| Hotline: 0983.970.780

Khám phá hang cổ trên núi vàng Ngân Sơn

Thứ Ba 03/08/2010 , 09:15 (GMT+7)

Vọ kể nhiều về những chuyện lạ trên ngọn núi này, trước đây còn thi thoảng nhìn thấy ngọn lửa cao, sáng rực phát lên trời lúc nửa đêm làm anh với mọi người đi săn thú đêm hoảng sợ.

Bài 1: Bí ẩn hang cổ

Một hang cổ.

Một lần tình cờ leo núi khám phá địa đầu ngọn thác tại khu du lịch sinh thái Nà Khoang huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn), tôi làm quen được một cựu trưởng bản người Mông tên là Hoàng Văn Vọ, thôn Xáo Sào. Thấy cảnh sắc nơi đây thơ mộng với những núi cỏ xanh mướt thẳng mắt trẻ trâu, thi thoảng có những vạt ngô của bà con dân tộc Mông, Dao trồng xen trong thảo nguyên xanh; tôi quyết tâm tìm hiểu về cửa hang trên ngọn núi vàng mà không nhiều người đặt chân tới.

Mới đầu, tôi nghĩ đơn giản là ngọn núi nơi đây bị bà con chặt hết cây nên chỉ có những ngọn đồi cỏ, câu hỏi là tại sao có nguồn nước trong vắt và chảy quanh năm xuống khu Nà Khoang như thế. Trong chén rượu ngọt ngào, anh Vọ bộc bạch, nơi đây có suối thần đấy, cũng nhờ suối này mà trên ngọn núi cao kia nhiều vàng bạc lắm, người sống ở vùng biên giới Việt - Trung thường xuyên qua gạ gẫm người Mông bán đất trồng ngô (những chỗ có hang cổ) cho họ, họ bảo dưới đó rất nhiều vàng, khi nào đào được thì chia nhau.

Anh Hoàng Văn Vọ - người dẫn đường.
Mới đầu nghe tưởng chuyện đùa nhưng nhìn vào mắt Vọ, tôi đã tin và quyết nhờ anh dẫn tôi lên các ngọn núi đó, với điều kiện anh phải đeo giúp máy ảnh, nước uống, bánh ngọt vì hành trình vào đến đó phải mất cả ngày cuốc bộ. Mới đầu anh còn chần chừ nhưng thấy tôi thích nghe chuyện anh kể nên đã chiều tôi. Chuyến lội ngược con thác Nà Khoang được tôi và anh lần mò từng bước vượt nhiều đoạn khe, nước trong xanh, rêu phủ kín và lúc thì đi men theo bìa rừng, khi lội ngược đoạn suối, tôi và anh cứ vậy mà bước. Anh thì khoe đủ thứ tài năng từ thổi khèn Mông đến uống mấy bát rượu không say. Anh chỉ hơn tôi có 4 tuổi vậy mà bắt tôi gọi bằng ông và xưng cháu với tôi ngọt lịm.

Khi đi khoảng 3 tiếng đồng hồ, anh dẫn tôi tắt qua một sườn núi đến một cửa hang và cho biết đám ngô bao bọc quanh cửa hang này đã được chủ bán cho người ở biên giới sát Trung Quốc với giá là tám mươi triệu đồng. Nhìn quanh đám ngô chẳng có gì khác biệt, cũng núi đất lẫn đá mồ côi như những đám ngô khác, nhưng anh giải thích cho tôi tại sao có giá cao như vậy là nhờ cái cửa hang rêu phong kia, vì theo như người ta cho anh biết, cửa hang này là hang cổ, đào xuống đó là có loại quặng gì đó có cả vàng bạc nữa. Với tính tò mò, tôi cầm một viên xỉ có lẫn cả quặng kẽm lên hỏi, có phải loại quặng này không? Anh gật đầu trả lời họ không lấy nó nhưng ở trong đó có vàng bạc, họ sẽ lọc lấy nước đem đi nấu ra vàng. Họ lấy như thế nào? (tôi hỏi), anh Vọ cười, có muốn đi xem họ lấy thế nào thì mất một tiếng nữa leo núi, sẽ sang ngọn núi bên kia, họ đào loại quặng này và đun nấu từ lâu năm rồi, họ lấy đi cái gì chẳng ai biết, chỉ biết họ đã đào hang cũ ngày xưa để lại, bây giờ thì sâu lắm rồi, bọn thanh niên trong xóm trước đây đã đi đào thuê cho các bưởng vàng làm theo hình thức thổ phỉ, họ  có nói cho Vọ biết là sâu khoảng một km, đã mấy năm gần đây, thanh niên trong bản không ai dám chui vào vì sợ sập nên cả xóm của Vọ không ai đi làm thuê cho các ông bưởng nữa.

Thế là đôi chân rời rã của tôi bỗng dưng lại hưng phấn và đề nghị Vọ đưa đi tiếp. Lướt qua nhiều bãi cỏ dại cao ngang đầu gối vì không có trâu bò ăn nên toàn thân cứ vậy đón hết cái nắng gắt của chuyến đi, vì những ngọn núi này không có bóng cây, cây to nhất trên nơi này là cỏ chó đẻ. Tôi không chịu được nắng, Vọ cuốn cho tôi một chiếc mũ bằng lá chuối rừng khi còn dưới thung lũng núi, nhưng quá buổi trưa thì mũ cũng khô héo từ bao giờ. Nắng hè như lò lửa nóng ám vào lưng làm tôi thật sự mệt mỏi, mồ hôi cứ ướt áo lại tự khô, thế nhưng tôi cố bước vì phía trước là ngọn núi vàng. Quả như anh Vọ nói, ai không đủ sức khoẻ không dám nghĩ đến nơi này vì tôi sinh ra ở miền núi, hơn 10 tuổi theo mẹ lên rẫy trỉa lúa trồng ngô mà cuốc bộ từ sáng đến quá buổi trưa đã thấy thấm mệt, còn anh Vọ vẫn đều bước như con sóc chuyền cành. Thi thoảng tôi đề nghị anh cho nghỉ, anh bảo tôi phải cố lên. Tôi chợt nhìn bao quát xung quanh để tìm nhà dân, những căn nhà ở rất xa và nhỏ tý dưới những thung lũng núi kia, tôi hỏi: "Liệu tối nay không về kịp thì vào những nhà kia có được không?”. Vọ cười: “Toàn anh em cả thôi. Vào đấy là uống rượu ngay”. Trong lòng tôi bỗng yên tâm khi Vọ thông thạo đường và có nhiều người thân trong vùng cát cứ này, nếu không ra được ngoài đã có chỗ nương thân đêm nay.

Lúc này thoả sức tò mò hơn, tôi hỏi được nhiều hơn về những cái hang rêu phong trên những đỉnh núi do con người tạo hoá, có chỗ mới đào chỉ vài năm vì vết đổ đá đất ngoài cửa hang còn nguyên đó. Vọ cũng kể nhiều về những chuyện lạ trên ngọn núi này, trước đây còn thi thoảng nhìn thấy ngọn lửa cao, sáng rực phát lên trời lúc nửa đêm làm anh với mọi người đi săn thú đêm hoảng sợ, hay những câu chuyện về ma mồ trong hang cổ. Vọ cũng cho biết, họ tộc mình phiêu dạt từ huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng về đây trong cuộc trốn chạy giặc năm 1979. Cũng từ đó đến nay, có nhiều người lạ ra vào vùng này và chỉ tìm đến những cái hang cổ như vậy. Họ làm gì và lấy đi thứ gì người dân không để ý. Có mỗi đội ông Cao Văn Khang (người dưới xuôi) thì làm ở đây lâu nhất, họ làm qui mô từ việc dựng nhà ở cẩn thận, đến cửa hang cũng có hẳn đường vòng vào hang chở quặng ra, lúc nào cũng khá đông người làm, họ lấy các loại đất lẫn đá mục sau đó nghiền nhỏ rồi trộn với loại bột trắng, chuyển vào bể ngâm theo qui trình sau đó lọc và lấy đi từng can nước, trong đó có gì chẳng ai biết, chỉ biết là có thuốc độc hại nên khu vực ngâm tẩm đó ông đã làm nhà bảo vệ và dùng khoá chốt lại, khi ông mở công nhân mới được vào làm.

Đoàn ngựa đang tải lương thực vào núi vàng.

Trước khi thải đất đá ra khe núi, ông Khang còn đắp bờ cẩn thận, ngăn thành các ao giữ tạp chất lại để an toàn cho vùng hạ lưu nên dân bản địa không có điều tiếng gì. Đại bản doanh này có từ bao giờ dân bản cũng chẳng ai nhớ, họ làm những gì người dân nơi đây cũng chẳng ai hay, vì họ cắm chốt trên đỉnh núi cao nhất và xa cách khu dân cư mấy ngọn núi nên chẳng ai rỗi hơi mà đến đó, chỉ ông Vọ là người có “vai vế” trong xã hội vì chịu khó đi làm thuê ngoài xã, có nghe nói nơi đó ông Khang đào quặng để lấy vàng bạc, còn người dân không ai quan tâm, chỉ biết việc họ đào quặng núi bên kia, còn mình thì trồng ngô núi này vậy thôi. Mấy năm gần đây, ông Khang cho người trồng cây hết khu đất trên ngọn núi này để mở trang trại chăn nuôi đà điểu, bò, ngựa, trồng ngô và khai thác quặng qui mô hơn, có bờ rào và đào hào ngăn cách nhằm bảo vệ nghiêm ngặt vùng mỏ, nên người dân trong vùng càng không bao giờ còn cơ hội bén mảng đến những ngọn núi này để chiêm ngưỡng những hang cổ ngày xưa, khi ai có đi qua địa phận này để tìm trâu bò lạc cũng phải có báo cáo và phải được phép mới được vào! Khu vực ông Khang toạ lạc là một ngọn núi chỉ cách Quốc lộ 3 khoảng 5 km đường chim bay, thế nhưng nơi đây là một vùng riêng biệt vì không có đường, không dân cư, cách duy nhất để vào đến ngọn núi này là sức khoẻ để vượt qua các ngọn núi thấp hơn. Cũng do biệt lập với bên ngoài, nơi đây đã trở thành “đại bản doanh” của riêng ông Khang suốt nhiều năm qua.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.