| Hotline: 0983.970.780

Khai thác khoáng sản - dân kêu trời vì khổ

Thứ Sáu 10/10/2014 , 09:56 (GMT+7)

Người dân sống trong khu vực hoạt động của Mỏ than Khánh Hòa phải chịu cảnh ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn do hoạt động vận chuyển than, đổ thải đất đá từ nhiều năm nay.

Ô nhiễm môi trường, mất nước sinh hoạt, nước sản xuất, nứt đất, sụt lún nhà cửa, ruộng vườn úng ngập… là những hệ lụy đang đổ xuống đầu người dân sinh sống tại các khu vực khai thác khoáng sản thuộc huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên).

Người dân sống trong khu vực hoạt động của Mỏ than Khánh Hòa phải chịu cảnh ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn do hoạt động vận chuyển than, đổ thải đất đá từ nhiều năm nay.

Nước khô, đồng cạn

Hỏi về tình hình ô nhiễm trên địa bàn, bà Đặng Hương Tảo (Trưởng ban Hộ tự Chùa Làng Ngò, xã An Khánh, huyện Đại Từ) phải thốt lên: “Chán quá, giờ không muốn nói thêm nữa các chú ạ. Người dân kêu nhiều, xã cũng kiến nghị quá nhiều lần nhưng không giải quyết được dứt điểm. Doanh nghiệp vẫn đổ thải ngày đêm ầm ầm, mở rộng bãi thải. Người dân hít bụi thay cơm, bị mất nước sinh hoạt giờ chẳng biết kêu đâu”.

Hiện nay, Mỏ than Khánh Hòa đã tiến hành mở rộng khu vực đổ thải và đây cũng là đơn vị được Sở TN-MT Thái Nguyên xác định là nơi có hoạt động gây ô nhiễm chính tại khu vực. Trong hai năm 2013-2014, Sở TN-MT Thái Nguyên đã nhiều lần tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện môi trường đối với đơn vị này và phát hiện nhiều tồn tại.

Cụ thể, doanh nghiệp này đang thực hiện đầu tư nâng công suất khai thác lên 800.000 tấn/năm. Tuy chưa được phê duyệt dự án và chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng ngay trong năm 2013 Cty đã khai thác than với sản lượng trên 700.000 tấn/năm (công suất được cấp phép là 600.000 tấn/năm).

Việc tăng công suất khai thác đồng nghĩa với việc gia tăng mức độ tác động ảnh hưởng đến môi trường. Theo quan sát, dù doanh nghiệp này đã áp dụng nhiều biện pháp giảm thiểu ô nhiễm nhưng đất đá thải vẫn rơi vãi dọc các tuyến đường trong khu vực, đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm bụi.

 Sở TN-MT Thái Nguyên còn phát hiện bãi thải Tây đã đổ lấn ranh giới khoảng cách an toàn Chùa Làng Ngò nhưng chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bên cạnh đó, bãi thải Nam đã đổ thải cao vượt công suất thiết kế (công suất thiết kế là 150m hiện đã đổ đến cos 250m). Không những thế, đơn vị này còn nắn suối làng Ngò để mở rộng khai trường, ảnh hưởng đến hoạt động canh tác của người dân.

Bà Đặng Hương Tảo (Trưởng ban Hộ tự Chùa Làng Ngò) cho biết: “Họ cứ đổ dần dần tiến gần đến chùa. Chỉ khi cơ quan văn hóa về bảo họ đổ quá phạm vi cho phép chúng tôi mới biết. Gần đây, Chùa còn xuất hiện một số vết nứt. Chúng tôi phải làm căng lên họ mới không đổ ở khu vực gần nhà chùa nữa”.

Không chỉ có Chùa Làng Ngò bị ảnh hưởng, hàng trăm hộ dân ở Làng Ngò đang chịu cảnh mất nước mặt, mất nước sinh hoạt. Ông Phan Quý Long – người dân xóm Làng Ngò cho biết: “Phải đến 90% đất canh tác của làng đã dành cho khai trường, giờ đến nước sinh hoạt, nước canh tác cũng bị mất. Chúng tôi phải bỏ tiền ra mua cả xe chở nước về để dùng”.

Bà Tảo đề nghị các cơ quan chức năng phải đình chỉ việc đổ thải của mỏ than Khánh Hòa để khắc phục triệt để việc ô nhiễm.

Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường và đặc biệt là việc nổ mìn khai thác gần kề của mỏ than Khánh Hòa, gần đây, các hộ dân của xóm Cao Sơn 3 (xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương) đã liên tục bủa vây, ngăn chặn và dừng các hoạt động tại khai trường của mỏ.

Sự căng thẳng giữa người dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm và đơn vị gây ô nhiễm ngày càng tăng cao. Bà Nguyễn Thị Hồi (xóm Làng Ngò) cho hay: “Trước tôi còn có ruộng canh tác, rồi đi nhặt mót than, giờ khéo chết đói. Người dân trong xóm nhiều người giờ không có việc. Có lúc bức xúc quá chúng tôi kéo nhau ra đường chặn ô tô chở đất đá thải yêu cầu không được gây ô nhiễm cho người dân nữa”.

Nước ngập, nhà tan

Việc nắn suối Làng Ngò phục vụ cho việc mở rộng bãi thải của Mỏ than Khánh Hòa còn khiến xóm Bãi Chè bị ngập sâu trong mùa mưa.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (Trưởng xóm Bãi Chè) cho biết, trước đây chúng tôi chưa từng bị ngập bao giờ nhưng giờ thì khác. Vì suối Làng Ngò đổi dòng, có hộ dân ở đây đã bị nước ngập vào nhà hơn nửa mét. Xóm Bãi Chè giờ thành tâm điểm phòng chống lụt bão của xã mỗi khi mưa to gió lớn. Cơn bão số 3 vừa qua đã biến xóm Bãi Chè thành biển nước mênh mông.

Hiện Sở TN-MT Thái Nguyên đã có văn bản yêu cầu các đơn vị gây ô nhiễm nêu trên tăng cường thực hiện hợp đồng vệ sinh của khu dân cư và chủ động sử dụng phương tiện cơ giới để dọn dẹp.

UBND tỉnh Thái Nguyên cũng yêu cầu Sở TN-MT đôn đốc Cty Than Khánh Hòa khẩn trương hoàn thiện đánh giá tác động môi trường dự án nâng cao công suất thiết kế 800.000 tấn/năm để trình Bộ TN-MT phê duyệt, xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm thiểu bụi tại khu vực bãi thải Tây thuộc xóm Làng Ngò, xã An Khánh, huyện Đại Từ.

UBND tỉnh Thái Nguyên cũng yêu cầu Sở TN-MT tham mưu để có văn bản đề nghị Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đánh giá lại nhu cầu, quy hoạch khai thác. Đồng thời, đánh giá tác động môi trường trước khi phê duyệt dự án nâng công suất, thậm chí dừng các hoạt động đầu tư nâng công suất khi chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất