| Hotline: 0983.970.780

Khẩn cấp phòng chống dịch LMLM

Thứ Sáu 25/10/2013 , 09:59 (GMT+7)

Ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng chống.

Trước tình hình dịch lở mồm long móng (LMLM) bùng phát nguy hiểm trên đàn gia súc sau lũ lụt tại các tỉnh miền Trung, hôm qua (24/10), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng chống.

Theo Bộ NN-PTNT, hai cơn bão lớn số 10 và 11 ở Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ đã khiến nhiều gia súc của người dân bị chết, lũ lụt cuốn trôi. Gia súc tại vùng bị lũ lụt phải di chuyển lên quốc lộ, vùng đất cao để nhốt giữ, chăn thả chung, đói rét, môi trường bị ô nhiễm khiến sức đề kháng của gia súc bị giảm sút.

Do vậy, dịch LMLM gia súc đã xảy ra tại một số xã, huyện thuộc địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị và đang có chiều hướng lây lan ra diện rộng. Đặc biệt, tại huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) và huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã phát hiện gia súc bị bệnh LMLM typ A.

Đồng thời, theo kết quả lấy mẫu giám sát của Cục Thú y từ đầu năm 2013 đến nay, đã phát hiện vi rút LMLM typ O lưu hành tại các tỉnh gồm Bắc Kạn, Sơn La, Bắc Ninh, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Vĩnh Long, và gần đây đã phát hiện vi rút LMLM typ A lưu hành tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Nam.


Nguy cơ bùng phát dịch LMLM sau bão ở miền Trung đang rất cao

Để khống chế nhanh và ngăn chặn kịp thời các ổ dịch phát sinh, không để dịch lây lan, công điện của Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở NN-PTNT, UBND các cấp và các ban, ngành liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch theo Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 16/5/2006 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về Quy định các biện pháp phòng chống bệnh LMLM gia súc, đặc biệt chú trọng các biện pháp sau:

Đối với các tỉnh đang có dịch LMLM:

- Củng cố và thành lập BCĐ phòng chống dịch; công bố dịch theo đúng quy định; lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để xác định typ vi rút gây bệnh; tập trung mọi lực lượng nhanh chóng dập tắt dịch; cách ly triệt để và đánh dấu gia súc mắc bệnh để kiểm soát; giao cho chính quyền cấp xã, thôn quản lý chặt chẽ các ổ dịch; vệ sinh tiêu độc khử trùng ổ dịch; tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM bao vây các ổ dịch; lựa chọn chủng loại vắc xin tiêm phòng phù hợp theo khuyến cáo của Cục Thú y tại Công văn số 1816/TY-DT ngày 21/10/2013.

- Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, làm lây lan dịch bệnh.

- Thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời để ngăn chặn việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc mẫn cảm với bệnh ra ngoài vùng dịch; tiến hành tiêu độc khử trùng các phương tiện giao thông qua lại.

- Thực hiện nuôi nhốt gia súc bị bệnh tại chuồng trại; tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Đối với các tỉnh chưa có dịch LMLM:

- Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch; khi có dịch xảy ra, thực hiện tiêu hủy triệt để gia súc mắc bệnh khi dịch còn ở diện hẹp và áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt dập tắt nhanh ổ dịch.

- Thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, kiểm soát chặt chẽ không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh.

- Tham khảo thông tin về typ vi rút LMLM đang lưu hành trên địa bàn và đánh giá nguy cơ lây nhiễm các typ vi rút từ các địa phương khác, đồng thời căn cứ vào khuyến cáo về sử dụng vắc xin của Cục Thú y để xây dựng kế hoạch tiêm phòng cho phù hợp.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại, tính chất lây lan và các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo các cơ quan truyền thông địa phương dành thời lượng thích hợp để tuyên truyền.

- Xây dựng kế họach phòng chống dịch, bao gồm kế hoạch về kinh phí, nhân lực và các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác phòng chống dịch.

- Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần Công điện khẩn số 14/CĐ-BNN-TY ngày 10/10/2013 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về việc tăng cường công tác phòng chống dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm.

Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung trên. Trong quá trình chỉ đạo, nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ NN-PTNT để phối hợp, xử lý kịp thời.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm