| Hotline: 0983.970.780

Kết nối việc làm

Thứ Ba 27/11/2012 , 10:22 (GMT+7)

Đại diện Trung tâm Hướng nghiệp & dạy nghề Từ Liêm cho hay, phần lớn người lao động đảm nhận sau khi được tuyển dụng sẽ được chính Cty đó tổ chức đào tạo hoặc tập huấn.

Các bạn sinh viên tại phiên giao dịch việc làm ngày 24/11

Ngày 24/11, trụ sở của Trung tâm Hướng nghiệp & dạy nghề Từ Liêm (Hà Nội)  lúc nào cũng ồn ào, nhộn nhịp bởi sự có mặt của hàng trăm sinh viên chuẩn bị ra trường và công nhân muốn thay đổi môi trường làm việc mới. Tất cả đều có mặt từ sớm để mong tìm cho mình được việc làm thích hợp. 

Muốn làm để có kinh nghiệm

Mai Thanh đứng tần ngần trước bảng dài danh sách các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động mà chưa biết "chọn mặt gửi vàng". Rồi em đi lại gần và đọc kỹ bảng thông báo của Cty CP Cao su Hà Nội (địa chỉ K2, tổ 13 thị trấn cầu Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội) có nhu cầu tuyển 2 nhân viên kinh doanh là nam, tuổi từ 25 trở lên, tốt nghiệp ĐH chuyên ngành thương mại, quản trị kinh doanh, có 2 năm kinh nghiệm trong bán hàng tiêu dùng, ưu tiên bán giày dép; tuyển 30 sinh viên làm theo thời vụ với mức lương 70.000 đồng/8h/ngày, công việc ổn định lâu dài; tuyển 50 lao động chính làm may mặc, gò hàn, giầy dép với nhu thập bình quân từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng/người (bao gồm lương theo sản phẩm và các khoản phụ cấp khác như chuyên cần, ăn ca, BHXH, BHYT và các chế độ khác của Cty)...

Quay sang tôi, Mai Thanh cho biết, em phân vân và khó có quyết định bởi vẫn là sinh viên năm cuối của Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Hà Nội nên biết năng lực của mình có hạn. Cho dù em cũng muốn trước khi dời khỏi ghế giảng đường, em có chút vốn kinh nghiệm để có thể dễ dàng tìm cho mình một công việc thích hợp hơn. Rồi còn thời gian nhận lao động nữa chứ, hầu hết công ty muốn tuyển lao động làm việc cả ngày, trong khi em chỉ có thể làm việc “bán thời gian” bởi vẫn còn đến giảng đường trong 5 tháng nữa.

Đứng cạnh em Hoàng Văn Minh, cử nhân tương lai của Trường ĐH Ngoại giao. Minh đang là sinh viên năm thứ hai của Khoa Tiếng Anh và em cũng muốn tìm cho mình cơ hội tại phiên giao dịch việc làm này. Với nụ cười vẫn còn bẽn lẽn của một cậu sinh viên chưa “từng trải”, Minh cho biết: “Nghe lời các bạn rỉ tai nhau, lần đầu tiên ở huyện Từ Liêm có tổ chức phiên giao dịch việc làm, có nhiều DN mới, công việc hấp dẫn nên em cũng thử mình đến xem sao. Em vừa kết thúc 10 phút phỏng vấn nhanh của Cty truyền thông Kim Cương và đang chờ đợi kết quả.

Mấy câu hỏi của Cty dành cho em không khó lắm bởi chủ yếu xoay quanh vốn kiến thức tiếng Anh mà em đã có. Thế nhưng có 1 câu hỏi về kinh nghiệm bản thân thì em thấy không ổn lắm thôi. Và em hy vọng có thể tìm cho mình được một công việc phù hợp để làm lâu dài, để bớt gánh nặng học phí cho gia đình trong những năm học cuối cấp".

Cùng tâm trạng phấp phổng chờ đợi kết quả của buổi phỏng vấn là cô sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Giao thông vận tải Nguyễn Thu Thủy khi đăng ký vào Cty TNHH Hàn Quốc; Nguyễn Trung Kiên 20 tuổi đăng ký vào làm việc cho Cty TNHH Nhà máy bia Châu Á - Thái Bình Dương…

“Bà mối” của người lao động

Chứng kiến cảnh tượng người lao động đến ngày càng đông, ông Trần Dũng Tiến, Phó GĐ Trung tâm Hướng nghiệp & dạy nghề Từ Liêm không giấu được niềm vui trong phiên giao dịch việc làm đầu tiên này.

"Năm 2013 trung tâm dự kiến sẽ kết nối được khoảng 8.000 việc làm cho doanh nghiệp bởi lao động mất việc trên địa bàn huyện khá cao, cộng với tỷ lệ lao động nhảy việc, đang chờ việc cũng khá nhiều. Riêng với nhóm lao động là sinh viên, trung tâm cũng sẽ đến tận các trường ĐH, CĐ và trung cấp nghề đóng trên địa bàn huyện để cung cấp các nhu cầu tuyển dụng, hy vọng làm "bà mối" mát tay cho nhiều bạn trẻ và doanh nghiệp", ông Tiến chia sẻ.

Ông Tiến cho biết, đây là lần đầu tiên trung tâm tổ chức phiên giao dịch việc làm với hy vọng trở thành “bà mối” thường xuyên cho người lao động và các doanh nghiệp “khát” công nhân. Tiến hành khảo sát thực tế về nhu cầu lao động của huyện thấy, đây là địa bàn có lực lượng lao động lớn, tập trung ở các trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông.

Vì vậy, phiên giao dịch đầu tiên này, trung tâm đã kêu gọi được 42 doanh nghiệp tham gia với tổng số nhu cầu tuyển dụng là 1.192 chỉ tiêu việc làm và 159 chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó nhu cầu nhiều nhất là 436 lao động trình độ trung cấp và 371 lao động phổ thông. Còn lại là lao động có trình độ ĐH 144 người; cao đẳng 241 người. Các chỉ tiêu này tập trung vào các Cty như Cty TNHH Quảng Phát (243 suất) Cty TNHH Thiết bị hơi Đức Dương (80 suất); Cty CP Truyền thông Kim Cương (50 chỉ suất); Cty CP Dịch vụ trợ giúp An Khang (50 suất); Tập đoàn Hoa Sao (50 suất)...

Đại diện Trung tâm Hướng nghiệp & dạy nghề Từ Liêm cũng cho hay, phần lớn người lao động đảm nhận sau khi được tuyển dụng sẽ được chính Cty đó tổ chức đào tạo hoặc tập huấn nhiệm vụ trước khi chính thức làm việc. “Chỉ cần các bạn không đòi hỏi mức lương quá cao mà chỉ cần chỗ làm việc tốt thì sẽ nhanh chóng tìm được cho mình một công việc tại đây”, ông Tiến nói. 

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.