| Hotline: 0983.970.780

Khẩn cấp khắc phục để bước vào SX vụ đông xuân

Thứ Ba 19/11/2013 , 18:51 (GMT+7)

Theo ước tính, tổng thiệt hại do lũ ở Bình Định khoảng 1.586 tỷ đồng.

Sáng 19/11, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã về thăm Bình Định, nơi được đánh giá là bị thiệt hại nặng nề nhất trong cơn lũ vừa qua.


Phó Thủ tướng chỉ đạo tại cuộc họp.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc, cho biết: Đợt mưa lũ từ ngày 15 - 18/11 trên địa bàn tỉnh Bình Định được đánh giá là đợt mưa lũ lịch sử, lớn nhất trong vòng 50 năm qua, với diễn biến rất nhanh; xảy ra trên 41 xã, phường của 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Hầu hết các địa phương vùng lũ bị ngập sâu, có vùng bị ngập 6 - 8 m, gây thiệt hại vô cùng lớn cho Bình Định.

Chỉ xảy ra trong 4 ngày mà cơn lũ cướp đi của Bình Định 18 sinh mạng, 1 người mất tích.

Có 99.574 ngôi nhà bị ngập nước, nhiều nhà bị sập hoàn toàn hoặc hư hỏng nặng.

Có 39.079 giếng nước sinh hoạt bị ngập, ô nhiễm. Thiệt hại nặng nề nhất là lĩnh vực nông nghiệp.

Toàn tỉnh Bình Định có 6 hồ chứa bị xói lở đập; 28.842 m đê sông bị vỡ, sạt lở với khối lượng 24.330 m3; 3.700 kè bị sạt lở, bồi lấp với khối lượng 1.500 m3; 97.157 m kênh mương bị sạt lở, bồi lấp với khối lượng 25.120 m3; 26 đập dâng bị hư hỏng với khối lượng 3.350 m3; 9 trạm bơm bị hư hỏng; 1.130 đập bổi bị cuốn trôi.

Đáng quan ngại nhất là đến 25/11 này là Bình Định khởi động bước vào SX vụ ĐX 2013 - 2014, do đó lúa giống đã được cấp về các địa phương, nhưng đã bị lũ ngập làm hư hại.

Đã có 300 tấn giống lúa lai bị ướt và hư hỏng; trên 3.700 tấn lúa giống lúa thuần của nông dân bị cuốn trôi, hư hỏng; 2.000 ha lúa vụ 3 mất trắng; 359 ha mì (sắn) hư hỏng; 76 ha mía ngã đổ; 1.017 ha rau màu bị ngập úng hư hỏng hoàn toàn; 1.600 cây ăn quả ngã, trốc gốc; 2.000 con trâu bò, 8.000 con heo và 120.000 con gia cầm bị lũ cuốn trôi, chết; 2.891 ha đất canh tác lúa bị sa bồi thủy phá.

Ngoài ra, còn có 5 cơ sở giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp ở Bình Định bị lũ nhấn chìm, gây thiệt hại nặng; 303 ao hồ nuôi trồng thủy sản bị vỡ, sạt lở; 23 tấn tôm, cá trôi theo lũ; 62 triệu con cá giống cũng bị trôi mất.

Tổng thiệt hại khoảng 1.586 tỷ đồng.


Phó Thủ tướng kiểm tra sạt lở tại đê Thắng Công.

Trong cuộc họp tại UBND TX An Nhơn vào trưa cùng ngày, vấn đề phương tiện cứu hộ được Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy, Phó tư lệnh Quân khu V đặt ra một cách cấp bách.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy, trước khi cơn lũ này xảy ra, cán bộ chiến sĩ của Quân khu V đã triển khai quân tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận để phòng chống cơn bão số 14; bão 14 không vào đất liền, trên đường kéo quân về qua Bình Định thì cơn lũ ập đến nên triển khai quân xông vào chống lũ ngay, kịp thời.

Tuy nhiên, cơn lũ này quá dữ, phương tiện cứu hộ đơn vị có trong tay không thể vận hành để cứu dân. Xuồng vừa đi vào dòng lũ liền bị luốn cuốn trôi. Nhiều khi nhìn thấy dân vẫy tay cầu cứu nhưng không thể tiếp cận được, dân thì không bơi nổi để tiếp cận với phương tiện. Đành cứ ngậm ngùi!

Thiếu tướng đề nghị Chính phủ trang bị thêm phương tiện cứu hộ trước tình hình biến đổi khí hậu, mưa lũ sẽ ngày một diễn ra phức tạp và khó lượng hơn.

“Hiện quân khu đang điều động 800 quân từ các Lữ đoàn 572, 573, 368 đến Bình Định để giúp dân khắc phục sau lũ. Tiếp đến, sẽ điều động thêm quân của Sư đoàn 31, Trung đoàn 940 và Trường Quân sự thuộc Quân đoàn 3 về hỗ trợ cho Bình Định khắc phục lũ. Dự kiến sẽ có 1.500 quân giúp dân dựng lại nhà cửa, khôi phục đồng ruộng để bước vào vụ SX mới”, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy nói.

“Trước hết, Bộ NN-PTNT phải tổng hợp nhanh nhu cầu về giống lúa, giống vật nuôi, giống cây trồng cần hỗ trợ cho người dân các địa phương khôi phục SX để báo cáo khẩn cho Chính phủ. Trước mắt, Bộ NN-PTNT ứng trước những khoản hỗ trợ nói trên để người dân kịp vụ SX. Đặc biệt Bình Định cần tiến hành khẩn cấp việc khôi phục diện tích ruộng bị sa bồi thủy phá để kịp SX”.

Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng đã chia sẻ với Bình Định về những tổn thất nặng nề về nông nghiệp, nhất là trong thời gian qua, do hạn hán nên nông dân ở đây đã chuyển sang chăn nuôi gia súc rất nhiều, chưa kịp hưởng thành quả thì đã bị cơn lũ này vùi dập.

Thứ trưởng tỏ ra lo lắng cho Bình Định trong vụ SX tới, nhất là khi đã có quá nhiều diện tích canh tác cây lúa bị sa bồi, thủy phá; đặc biệt là khi tỉnh này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lúa giống trong vụ ĐX 2013 - 2014 vì lượng giống chuẩn bị đã bị lũ cuốn khá nhiều.

“Nếu Bình Định không được hỗ trợ kịp thời giống lúa để bà con SX thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của đại bộ phận người dân Bình Định, nhất là khi họ vừa trải qua đợt thiên tai khủng khiếp”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá cao hiệu quả trong phòng chống cơn lũ lịch sử vừa qua của toàn hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Phó Thủ tướng cho rằng, Bình Định cần phải lấy sự bất thường của cơn lũ này để rút kinh nghiệm, nhằm đề ra phương án PCLB phù hợp với thực tế, trong đó có tính đến đặc thù của địa phương và sự thất thường của lũ để có sự chủ động trước những thiên tai.

Ví dụ mới đây, lũ đã tấn công vào những vùng cao trước (các huyện Tây Sơn, An Lão), chứ không đổ vào hạ du trước như thường thấy. Đó cũng là 1 hiện tượng cần nghiên cứu để tìm ra giải pháp ứng phó hữu hiệu, điều này có liên quan đến mạng lưới quan trắc.

Về việc thủy điện “góp lũ”, Phó Thủ tướng kiên quyết: “Nếu đơn vị nào vận hành sai quy định, gây ra “nhân tai” về phía hạ du thì phải bị kỷ luật, và phải xử lý”.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác quản lý hồ chứa của Bình Định, đặc biệt là với 21 hồ chứa đã xuống cấp nghiêm trọng, trước khi lũ xảy ra, ngành chức năng tỉnh này đã mạnh dạn không tích nước đầy nên đã vượt lũ an toàn, đồng thời đã kịp thời hạ mực nước các hồ, kịp phòng lũ và đã vận hành điều tiết hồ Định Bình hợp lý nên đã cắt được đỉnh lũ, làm giảm lũ về hạ du.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Đợt lũ này đã gây thiệt hại cho người dân là rất lớn, Bình Định cần bám sát địa bàn, nắm được nhu cầu cần hỗ trợ của người dân, đặc biệt là về lương thực, thuốc men, thực phẩm và tiến hành hỗ trợ ngay. Phải bảo đảm không để người dân nào đói, rét. Những nhà dân dù không bị sập trong lũ nhưng đã hư hỏng nặng, cần phải sơ tán trước khi sửa chữa để tránh rủi ro. Các nhà dân bị sập, hư hỏng được hỗ trợ theo quy định, đề nghị tỉnh, huyện ứng kinh phí hỗ trợ để người dân kịp thời ổn định nơi ở; cũng như hỗ trợ về vật nuôi”.

Bình Định kiến nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 300 tỷ đồng để cứu trợ lương thực, thuốc chữa bệnh và vệ sinh môi trường cho người dân trong vùng thiên tai, khôi phục giao thông; hỗ trợ giống lúa và khôi phục các công trình thủy lợi phục vụ vụ ĐX 2013 - 2014; vacxin phòng dịch gia súc, gia cầm và đặc biệt là lắp ngay 12 trạm đo mưa tự động tại 5 hồ chứa lớn.

Trước đó, Đoàn công tác của Chính phủ đã đi thăm và tặng quà cho gia đình có 2 người chết trong lũ và 2 gia đình có nhà sập ở TX An Nhơn; đồng thời đi kiểm tra tình hình sạt lở tại đê Thắng Công tại xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn).

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.