bố hay nói: ngày xưa ba phải đi bộ rất nhiều để tới trường, ngày xưa ba chỉ có một đôi dép để đi suốt nhiều năm, không có được như con bây giờ, con đang có cuộc sống rất tốt, con phải biết được điều ấy.

Còn mẹ cũng kể những câu chuyện rất vui về những người chị, người em trên mẹ. Những câu chuyện của mẹ cho tôi hình dung, gia đình của mẹ từng rất vui, các chị em trong nhà sẻ chia cho nhau từng chút một trong cuộc sống, từ vật chất tới tinh thần. Chúng tôi lớn lên với những câu chuyện đó của ba mẹ.

Được giáo dục trong một đời sống nhiều tinh thần Việt ấy, chị có thấy mình có nhiều đức tính của người Việt hơn không?

Tôi không cảm thấy mình xa lạ khi quay về. Tôi tiếp nhận và cảm thấy hạnh phúc rồi nhận ra, đó mới là thứ bên trong mình. Song song đó, tôi cũng nhận ra, sự giáo dục của người Mỹ đã mang tới cho mình sự độc lập, biết yêu bản thân và lòng quyết tâm để khẳng định con người cá nhân, giúp tôi có sự phấn đấu không ngừng để chạm đến các giới hạn của bản thân.

Nỗ lực đi tới thành công như hôm nay, tôi nghĩ do mình có được một tinh thần Mỹ. Nhưng sự giáo dục đầy tinh thần Việt của ba mẹ khiến tôi trở thành một người biết chia sẻ, yêu thương và biết khi nào cần để hi sinh vì những người thân. Trong tôi có hai điều đó, tôi cảm thấy nó mới là điều khiến mình hạnh phúc.

Khi càng có tuổi, con người càng có xu hướng trở về nguồn cội. Sự trở về của Kathy, đối với gia đình và bản thân có ý nghĩa thế nào?

Chúng tôi không nói với nhau về sự trở về đó như một câu chuyện nghiêm trọng. Nhưng tôi biết, sự thành công của tôi trên quê hương khiến ba mẹ tự hào. Tôi cũng biết một ngày không xa cả ba mẹ tôi sẽ quay về Việt Nam, khi em gái tôi xây dựng gia đình chẳng hạn. Ba mẹ đã mua một căn nhà dưới Hóc Môn (TP HCM) để chuẩn bị cho việc này.

Còn bản thân, hiện tôi thấy Việt Nam cho mình nhiều cơ hội, trong vài năm tới tôi thấy cơ hội đó vẫn còn nhiều. Nhưng tôi không thể trả lời được câu hỏi cho tương lai dài hơn. Bởi tôi muốn làm mẹ, sinh những đứa con. Và tôi cũng muốn con mình có điều kiện giáo dục và lớn lên tốt nhất. Trong khi đó, tôi chưa hiểu nhiều về nền giáo dục Việt Nam.

Sự thật là tôi trở về, và đang nỗ lực để sự trở về ấy có thể tạo ra một dấu vết nào đó. Nhưng tôi nghĩ, điều quan trọng nhất, tôi đã trở về từ bên trong chứ không phải chỉ là những chuyến bay.

Đã 5 năm ở lại VN, chị hẳn cũng theo dõi thị trường điện ảnh trong nước. Chị thấy nơi đây còn nhiều cơ hội cho những đam mê không?

Tôi nghĩ VN hiện tại và trong những năm tới vẫn là mảnh đất màu mỡ cho những người đam mê điện ảnh.

Khi làm “Âm mưu giày gót nhọn”, qua những phiếu điều tra cho phim của mình tôi nhận thấy người trẻ ở Việt Nam ngày càng quan tâm tới điện ảnh nhiều hơn. Chẳng hạn 5 năm trước một người trẻ có thể chỉ đi xem phim mỗi tháng một lần, nhưng hiện tại con số đó đã tăng lên 1 tuần/1 lần ở nhiều đối tượng. Vậy chúng tôi có một thị trường lớn để hy vọng.

Còn ở góc độ quan sát của một người làm nghề, tôi thấy ở Việt Nam có nhiều thể loại phim chưa được làm, ở góc độ người sáng tạo, tôi thấy còn nhiều câu chuyện chưa được kể. Và tôi muốn được kể chúng.

Chị đặc biệt thích những câu chuyện thế nào?

Tôi đặc biệt quan tâm tới yếu tố làm thế nào để người phụ nữ có nhiều sự tự tin hơn, họ có nhiều sự tự chủ hơn trong cuộc sống để người đàn ông phải trân trọng họ. Và tôi mong muốn tới một lúc nào đó, đàn ông muốn được hạnh phúc họ cũng cần phải hy sinh cho người phụ nữ bên cạnh như cô ấy từng hi sinh cho anh.

Đàn ông hiện vẫn còn gia trưởng quá. Mà sự gia trưởng đó đừng nghĩ chỉ có ở mỗi Việt Nam, bởi tôi nhìn thấy nó tồn tại ở Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới. Và tôi muốn thổi vào trong suy nghĩ của nhiều cô gái sự tự tin đó.

Tôi nghĩ ngay cả ở “Âm mưu giày gót nhọn”, một bộ phim hài dễ thương nhưng tôi cũng đã bắt đầu quan tâm tới điều này. Anne dù có ghen tuông khác thường, nhưng điều cuối cùng cô ấy mong muốn chính là, khi yêu thương một người hết lòng, cô ấy cũng phải nhận được sự tuyệt đối của người đàn ông của mình.

Một người phụ nữ cũng có đầy lý tưởng sống, tình yêu và sự tự tôn riêng chứ. Tại sao chỉ là đàn ông và chỉ mạnh ở đàn ông!

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Kathy Uyên sinh ra và trưởng thành tại Los Angeles, học ngành kinh tế, điện ảnh cùng lúc tại California (Mỹ). Cô tham gia "Oan hồn" của đạo diễn Victor Vũ, xuất hiện cùng siêu sao Mỹ Harrison Ford trong "Crossing Over", là diễn viên châu Á duy nhất trong "King of Hollywood"...

Sau khi đóng "Chuyện tình xa xứ" của Victor Vũ và nhận được giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam, Kathy quyết định về nước sinh sống và làm việc. Năm 2011, cô vào vai chính trong "Để mai tính" (Charlie Nguyễn), năm 2012 là phim điện ảnh Hong Kong - Supercapitalist đang được chiếu tại Mỹ, Singapore và Hong Kong.

Năm 2013 Kathy thành công với dự án "Âm mưu giày gót nhọn" ở cả vai trò diễn viên chính và nhà sản xuất.

Xem thêm
Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G 'Going Home' quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV 'Going Home' - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Việt Nam đặt mục tiêu thắng U23 Malaysia

U23 Việt Nam đã trở lại tập luyện để chuẩn bị cho trận tiếp theo gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu mang tính bản lề.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm