| Hotline: 0983.970.780

Khai thác đá phá hại sản xuất

Thứ Tư 16/08/2017 , 13:45 (GMT+7)

Gần 2 ha lúa, hàng trăm cây cao su, keo tràm và ao nuôi cá của dân bị mỏ đá của Tập đoàn Trường Thịnh “bức tử”, người dân và chính quyền xã Thượng Long, huyện Nam Đông (Thừa Thiên- Huế) đang kêu cứu.

Đảo lộn cuộc sống vì mỏ đá

Năm 2015, để tạo điều kiện cho Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh (có trụ sở TP Đồng Hới, Quảng Bình) lấy đá phục vụ thi công dự án đường cao tốc Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, UBND tỉnh TT- Huế đã cấp phép cho Cty này khai thác mỏ đá tại địa bàn xã Thượng Long, huyện Nam Đông với hơn 2 ha và thời hạn khai thác trong 3 năm.

14-48-44_nh_1
Việc khai thác đá đã làm gần 2 ha diện tích trồng lúa của người dân bị bỏ hoang

Sau khi mỏ đá đi vào hoạt động khiến cuộc sống của hàng chục hộ dân đảo lộn. Việc đầu tiên là gần 2 ha đất nông nghiệp của hàng chục hộ dân các thôn 5, 6 và 7 tại đồng Khe Biêng cạnh đó đã bị bồi lấp, xói lở, đất đá lớn nhỏ từ mỏ khai thác theo dòng chảy tràn xuống ruộng gây ô nhiễm, khiến toàn bộ đất lúa của dân phải bỏ hoang hơn 1 năm qua.

Chị Trần Thị Pái (trú tại thôn 7, xã Thượng Long) cho hay, nhà chị có hơn 2 sào ruộng ở gần mỏ đá, đã hai vụ lúa không sản xuất được vì bị đất đá vùi lấp. Hơn 1 năm nay chị phải đi làm nghề khác kiếm tiền đong gạo ăn.

Hàng ngày, hoạt động nổ mìn ở mỏ đá khiến những hộ dân sống xung quanh luôn sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ, nhà cửa thì nứt nẻ. Không chỉ phải hứng chịu nguồn ô nhiễm không khí từ khói bụi mà nguồn nước sinh hoạt của dân cũng bị ảnh hưởng. Nước thải theo mưa tràn ra xung quanh khiến việc nuôi cá của các hộ dân gần đó cũng sống dở chết dở.

“Cty có thông báo thời gian nổ mìn phá đá vào buổi trưa và buổi chiều, nhưng cứ mỗi lần mìn nổ là mặt đất chấn động như có động đất, nhà cửa chao đảo, tường xây bị nứt nẻ. Tôi sợ quá nên cứ đến buổi trưa là phải bảo con cái chạy ra khỏi nhà đề phòng nhà sập”, ông Hồ Văn Ngừa, người dân sống gần mỏ khai thác đá của Công ty CP Trường Thịnh bức xúc.

14-48-44_nh_2
Con đường dân sinh đi vào mỏ đá cũng bị “cày nát”

Chưa hết, việc vận chuyển đá, sỏi từ mỏ đi nơi khác cũng là một vấn nạn. Xe ben “quá khổ, quá tải” chất đầy sỏi đá hàng ngày lưu thông khiến con đường dân sinh của địa phương bị “cày nát”, đi lại khá nguy hiểm.
 

Dài cổ chờ đền bù

Lâu nay cuộc sống của nhiều hộ dân ở xã Thượng Long chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng ở Khe Biêng thì nay diện tích đất nông nghiệp đã bị mỏ đá “bức tử”, ruộng đồng bỏ hoang hóa.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thới (trú tại thôn 7, xã Thượng Long) là một trong số đó: “Sau hai vụ lúa mất trắng, hơn 1 năm nay gia đình tôi phải vay gạo bà con, họ hàng để sống qua ngày, chờ đến khi nào làm được ruộng hoặc nhận tiền đền bù thì mới có để trả lại chứ không biết lấy tiền đâu để đi mua gạo”, chị Thới rầu rĩ.

14-48-44_nh_3
Chị Thới cho biết gia đình chị đã phải đi vay mượn gạo để ăn gần cả năm trời

Theo phản ánh, đại diện phía Cty CP Trường Thịnh đã nhiều lần cử người xuống trực tiếp làm việc với dân về vấn đề điền bù, thế nhưng cho đến nay bà con vẫn chưa nhận được đồng hỗ trợ nào.

Ông Trần Văn Trĩ, Chủ tịch UBND xã Thượng Long cho biết, việc khai thác đá đã làm khoảng 1,5 ha sản xuất nông nghiệp của gần 20 hộ dân ở thôn 5, 6, 7 bị vùi lấp; mìn nổ làm 4 ngôi nhà bị nứt, nguồn nước ô nhiễm khiến 2 ao cá của dân không thể nuôi trồng và nhiều diện tích cao su, keo tràm người dân bị ảnh hưởng. Cùng với đó, con đường dân sinh đi vào mỏ cũng đã bị hư hại nặng nề.

Phía chính quyền đã 4 lần tiến hành làm việc với đại diện Công ty Trường Thịnh. “Mỗi lần làm việc Cty lại cử một đại diện khác nhau nên khó khăn trong việc thống nhất mức giá đền bù. Vừa rồi xã cũng làm tờ trình gửi cho UBND huyện và UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo. Chúng tôi muốn Cty sớm đền bù và khắc phục các hậu quả đã xảy ra để người dân ổn định lại cuộc sống như trước”, ông Trĩ nói.

Cũng theo ông Trĩ, vừa rồi phía công ty Trường Thịnh cũng đã tiến hành hỗ trợ cho các hộ có diện tích cao su bị ảnh hưởng, san ủi lớp đất đá phủ lấp trên mặt ruộng để trả lại mặt bằng cho người dân sản xuất. Song mặt bằng trả lại không còn được như trước vì lớp đất canh tác trước kia đã bị máy san ủi chỉ còn lại đất sét nên không trồng cấy gì được.

UBND tỉnh TT- Huế đã có công văn yêu cầu Sở TN- MT, Sở Công thương và Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh giám sát việc thực hiện các nội dung do khai thác mỏ đá tại xã Thượng Long. Sau khi kiểm tra, đoàn yêu cầu Công ty Trường Thịnh phối hợp với lãnh đạo xã sớm có phương án hỗ trợ đền bù 2 vụ lúa và khắc phục những hậu quả khác cho người dân.

 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.