| Hotline: 0983.970.780

Khai hoang phục hóa nuôi vịt trời thu tiền tỷ

Chủ Nhật 19/07/2020 , 15:04 (GMT+7)

Trang trại rộng gần 3ha trong cánh đồng trũng thuộc vực Bình Định, phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) nuôi hàng ngàn con vịt trời.

Đó là cơ ngơi phát triển kinh tế của nông dân Nguyễn Mạnh Cường. Với quy trình sản xuất khép kín từ con giống đến nuôi thương phẩm và nhiều loại cây, con khác đã mang lại cho anh thu nhập tiền tỷ mỗi năm. 

Đã 5 năm trôi qua, kể từ ngày anh đến vùng đất này khai hoang, phục hóa. Anh vẫn nhớ như in hồi mới đến, đó là một vùng lau sậy um tùm cùng với những mô đất nhấp nhô không hình dáng nào để tả. Thế mà anh vẫn quyết tâm thực hiện bằng được cái anh gọi là niềm đam mê. Anh vẫn nở nụ cười mãn nguyện khi nhớ lại cơ duyên đến với những chú vịt trời.

Trong một lần tình cờ ra Hà Nội thăm người thân, anh được bạn mời món ăn được chế biến từ vịt trời. Khi đó, nghe nói đến vịt trời anh không lạ lẫm gì vì vốn dĩ ở quê anh, thỉnh thoảng vịt trời vẫn bắt được từ tự nhiên, nhưng để trở thành món ăn phổ biến ở quán hàng như thế này lại là điều làm anh rất tìm hiểu.

Đúng như anh nghĩ, món thịt vịt trời anh đang ăn là được nuôi giống như bao gia cầm khác. Điều này đã làm anh tò mò và anh bắt đầu lóe lên ý định tìm hiểu tận nơi cơ sở có nuôi loài vịt này để có thể đưa giống về nuôi.

Anh Cường bên trang trại vịt trời của mình.

Anh Cường bên trang trại vịt trời của mình.

Qua tìm hiểu, anh biết được cơ sở sản xuất giống cũng như nuôi thương phẩm thành công giống vịt này là doanh nhân Dương Trí Tuệ ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Sau những ngày lặn lội anh cũng được tận mắt nhìn thấy trang trại sản xuất giống loài vịt này. Anh đã đến tận cơ sở và được anh Dương Trí Tuệ tận tình hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm. Bản chất là người nông dân cần cù, chịu khó, và hơn hết là những dự định trong anh về xây dựng phát triển kinh tế nông nghiệp đã nung nấu từ lâu bây giờ như được mở lối. Vì thế, anh đã bắt đầu lên kế hoạch để thực hiện mong muốn lâu nay của mình.

Thế rồi, khi về địa phương anh đã trình bày ý tưởng xây dựng mô hình kinh tế trang trại trên chính quê hương mình và được chính quyền địa phương ủng hộ. Anh được thuê vùng đất này để thực hiện ý tưởng của mình. Thế nhưng, nguồn vốn xây dựng chuồng trại rất lớn, vì vùng đất này toàn lau sậy, trũng thấp, nếu khai hóa cũng sẽ mất rất nhiều công sức cũng như tiền của. Nhưng với sự kiên trì và ý chí quyết tâm, anh đã quyết dồn hết vốn liếng và vay anh em, bạn bè. Chưa đủ, anh đã bàn với vợ rồi thế chấp vườn tược, ngôi nhà đang ở và tất cả tài sản trong nhà vay thêm 2,8 tỷ đồng đầu tư vào trang trại.

Ban đầu, anh mua 1.500 con vịt giống để nuôi thử nghiệm. Với cách làm sáng tạo và khá nhạy bén, từ số vịt giống mua về, một phần anh nuôi vịt thịt còn lại anh đã để lại nhân giống. Để không phải phụ thuộc con giống lấy từ nơi khác và để hạ giá thành cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, anh Cường đã tìm mua vịt trời tự nhiên mà người dân bắt được về cho phối giống, đồng thời đầu tư thêm máy ấp nở để sản xuất con giống tại nhà.

Vịt trời thích nghi môi trường ở Hà Tĩnh.

Vịt trời thích nghi môi trường ở Hà Tĩnh.

Vì thế, đàn vịt trời tăng dần lên, từ 1.500 con vịt giống ban đầu đến nay anh đã nhân giống lên hàng nghìn con, gồm cả vịt sinh sản và vịt thương phẩm. Thời điểm nhiều nhất lên đến 19.000 con, ít nhất cũng 7.000 con.

Theo anh Cường, nuôi vịt trời không khó, chúng lớn rất nhanh và ít dịch bệnh. Thức ăn là những loại dễ kiếm như lúa, ngô, cám… Trong quá trình nuôi, chỉ cần chú ý khoảng thời gian đầu, sau 20 ngày nở mới cho vịt con xuống nước và ra ngoài thiên nhiên để phát triển tự nhiên, khỏe mạnh. Sau khoảng 4-5 tháng nuôi, có thể xuất bán với trọng lượng trung bình mỗi con đạt từ 1-1,5 kg. Thịt vịt trời ngon, thuộc diện đặc sản nên giá bán trên thị trường luôn ở mức cao, từ 120.000 - 150.000 đồng/con.

Không những thế, khi biết đến mô hình của anh, nhiều người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mua giống về nuôi. Được anh chia sẻ kinh ngiệm, nhiều người nuôi thành công và để đáp ứng nhu cầu về con giống, gia đình anh Cường đã mở thêm cơ sở sản xuất vịt giống, giá 20.000 đồng/con độ 7 ngày tuổi.

Ngoài xuất bán vịt thịt, vịt giống thì hiện nay, trứng vịt trời cũng được anh xuất bán đều đặn và anh đang dự định tiếp tục mở rộng quy mô cùng với việc sẽ xây dựng thương hiệu sản phẩm trứng vịt trời và đăng ký tham gia vào chương trình sản phẩm OCOP của tỉnh.

Nhờ nuôi vịt trời, anh Cường đã trở thành tỷ phú.

Nhờ nuôi vịt trời, anh Cường đã trở thành tỷ phú.

Sau gần 5 năm, bằng sự kiên trì, chịu khó, sự sáng tạo và phấn đấu nổ lực không ngừng nghỉ, anh Nguyễn Mạnh Cường đã gây dựng được một cơ ngơi rộng lớn với một quy trình sản xuất khép kín bài bản. Không chỉ chăn nuôi vịt trời mà trang trại của anh Cường giờ đã sum xuê cây trái như: ổi, mít, na... cùng gần 1.000 con chim bồ câu, hàng trăm con gà... đã mang lại nguồn thu nhập bình quân gần 1tỷ đồng/năm và là nơi cung cấp giống vịt trời uy tín.

Xứng đáng là tấm gương trong phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, anh Nguyễn Mạnh Cường đã trở thành một trong những cá nhân được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh vinh danh điển hình tiên tiến trong giai đoạn 2015-2020. Với chủ trương của tỉnh là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân và xây dựng nông thôn mới thì mô hình kinh tế trại của anh Cường rất cần được áp dụng và nhân rộng nhằm hướng tới sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, tạo ra vùng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm