| Hotline: 0983.970.780

Kẻ thù bên ngoài của hôn nhân

Thứ Bảy 29/02/2020 , 08:35 (GMT+7)

Có thể nhận thấy mỗi cuộc hôn nhân thường gặp hai loại kẻ thù nguy hiểm: Kẻ thù bên trong và kẻ thù bên ngoài.

Ảnh có tính chất minh họa.

Ảnh có tính chất minh họa.

Chúng ta đã nói nhiều về kẻ thù bên trong. Đó là mối quan hệ giữa hai vợ chồng ngày càng nhàm chán, không còn sức hấp dẫn đối với nhau nữa, thậm chí coi nhau như món nợ đời và người ta thanh toán món nợ ấy bằng cách chia tay.

Khi nói đến kẻ thù bên ngoài, không ít người nghĩ ngay đến những kẻ tình địch mà chúng ta thường gọi là “kẻ thứ ba” muốn nhảy vào phá hoại hạnh phúc gia đình mình. Nhưng thực ra, loại kẻ thù này không phải lúc nào cũng có và chúng ta có thể nhận diện được nó để đề phòng.

Bài này xin bàn đến một loại kẻ thù bên ngoài nguy hiểm hơn vì rất khó nhận diện và là mối đe doạ thường xuyên hơn. Bởi vì đó là những người mà nhiều khi ta không nghĩ họ là... kẻ thù.

Thói ngồi lê đôi mách của người đời. Ở đâu cũng có những kẻ nhiễm một thói xấu gọi là thói “ghen ăn tức ở”. Hình như thấy cảnh vợ chồng người khác hoà thuận, hạnh phúc, họ cũng lấy làm chướng tai gai mắt?

Bề ngoài, họ vẫn ra vẻ thân tình nhưng nếu có một chút gì có thể đơm chuyện được là họ hí hửng như mèo thấy mỡ: - Này, hôm nay tớ thấy ông xã nhà cậu đi xem triển lãm cùng với một cô nào nhá! (Có khi chỉ là một người vô tình đi bên cạnh) - Chiều qua bà xã nhà cậu ngồi sau xe anh chàng nào diện ngất. Hai anh chị trông tình tứ ra phết!

Hình như họ cứ phải “chọc” được người khác một “nhát” như thế thì về nhà ăn cơm mới ngon? Nếu chẳng may hôm ấy, anh chồng về lại có vẻ hí hửng như vớ được một chuyện vui gì đó thì câu nói như đùa của thiên hạ cũng đủ làm cho cái máu “hoạn thư” của vợ sôi lên sùng sục rồi.

Trước hết là một bộ mặt “hình sự” làm cho không khí gia đình u ám một màu nghi hoặc. Sau đó là một vài câu bóng gió xa xôi.

Tiếp theo có thể là một cuộc tra khảo chẳng đâu vào đâu nhưng có khi cũng khiến gia đình lục đục. Trước hết phải thấy những người đơm chuyện như thế có phải vì lo cho hạnh phúc gia đình nhà mình mà quan tâm giúp đỡ không?

Thực ra, đó là những câu nói rất vô trách nhiệm và có ác ý. Họ thừa biết điều đó sẽ khiến cho vợ chồng người khác sinh ra nghi ngờ nhau.

Người đứng đắn, tử tế không bao giờ đi gieo rắc sự ngờ vực làm gia đình người ta lục đục, lấy đó làm điều thích thú của mình. Hoặc nếu thấy có điều gì sai trái, họ cũng tìm cách góp ý thân mật với chính người đó, chứ không “mách” với vợ hay chồng người ta!

Cho nên, những người khôn ngoan muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình mình không bao giờ dễ tin ngay những điều đơm đặt “thêm mắm thêm muối” của thiên hạ. Lòng tin của vợ chồng đối với nhau sẽ làm nản lòng những kẻ ngồi lê đôi mách.

Nhưng ở đời không ít người nhiều khi lại tin những kẻ đơm chuyện hơn người nhà. Thậm chí có người còn đem chuyện bất hoà trong gia đình kể với người khác. Có người thấy ai đến nhà chơi, đang cơn tức giận, cứ như vớ được “đồng minh”, phải tranh thủ liên kết ngay để tấn công người bạn đời của mình.

Biết đâu rằng, ngay ngày hôm sau, những chuyện đó đã trở thành đề tài đàm tiếu của những kẻ rỗi hơi. Hỏi như thế, gia đình họ có thể êm ấm, hạnh phúc được không? Sự can thiệp của những người thân trong gia đình. Có khi người gây tình trạng bất hoà trong gia đình lại chính là cha mẹ, hoặc anh em ruột thịt trong nhà, nhất là mẹ chồng.

Thực tế cho thấy không mấy khi các bà mẹ vừa lòng với sự lựa chọn bạn đời của con mình. Bởi vậy, không nên mỗi khi có chuyện xích mích vợ chồng đã vội tìm ngay sự thông cảm của bố mẹ hoặc anh chị em dù đó là ruột thịt.

Mặt khác các bậc cha mẹ cũng cần thấy rằng khi con cái đã lập gia đình riêng là chúng đã bước vào một cuộc sống riêng. Phải để chúng tự giải quyết những chuyện xích mích của chúng, chúng mới vững vàng lên được và qua đó mới càng gắn bó với nhau hơn.

Nếu mọi xích mích vợ chồng đều do bố mẹ giải quyết thì mãi mãi họ vẫn chỉ là những “đứa trẻ”, dù đã ba, bốn mươi tuổi hoặc hơn nữa. Mặt khác, vai trò quan toà để xét xử ai đúng, ai sai không thích hợp chút nào với người làm bố mẹ.

Bởi vì muốn làm quan toà trước hết phải vô tư, không thiên vị bên nào. Nhưng thường trong cuộc sống, đa số bố mẹ đều cho là con mình đúng, con người khác sai. Vậy thì bố mẹ làm sao có thể đóng vai quan toà xét xử công minh được?

Nhiều khi vẫn một sự việc nhưng con mình làm là đúng, con người khác làm lại là sai. Không có gì đáng ngạc nhiên trong việc bà mẹ chồng yêu con trai mình hơn hay mẹ vợ quý con gái mình hơn.

Cho nên, lời khuyên của các chuyên gia tâm lý với các cặp vợ chồng trẻ là, khi có trục trặc trong cuộc sống lứa đôi, họ phải bàn bạc, phải tranh luận với nhau chứ không phải đi trình bày với người thân.

Bởi trước hết những người này không khách quan. Đó là chưa kể cha mẹ dẫu giàu kinh nghiệm sống hơn con cái nhưng đã thuộc về một thế hệ khác và dĩ nhiên thường nhìn nhận mọi vấn đề theo kinh nghiệm và cách suy nghĩ của thế hệ khác.

Nhất là khi chúng ta đang sống trong một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động mà cách suy nghĩ có khi chỉ cách đây mười năm đã không còn phù hợp với ngày hôm nay. Rõ ràng, những “kẻ thù” bên ngoài luôn đe doạ hạnh phúc vợ chồng, nhất là vợ chồng trẻ.

Kinh nghiệm cho thấy, càng những cặp vợ chồng nào ít chịu tác động từ bên ngoài thì sự bảo vệ, xây dựng hạnh phúc càng ít khó khăn hơn. Nhất là không nên nghĩ rằng mọi bất hoà trong cuộc sống lứa đôi đều có thể chia sẻ với mọi người và trông đợi ở sự can thiệp của những “thế lực hùng mạnh” từ bên ngoài.

(Kiến thức gia đình số 9)

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm