| Hotline: 0983.970.780

Kẻ thủ ác bí ẩn bị truy lùng gắt gao lộ diện từ một bài báo

Chủ Nhật 08/07/2018 , 13:15 (GMT+7)

Kẻ mang biệt danh Unabomber từng gieo kinh hoàng cho nước Mỹ những năm 80 với hàng loạt vụ đánh bom. Y khiến FBI đau đầu vì hành tung quá bí ẩn. Nhưng một sai lầm chí mạng đã khiến y sa lưới.

23 năm trước, vào một ngày thứ 7, độc giả báo Washington Post của Mỹ thức dậy và được đọc một trong những thông tin kỳ lạ nhất đối với tờ báo này nói riêng và thậm chí cả ngành báo thế giới nói chung.

Trong phần đặc biệt với hơn 35.000 từ trải dài trên 8 trang báo, một tác giả giấu tên trình bày những bất bình của anh ta về “hệ thống công nghệ công nghiệp”, đồng thời bộc lộ ham muốn thực hiện cuộc cách mạng phá hủy toàn bộ chúng. Bài viết tràn ngập xúc cảm đen tối và bất mãn, từ những lời than thở về việc môi trường bị phá hủy nghiêm trọng ra sao cho đến những chỉ trích đối với môn golf và bowling.

09-46-44_4
Phác họa chân dung Unabomber theo lời kể của nhân chứng. Ảnh: Ars Technica

Người viết ra “bản tuyên ngôn” nhuốm màu u uất trên là một tên tội phạm bí ẩn được truyền thông Mỹ gán cho biệt danh “Unabomber”. Trong quãng thời gian 17 năm, kẻ khủng bố vô danh đã gây ra tổng cộng 16 vụ nổ, khiến ba người thiệt mạng và 23 người bị thương. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thực hiện các chiến dịch truy lùng gắt gao, song tất cả những gì họ thu được chỉ là vài mảnh bom, một bức phác họa chân dung mơ hồ về thủ phạm trong chiếc áo khoác nỉ bên cạnh nhiều giả thiết về danh tính, động cơ và vị trí của kẻ tấn công.

Dù vậy, cuộc truy lùng Unabomber cuối cùng cũng thu về kết quả. Tháng 4/1996, FBI đột kích một ngôi nhà nhỏ tồi tàn ở Montana và bắt giữ người đang lưu trú tại đây. Y tên Ted Kaczynski. Vụ bắt giữ đặt dấu chấm hết cho chiến dịch kéo dài đằng đẵng gần 20 năm của FBI hòng truy bắt Unabomber.

Tuy nhiên, nó có lẽ sẽ không thể xảy ra nếu như 7 tháng trước đó, bài báo “kỳ lạ” dài 8 trang kia không được đăng tải và nó lại do chính Unabomber gửi.
 

Manh mối bất ngờ

Gói bưu kiện chứa thứ tạm gọi là “bản tuyên ngôn” của Unabomber, trông bình thường ở mọi khía cạnh, được gửi gần như liên tiếp cho New York TimesWashington Post vào tháng 6/1995.

09-46-44_1
Các trang bản thảo Unabomber gửi tới hai tòa soạn báo Washington Post và New York Times. Ảnh: FBI

Gói đầu tiên gửi cho Phó Tổng biên tập Warren Hoge của New York Times. Gói thứ gửi tới Phó Tổng biên tập Michael Getler của Washington Post. Trong cả hai gói bưu kiện là hàng chục trang bản thảo, cùng 10 trang có chú thích và chỉnh sửa đánh máy. Tất cả đều đặt dưới tiêu đề “Xã hội Công nghiệp và Tương lai của nó”. Tác giả tự nhận mình là “FC”, tức “Freedom Club” (Câu lạc bộ Tự do). Địa chỉ người gửi đề: “Boon Long Hoe, 3609 Reinoso Ct., San Jose, Calif. 95136”.

Bên cạnh đó, người viết còn gửi kèm cho hai tờ báo một lựa chọn đáng ái ngại: Nếu họ xuất bản những trang bản thảo này, anh ta sẽ dừng việc gây hại cho người khác lại. Nếu họ từ chối, anh ta sẽ “bắt đầu chế tạo quả bom tiếp theo”.

Trong vài ngày, FBI xác định tên và địa chỉ người gửi ghi trên các phong bì đều là giả và gói bưu kiện dường như chắc chắn thuộc về Unabomber. Cái tên Unabomber có nghĩa: Kẻ đánh bom trường đại học (University) và sân bay (Arline), hai mục tiêu ưa thích của kẻ thủ ác bí ẩn.

Biết chắc Unabomber sẽ thực hiện lời đe dọa giết thêm người vô tội nếu bản thảo không được đăng tải, Washington PostNew York Times đã phối hợp với nhau và với FBI để vừa xuất bản nó, vừa lần tìm manh mối điều tra.
 

Quyết định gây tranh cãi

FBI cùng một số chuyên gia khác tin việc xuất bản “tuyên ngôn” của Unabomber có thể là chiếc bẫy dẫn dụ y lộ diện. Gene Weingarten, biên tập viên Washington Post, đề xuất với cấp trên, Mary Hadar, rằng tờ báo sẽ đăng bản thảo và để FBI lần theo dấu vết các bản in gửi tới Bắc California, nơi Unabomber được cho là đang ẩn náu, đồng thời thẩm vấn tất cả những ai mua báo có ngoại hình giống mô tả về Unabomber. Trùng hợp thay, FBI cũng có chung ý tưởng.

Sau ba cuộc họp căng thẳng, đại diện hai tờ báo và FBI cuối cùng thống nhất rằng cho đăng bản thảo là lựa chọn tốt hơn cả, dù nó trái với thông lệ truyền thống và có thể sẽ phải nhận những ý kiến trái chiều. Họ vẫn quyết định xuất bản nó bởi tất cả mọi người đều biết Unabomber không phải chỉ là một kẻ “to mồm”. Y đã thực hiện hàng loạt vụ đánh bom suốt 17 năm mà không bị phát hiện, vậy nên không thể xem thường lời đe dọa của y.

09-46-44_2
Căn nhà gỗ giữa rừng của Ted Kaczynski - Unabomber. Ảnh: AP

Vài tuần sau khi “bản tuyên ngôn” được đăng, một người đàn ông ở New York bắt đầu cảm thấy có chút bất an, nghi ngại. Với sự thúc giục từ người vợ, David Kaczynski đã đọc bài viết trên Washington Post và không khỏi cảm thấy sốc bởi nó quá giống với những nội dung trong các bức thư mà David nhận được từ người anh trai Ted.

Là một nhà toán học xuất chúng nhưng từ chối con đường sự nghiệp học thuật đầy hứa hẹn, Ted Kaczynski chuyển tới Montana vào năm 1971 để sống cuộc đời ẩn dật, cô độc trong một căn nhà gỗ tuềnh toàng.

Người em bắt đầu mơ hồ nghĩ đến những điều không tưởng: Liệu anh trai ông có phải là kẻ sát nhân hàng loạt và liệu David có đủ sức để thuyết phục Ted đầu thú hay không?

Sau khi thảo luận kỹ càng, Linda Patrik, vợ của David, đến gặp người bạn thời thơ ấu, Susan Swanson, một nhà điều tra làm việc cho Terry Lenzner, luật sư có tiếng, đồng thời là nhà điều tra tư nhân ở Washington. Swanson lập tức tuyển thêm vài cộng sự và dẫn đầu cuộc điều tra.

Họ tiến hành so sánh “bản tuyên ngôn” đăng trên báo với các bức thư David Kaczynsky nhận từ người anh. Kết luận cuối cùng là: Khả năng cao cả hai thứ do cùng một người viết ra.

David Kaczynski sau đó tìm tới Anthony P. Bisceglie, công tố viên Washington. Tiếp theo, Bisceglie đến gặp FBI để thảo luận về những gì gia đình Kaczynski khám phá ra. Ted Kaczynski, lúc bấy giờ 53 tuổi, bị bắt giữ tại nơi ở vào ngày 3/4/1996.

09-46-44_3
Chân dung Ted Kaczynski. Ảnh: AP

Y được đưa ra xét xử tại tòa án liên bang Sacramento năm 1998 và bị kết án hàng loạt trọng tội. Tòa tuyên phạt Ted Kaczynski 8 án tù chung thân và y phải thụ án tại một trong những nhà tù an ninh nghiêm ngặt bậc nhất Colorado.

Cuối cùng, sau 17 năm, các nhà điều tra giỏi nhất nước Mỹ đã không thể tóm gọn kẻ đánh bom tâm thần nhưng xảo quyệt. Để bắt được Unabomber, người ta phải cần đến chút ít may mắn, sự tự cao, cái tôi quá lớn của thủ phạm và quyết định táo bạo của hai tòa soạn báo.

(Kiến thức gia đình số 27)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.