| Hotline: 0983.970.780

Kbang khô khát!

Thứ Hai 13/04/2020 , 10:13 (GMT+7)

Tuy mới bước vào mùa khô nhưng nhiều hồ đập thủy lợi ở huyện Kbang (Gia Lai) đã cạn kiệt, cảnh báo nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Bà con nhân dân xã Đak Hlơ đào giếng để tìm nước tưới cho cây trồng.

Bà con nhân dân xã Đak Hlơ đào giếng để tìm nước tưới cho cây trồng.

Chầu chực chờ nước cứu lúa trổ đòng

Từ khoảng tháng 11/2019 đến nay, trên địa bàn xã Tơ Tung không có cơn mưa nào khiến các đập thủy lợi cạn kiệt nguồn nước tưới.

Người dân đang cố chắt chiu, tận dụng nguồn nước từ các khe suối, hố trũng cuối cùng để giúp cây trồng không bị chết khát, nhất là những diện tích lúa đang trong giai đoạn trổ đồng. Hạn hán đang gây thiệt hại trên nhiều diện tích cây trồng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của bà con nông dân nơi đây.

Mặc dù đang chính ngọ nhưng vợ chồng bà Lý Thị Thệ (làng Trường Sơn, xã Tơ Tung) vẫn đang loay hoay lắp đặt, chỉnh sửa lại các đường ống nối để đến khuya lấy nước vào ruộng cứu hơn 1 sào lúa đang trổ đồng, ngắc ngoải vì nắng hạn.

Nhiều ngày nay, vợ chồng bà dựng lán tạm ngay tại bờ ruộng để thức canh nước, tranh thủ chờ đến lượt mình để bơm vào ruộng nhưng nước rất ít và hầu như không có để bơm. Bà Thệ cho biết, từ lúc sạ lúa đến giờ không có cơn mưa nào, nguồn nước tưới phụ thuộc hoàn toàn vào đập thủy lợi Đê Bar nhưng nay đã sắp kiệt nước.

“Bà con ở đây ai cũng chờ nước, nhưng nước không đủ tưới, nhiều diện tích lúa ở xa cánh đồng đã chết khô. Lúa nhà tôi đang trổ đòng, nếu 10 ngày nữa không có mưa, thì cánh đồng này mất mùa. Vụ đông xuân được xem là vụ chính mà cứ thế này thì chúng tôi cũng không biết xoay xở như thế nào?”, người nông dân này than thở.

Người làng MơHra- Đáp, xã Kông Lơng Khơng chắt chiu những can nước sinh hoạt.

Người làng MơHra- Đáp, xã Kông Lơng Khơng chắt chiu những can nước sinh hoạt.

Theo ông Trần Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã Tơ Tung, hiện đã có 3,5 ha trong tổng số 90 ha lúa nước tại cánh đồng Đê Bar đã bị khô cháy vì thiếu nước tưới, số còn lại đang trong giai đoạn trổ đòng. Nếu vẫn không có mưa thì lúa không chịu nổi.

Cũng theo ông Nam, rút kinh nghiệm hạn hán năm ngoái, xã đã vận động người dân triển khai gieo cấy vụ đông xuân sớm hơn mọi năm khoảng 20 ngày để chủ động phòng, chống hạn cuối vụ.

Tuy nhiên, do thời tiết nắng hạn kéo dài, nguồn nước ở đập dâng thủy lợi Đê Bar đã cạn kiệt, không còn nước tưới dẫn đến hạn hán cục bộ trên diện tích lúa này là không thể tránh khỏi.

Trước tình hình trên, xã đã chủ động xây dựng kế hoạch điều tiết nước, huy động người dân nạo vét kênh mương, bố trí lực lượng điều tiết nước luân phiên từng khu vực để có nguồn nước cho cây lúa duy trì phát triển, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

“Hiện nay, chúng tôi đang huy động dân quân, thôn đội trưởng trực hàng ngày để điều tiết nước xuống khu vực tưới, đồng thời tuyên truyền bà con tuân thủ lịch điều tiết của xã theo từng hộ gia đình.

Bên cạnh đó, xã cũng xuất ngân sách mua máy bơm để tận thu những nguồn nước hiện có bơm vào đập, mương thủy lợi nhằm tăng cường nguồn nước phục vụ chống hạn, duy trì độ ẩm cho cây lúa trong khi chờ mưa”, ông Nam cho hay.

Một số hộ dân xã Tơ Tung dựng lán trại tạm, thức đêm chờ nước để cứu diện tích lúa đang trổ đòng.

Một số hộ dân xã Tơ Tung dựng lán trại tạm, thức đêm chờ nước để cứu diện tích lúa đang trổ đòng.

Còn theo ông Trịnh Xuân Thông, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Kông Pla, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay trong khi diện tích lúa của bà con làng Klôm chủ yếu phụ thuộc vào nước trời và tận dụng nước từ các khe suối giờ đang thoi thóp giữa cơn nắng hạn.

Hiện, đã có 5 ha lúa của làng này bị khô hạn. Những diện tích lúa này nằm cuối cánh đồng, đang trổ đòng thì gặp hạn, nhiều khả năng mất trắng.

Ông Bùi Phích, Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ cho hay, nhiều diện tích hoa màu trên địa bàn cũng liêu xiêu vì nắng hạn, năng suất chắc chắn giảm đáng kể. Mặc dù vụ lúa đông xuân 2019-2020, địa phương đã chủ động gieo trồng sớm gần 1 tháng, đến nay nhiều diện tích đã thu hoạch.

Tuy nhiên, vẫn có khoảng 10 ha trong tổng số 92 ha lúa bị giảm năng suất đến 30%. Ngoài ra, nắng nóng cũng làm chậm quá trình phát triển của cây mía, trong khi diện tích này năng suất cũng như sản lượng bị thiệt hại đến 60% trong niên vụ mía vừa qua.

Nguy cơ khát nước sinh hoạt

Làm việc với ông Mã Văn Tình, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Kbang được biết, trên địa bàn hiện có 37 công trình thủy lợi cung cấp nước tưới cho hoạt động sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích vụ đông xuân năm 2019-2020 là 959,4 ha (lúa nước hơn 796 ha, cây công nghiệp dài ngày 84,5 ha, ngắn ngày gần 69 ha).

Hiện nay, do nắng hạn kéo dài, hầu hết các công trình thủy lợi đều thiếu hụt nguồn nước so với trung bình nhiều năm, mực nước tại các hồ thủy lợi đều thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,5m đến 2,3m; mực nước trước cống đầu kênh chính của một số đập thủy lợi thấp hơn cùng kỳ từ 8cm đến 10cm. Dự báo, 8/37 công trình thủy lợi có khả năng thiếu nước tưới và xảy ra hạn hán vào cuối vụ.

Người dân xã Tơ Tung theo dõi lịch điều tiết nước để bơm vào ruộng cứu lúa.

Người dân xã Tơ Tung theo dõi lịch điều tiết nước để bơm vào ruộng cứu lúa.

Ngoài ra, nắng hạn gây thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại một số khu vực như làng Mơ Hven-Ôr, Mơ Hra-Đáp, Bờ-Chư Pâu, Bờ Ngăl (xã Kông Lơng Khơng); làng Chơch, Kbông, thôn 1 (xã Lơ Ku); làng Rõ (xã Đông).

Hiện nhiều hộ gia đình tại các làng này phải sử dụng giếng nước tập thể của làng, xã và các hộ gia đình còn nước để lấy nước sinh hoạt.

Trong thời gian tới, dự báo nguy cơ thiếu nước sinh hoạt tại địa bàn các xã Nghĩa An, Kông Pla, Krong, Đak Smar, Tơ Tung, Sơ Pai, Đông, Kon Pne, Lơ Ku và một số tổ dân phố ở thị trấn Kbang.

Theo bà Đinh Thị Chát (làng Rõ, xã Đông), từ tháng 3/2020 đến nay, hầu như các giếng trong làng đều cạn kiệt, người dân phải đi xin ở những làng kế bên từng can nước về dùng. Làng Rõ có 3 giếng nước sinh hoạt tập trung, cung cấp nước hàng ngày cho 50 hộ trong làng.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay, mực nước ở các giếng bắt đầu khô cạn, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.

Người dân làng Rõ (xã Đông) phải đi xin ở những làng kế bên từng can nước về dùng

Người dân làng Rõ (xã Đông) phải đi xin ở những làng kế bên từng can nước về dùng

Ông Nguyễn Đăng Chung, Chủ tịch UBND xã Đông xác nhận, những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, xã đã tổ chức đào giếng, khoang giếng cho bà con nhưng tầng nước ngầm ở đây rất sâu.

Năm nay, nắng hạn kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu nước càng trở nên nghiêm trọng hơn. Nhà máy nước sinh hoạt cấp cho xã Đông và xã Nghĩa An đã được đầu tư xây dựng nhưng đến cuối năm mới hoàn thành. Do đó, hiện nay người dân phải đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài.

Trước nguy cơ hạn hán xảy ra trên diện rộng, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân, huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, hạn hán xảy ra trên địa bàn nhằm tích cực triển khai các phương án chống hạn.

Ông Võ Văn Phán, Chủ tịch UBND huyện Kbang cho hay, trước mắt, các địa phương cần xây dựng kế hoạch tưới phù hợp với điều kiện sản xuất và tình hình thời tiết tại khu vực.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần chủ động điều chỉnh thời gian sản xuất hoặc chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng có khả năng chịu hạn; thực hiện chế độ tưới luân phiên, tưới từng khu nhằm tránh thất thoát nước; sửa chữa các hư hỏng, bảo dưỡng máy móc, đóng mở van cống; khắc phục các hiện tượng rò rỉ nước, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy nhằm hạn chế thất thoát nước.

"Huyện cũng đã chuẩn bị máy móc, trang thiết bị, nhiên liệu để thành lập các trạm bơm dã chiến, tổ chức bơm chống hạn khi mực nước các hồ thủy lợi xuống đến mực nước chết", ông Võ Văn Phán, Chủ tịch UBND huyện Kbang, nói.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất