| Hotline: 0983.970.780

Kết quả bước đầu triển khai thí điểm BHNN tại Hà Nội

Thứ Ba 27/11/2012 , 10:54 (GMT+7)

Thực hiện Quyết định 315/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, TP Hà Nội được chọn làm thí điểm bảo hiểm đối với bò sữa và bảo hiểm lợn tại một số huyện.

Thực hiện Quyết định 315/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), TP Hà Nội được chọn làm thí điểm bảo hiểm đối với bò sữa và bảo hiểm lợn tại một số huyện.

Để triển khai có hiệu quả, TP đã thành lập BCĐ, tổ chuyên viên giúp việc BCĐ và chọn 2 huyện làm thí điểm. Đối với bò sữa chọn huyện Ba Vì, bảo hiểm lợn chọn 3 xã: Tốt Động, Trung Hòa, Đại Yên của huyện Chương Mỹ. Tuy nhiên, bước đầu triển khai gặp không ít khó khăn do phạm vi bảo hiểm còn hạn hẹp như về thiên tai chỉ dừng lại ở bão lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá, xâm nhập mặn, sóng thần. Phạm vi dịch bệnh đối với trâu bò chỉ có bệnh LMLM, đối với lợn chỉ dừng lại ở 2 loại dịch bệnh tai xanh, bệnh LMLM.

Bên cạnh đó phí đóng bảo hiểm cao với bò là 4%, lợn 5% số tiền tham gia bảo hiểm, số lượng vật nuôi tham gia phải bảo hiểm toàn bộ số vật nuôi của các hộ và phải đảm bảo tối thiểu 30% số vật nuôi trong xã. Khi xảy ra rủi ro phải được các cấp có thẩm quyền công bố dịch và trường hợp chăn nuôi nhỏ lẻ phải 10% tổng đàn tính trên quy mô toàn xã bị thiệt hại mới được bồi thường.


Ảnh minh họa

Với phạm vi như vậy, mặc dù BCĐ đã tập trung chỉ đạo, đưa ra nhiều giải pháp và làm tốt công tác tuyên truyền song việc triển khai đến các cơ sở rất khó khăn, người dân chưa đồng thuận, đa số người dân còn nghe ngóng không mặn mà mới việc đăng ký tham gia bảo hiểm.

BCĐ đã kịp thời báo cáo BCĐ Trung ương những vướng mắc khó khăn từ thực tế và đề xuất việc thay đổi về phạm vi bảo hiểm, đồng thời tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền. Cuối tháng 8/2012, phạm vi bảo hiểm được bổ sung sửa đổi theo Thông tư số 43/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và Quyết định 21114/QĐ-BTC của Bộ Tài chính.

Cụ thể đối với phạm vi về thiên tai có thêm giông, lốc xoáy, về phạm vi dịch bệnh đối với lợn có thêm bệnh dịch tả, đóng dấu, phó thương hàn, tụ huyết trùng (tổng số 6 loại bệnh), với trâu bò có thêm bệnh: nhiệt thán, tụ huyết trùng (tổng số 3 bệnh). Các loại dịch bệnh trên được công bố dịch hoặc xác nhận dịch bệnh của cơ quan chức năng có thẩm quyên.

Với sự thay đổi này, BCĐ TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện, cái mới về chỉ đạo là BCĐ TP yêu cầu các huyện và các xã thành lập BCĐ để phát huy và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; bên cạnh đó đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về BHNN.

Sau hơn 2 tháng triển khai, với sự giúp đỡ của BCĐ Trung ương, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của BCĐ Bảo hiểm thí điểm nông nghiệp từ TP đến các xã, sự đồng thuận của người dân, bước đầu chương trình bảo hiểm thí điểm ở bò sữa, lợn trên địa bàn TP đã có kết quả nhất định.

 Bảo hiểm lợn ở 3 xã Tốt Động, Trung Hòa, Đại Yên với 471 hộ tham gia, trong đó có 131 hộ nghèo, 27 hộ cận nghèo, 313 hộ bình thường, tổng số lợn tham gia bảo hiểm 2.753 con (lợn nái 633, đực giống 17, lợn thịt 2103 con). Tổng số phí bảo hiểm thu 351 triệu đồng trong đó các hộ dân đóng 84 triệu, ngân sách nhà nước hỗ trợ 267 triệu đồng.

Bảo hiểm bò sữa mới tập trung thực hiện tại một số xã trọng điểm, kết quả đã có 103 hộ tham gia trong đó hộ nghèo 16, hộ cận nghèo 8. Tổng số bò đã tham gia là 356 con. Tổng số phí bảo hiểm là 515 triệu đồng, trong đó hộ đóng 169 triệu, ngân sách hỗ trợ là 345 triệu đồng.

Trong quá trình triển khai thực hiện, một số trường hợp bò sữa, lợn tham gia chết do rủi ro về dịch bệnh đã được BCĐ các cấp tập trung giải quyết và bồi thường theo quy định. Cụ thể đối với lợn có 29 con lợn ở 25 hộ chăn nuôi bị chết do bệnh được bồi thường thiệt hại với số tiền bồi thường là 42 triệu đồng.

 Với bò sữa có 2 con bò chết do bệnh tụ huyết trùng ở 2 hộ ông Nguyễn Văn Lý xã Vạn Thắng và ông Nguyễn Văn Trưởng ở xã Phong Vân với số tiền đã được bồi thường cho 2 hộ là 48 triệu đồng (mức bồi thường 60% giá trị con bò sữa tham gia bảo hiểm là 40 triệu đồng). Với số tiến được bồi thường đã giúp các hộ giảm bớt khó khăn, nhanh chóng khôi phục SX.

Một số xã triển khai làm tốt như: Trung Hòa (Chương Mỹ); Yên Bài, Phú Đông (Ba Vì) đến nay đã có rất nhiều hộ tham gia. Một số hộ tiêu biểu đi đầu trong việc tham gia làm bảo hiểm như chủ hộ chăn nuôi lợn ông Nguyễn Huy Viết ở xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ đã tham gia 100% số lợn nuôi với 60 lợn thịt, 5 lợn nái, tổng số phí bảo hiểm phải đóng là 7 triệu đồng trong đó chủ hộ đóng 2,8 triệu, số phí nhà nước hỗ trợ là 4,2 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Khanh ở xã Phú Châu nuôi 29 con bò sữa, có 24 con trong diện được tham gia bảo hiểm đã ký hợp đồng tham gia 100% với cả 24 con, chủ hộ tham gia ở mức với giá trị bò sữa là 40 triệu đồng/con với số phí bảo hiểm là 34.560.000 đồng, trong đó chủ hộ đóng là 13.824.000 đồng (40%), Nhà nước hỗ trợ là 20.736.000 đồng (60%)...

Điều ghi nhận từ người dân nhiệt tình tham gia bảo hiểm cho bò sữa, lợn đó là sau khi có sự thay đổi, mở rộng về phạm vi bảo hiểm, nhất là về phạm vi dịch bệnh ở bò, lợn đã được mở rộng. Mặt khác người dân nhận thức rõ đây là chủ trương chính sách lớn của Chính phủ phù hợp với người chăn nuôi nhằm hạn chế rủi ro, giúp cho người chăn nuôi yên tâm đầu tư SX.

Với những hộ chăn nuôi bò sữa lớn số phí đóng cao còn được sự quan tâm của các Cty thu mua SX sữa thu qua tiền sữa và tổ chức thu làm nhiều đợt đã giảm bớt khó khăn cho việc đóng phí bảo hiểm.

Ghi nhận và chia sẻ với mong muốn nguyện vọng của người dân, giải pháp mà BCĐ TP tập trung chỉ đạo trong thời gian tới là tiếp tục kiến nghị đề xuất với BCĐ Trung ương có những điều chỉnh phù hợp hơn. Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền và nâng cao hiệu quả hoạt động của các BCĐ huyện, xã.

Bên cạnh đó tiếp tục rút kinh nghiệm những xã đã triển khai tốt để nhân rộng ra một số xã, hộ chăn nuôi điển hình để triển khai đến các xã còn lại. Tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ, cộng tác viên đến tận hộ dân để tuyên truyền, giải thích và làm các thủ tục thật nhanh gọn để tạo niềm tin cho người dân khi tham gia bảo hiểm.

Đồng thời tăng cường chỉ đạo các ngành chuyên môn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh để bảo vệ đàn gia súc, thu hút các DN chế biến sữa cùng phối hợp để triển khai thực hiện. Trường hợp không may rủi ro phải được khẩn trương giải quyết về BHNN theo quy định. Với các biện pháp đồng bộ như vậy chắc chắn trong thời gian tới chương trình thí điểm BHNN theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP Hà Nội tiếp tục khởi sắc, hiệu quả cao.

Bài học rút ra từ thực tế triển khai thí điểm BHNN ở các xã là sự vào cuộc của cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người chăn nuôi hiểu rõ về lợi ích của việc tham gia BHNN, thấy rõ đây là một chủ trương lớn của Chính phủ nhằm hỗ trợ người chăn nuôi giảm thiểu những rủi ro trong quá trình tổ chức SX. Bên cạnh đó, một phần lớn do có sửa đổi bổ sung về phạm vi bảo hiểm nhất là phạm vi về dịch bệnh để người dân yên tâm hơn khi tham gia bảo hiểm.

Với bảo hiểm bò sữa, do phí lớn nên việc thu phí của các hộ chăn nuôi tham gia bảo hiểm được Cty Bảo hiểm Đông Đô phối hợp với Cty CP Sữa Quốc tế IDP, Cty CP Sữa Ba Vì thu giúp làm nhiều kỳ qua tiền sữa của bà con chăn nuôi. Việc giải quyết nhanh chóng, kịp thời những trường hợp rủi ro (lợn, bò chết trong phạm vi bảo hiểm) khi người chăn nuôi đã tham gia bảo hiểm cũng là một trong những bài học kinh nghiệm rút ra từ những điểm làm tốt chương trình bảo hiểm.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được Chương trình BHNN trên địa bàn TP Hà Nội cũng còn không ít những khó khăn, đó là hiện nay giá cả thực phẩm (thịt sữa), giá con giống, thức ăn quá cao, có nhiều biến động. Việc tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định.

Mặt khác phạm vi bảo hiểm còn hẹp, mức phí bảo hiểm còn cao so với thu nhập của người dân, như với hộ chăn nuôi bò sữa nếu nuôi 5 đến 10 con mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ (60%) nhưng hộ chăn nuôi cũng phải bỏ ra gần 10 triệu đồng (40%) mới đủ điều kiện tham gia. Với mức phí như vậy thì người dân gặp không ít khó khăn nên nhiều hộ chăn nuôi còn băn khoăn, nghe ngóng tính toán, cân nhắc chưa nhiệt tình với việc tham gia bảo hiểm cho vật nuôi.

(*): Tác giả hiện là PGĐ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.