| Hotline: 0983.970.780

Khẩn cấp phòng chống dịch Ebola

Chủ Nhật 10/08/2014 , 18:16 (GMT+7)

Theo thống kê từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thế giới đã có gần 2.000 người nhiễm virus Ebola, trong đó trên 50% tử vong. Đặc biệt, có trên 100 cán bộ y tế đã nhiễm virus này./ Kiểm soát chặt động vật nhập khẩu từ châu Phi/ Bệnh nhân Ebola bị vứt xác ngoài đường vì người thân sợ lây nhiễm

Tỷ lệ tử vong rất cao

Trước khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao của virus này, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola gây ra.

Công điện chỉ rõ, bệnh do virus Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường và dụng cụ bị ô nhiễm dịch bệnh.

Cho đến nay, bệnh do virus Ebola vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và phương pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

“Bệnh hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu điều trị hỗ trợ, điều trị triệu chứng. Chẳng hạn nếu sốt trên 38 độ C có thể hạ nhiệt bằng paracetamol với liều lượng 10-15mg/kg cân nặng, mỗi liều cách nhau từ 4-6 giờ. Đặc biệt tránh dùng các thuốc như diclofenac, ibupropen… vì làm nặng rối loạn đông máu. Nếu bị mất máu thì cần được truyền máu và các chế phẩm từ máu” (Theo phác đồ điều trị bệnh Ebola của Bộ Y tế ban hành ngày 9/8”)

Để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh do virus Ebola vào Việt Nam, đồng thời chủ động ứng phó có hiệu quả, ít thiệt hại nhất khi dịch bệnh xảy ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động, phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các tổ chức quốc tế và các nước có liên quan để nắm bắt tình hình dịch bệnh, dự báo nguy cơ lây nhiễm vào Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Y tế phải chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan triển khai tốt việc giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola để có phương án và biện pháp cách ly y tế kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh.

Triển khai ngay việc tập huấn về chuyên môn kỹ thuật, tổ chức tốt việc phân tuyến và thu dung điều trị nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong, không được để lây nhiễm dịch bệnh trong các cơ sở y tế và lan rộng dịch bệnh ra cộng đồng.

Riêng các Bộ Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Công an và Ngoại giao phải làm tốt công tác giám sát và phòng chống dịch bệnh tại cửa khẩu, đồng thời có phương án bố trí phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, địa điểm khám sàng lọc và cách ly y tế tạm thời đối với các trường hợp có dấu hiệu nhiễm dịch bệnh.

Với các đối tượng đang sống, lao động, làm việc tại các quốc gia vùng dịch, khách du lịch và các đối tượng là người lao động đến Việt Nam từ các nước đang có dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu chủ động phối hợp với cơ quan y tế, các đơn vị có liên quan trong việc khai báo, cách ly và điều trị khi trở về Việt Nam.

Kiểm tra sức khỏe giống dịch SARS

Trao đổi với NNVN chiều 10/8, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN (Bộ GT-VT) cho biết, hiện nay 3 cửa khẩu hàng không (Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất) được coi là 3 điểm chốt quan trọng nhất ngăn chặn sự xâm nhập của virus Ebola “bám theo” nhóm đối tượng là khách đến tham quan, làm việc tại Việt Nam.

Để đảm bảo ngăn chặn kịp thời, khống chế dập dịch bệnh do virus Ebola có thể xảy ra, Cục Hàng không VN đã có yêu cầu các đơn vị các Cảng vụ hàng không, Cảng hàng không quốc tế và các hãng hàng không phối hợp chặt chẽ với Kiểm dịch y tế quốc tế thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh lây nhiễm qua đường hàng không.

Nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá thành công của Việt Nam khi chống lại đại dịch SARS vào năm 2003 là ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên đã tiến hành các biện pháp cách ly hoàn toàn cho bệnh nhân và phòng hộ cho nhân viên y tế, khoanh vùng, giám sát chặt chẽ những người tiếp xúc với bệnh nhân, đồng thời tăng cường kiểm dịch y tế biên giới, cập nhật thông tin và diễn biến tình hình dịch bệnh, thực hiện đúng các quy định về tiếp nhận, xử lý, điều trị và cách ly bệnh nhân SARS và có sự phối hợp chặt chẽ với chuyên gia và các tổ chức quốc tế như WHO…

Đặc biệt, cần giám sát chặt chẽ hành khách đi máy bay từ vùng có dịch (4 nước Guinea, Liberia, Nigeria, Sierra Leone) vào Việt Nam, phát hiện kịp thời những trường hợp nghi vấn để cách ly theo dõi, gửi bệnh viện điều trị.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với y tế trên địa bàn sân bay và kiểm dịch y tế quốc tế để kịp thời xử lý khi có dịch xảy ra; nghiêm cấm vận chuyển động vật và thực phẩm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch trên tàu bay. Cục cũng yêu cầu các hãng hàng không yêu cầu khách đi máy bay thực hiện tốt việc khai tờ khai y tế, đảm bảo cung cấp đủ tờ khai y tế trên máy bay.

Vấn đề đặt ra, làm thế nào có thể phát hiện người nhiễm bệnh một cách nhanh nhất, khi đây là loại virus bệnh mới, có tỷ lệ tử vong rất cao?

Theo ông Thanh, các cửa khẩu đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ phòng chống dịch SARS vào năm 2003, và đều được phát hiện hành khách có dấu hiệu bất thường bằng máy đo thân nhiệt.

Đặc biệt lần này, ngoài những chiếc máy đo thân nhiệt đã có sẵn, Cục Hàng không sẽ phối hợp thật chặt với Bộ Y tế theo Kế hoạch hành động phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola tại Việt Nam vừa ban hành.

Có 3 kịch bản được đưa ra: Tình huống 1 là khi chưa ghi nhận ca bệnh, mục tiêu là phát hiện sớm ca bệnh tại Việt Nam để xử lý triệt để, tránh lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng. Tình huống 2 khi xuất hiện các ca bệnh xâm nhập thì cần khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, điều trị tích cực hạn chế nhất tử vong và lây lan ra cộng đồng. Tình huống 3 là khi dịch lây lan trong cộng đồng. Lúc này cần đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và giảm lây lan ra cộng đồng.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất