| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương khắc phục 'thẻ vàng' của EC

Thứ Ba 19/02/2019 , 15:05 (GMT+7)

Dự kiến đầu tháng 4/2019, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đến Việt Nam để kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị mà họ đã đưa ra nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” hoặc tăng nặng hình thức cảnh báo lên “thẻ đỏ” đối với thủy sản Việt Nam.

Ngay từ bây giờ các tỉnh ven biển cần chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại để sớm tháo gỡ...

08-58-03_2
Cơ quan chức năng giám sát vị trí tàu từ trạm bờ

Ghi nhận của PV NNVN tại Khánh Hòa, địa phương có thế mạnh về khai thác thủy sản, với hơn 1.300 tàu đánh bắt xa bờ. Để góp phần tháo gỡ “thẻ vàng”, tỉnh đã chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung quyết liệt triển khai các giải pháp về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) trên địa bàn.

Ông Võ Khắc Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết: Sau khi nhận các chỉ thị, công điện, công văn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và công văn của Bộ NN-PTNT về chống khai thác bất hợp pháp, địa phương đã triển khai ngay và thực hiện rất nghiêm túc.

Để chuẩn bị đón đoàn công tác của EC đến Việt Nam và không loại trừ khả năng đoàn sẽ đến tỉnh kiểm tra, từ cuối tháng 12/2018 đến nay, Chi cục đã chỉ đạo lực lượng của đơn vị tập trung triển khai các giải pháp về IUU. Đến nay các kiến nghị yêu cầu thực hiện của EC đang được địa phương hoàn thiện, củng cố.

Cụ thể, tỉnh đã tăng cường sâu rộng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định tại cảng cá, xã phường ven biển, khu vực có nghề cá trọng điểm cho chủ tàu, ngư dân, thuyền trưởng, chủ cơ sở hậu cần khai thác. Hướng dẫn ngư dân nắm biết ranh giới vùng biển Việt Nam và các nước để không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đến nay, 4 văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát nghề cá gồm Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương, Đại Lãnh cơ bản đã đi vào hoạt động ổn định. Đã kiểm tra tàu rời cảng, cập cảng lên cá 2.852 lượt, với sản lượng 40.807 tấn. Công tác tuần tra trên biển được 549 đợt, phát hiện 48 phương tiện vi phạm, xử phạt hơn 100 triệu đồng.

Khánh Hòa được Bộ NN-PTNT phân bổ lắp đặt 120 máy Movimar trên tàu cá và thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, tỉnh đã thu hồi bàn giao cho Đài Thông tin Duyên hải Nha Trang 95 máy, còn 25 máy không thu hồi được do tàu bị chìm, bị mất máy và tàu bán đi tỉnh ngoài...

Đối với 28 tàu có chiều dài 24m trở lên, Chi cục đã phối hợp với Đài Thông tin Duyên hải Nha Trang tuyên truyền sẽ lắp máy Movimar cho các tàu này theo quy định.

Công tác nâng cấp thiết bị VX-1700 lắp trên tàu và trạm bờ tự động báo vị trí tàu về trạm bờ, đến nay Cty CP Thiết bị hàng hải MeCom đã tiến hành khảo sát 2 lần nhưng chưa thành công. Theo quy định Luật Thủy sản mới, các tàu 15m trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình, thì toàn tỉnh có 628/750 tàu đã được lắp đặt. Số tàu còn lại cũng đang thực hiện khẩn trương lắp đặt.

Về xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản, đến nay đã truy xuất nguồn gốc được rõ ràng, minh bạch. Theo đó, từ năm 2018 đến nay đã xác nhận nguyên liệu 136 lô hàng/10.428 tấn; cấp 501 giấy chứng nhận/4.272 tấn hải sản (trong đó đi EU 371 giấy).

08-58-03_3
Các tàu Phú Yên xác nhận chỉ đánh bắt thủy sản tại vùng biển nước ta
Để góp phần xác nhận nguồn gốc thủy sản đánh bắt hợp pháp, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã triển khai nhiều chuỗi liên kết thành công và hiệu quả. Cụ thể, chuỗi liên kết khai thác thu mua, chế biến tiêu thụ cá ngừ giữa Cty TNHH Thịnh Hưng và Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng, với trên 100 tàu tham gia. Chuỗi liên kết thác thu mua, chế biến tiêu thụ cá ngừ vằn giữa Cty TNHH Tín Thạnh và THT nghề cá Vĩnh Phước với 25 tàu tham gia và chuỗi liên kết cá ngừ giữa Cty TNHHY T-H với THT nghề cá Trường Sa.

Tại Phú Yên, các sở, ngành và địa phương ven biển trên địa bàn cũng tăng cường tuyên truyền đến ngư dân về các chính sách phát triển thủy sản, tuân thủ đánh bắt thủy sản hợp pháp. Hiện hơn 655 chủ tàu cá đã ký cam kết không vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.

Một chủ tàu đánh chuyên đánh bắt cá ngừ ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) nói: Bây giờ chẳng tàu nào dại xâm phạm vùng biển nước ngoài. Bởi thời gian qua hậu quả các tàu vi phạm đã bị các nước xử lý rất nghiêm gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững ngành thủy sản.

Hai văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại hai cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa) và Phú Lạc (huyện Đông Hòa) đã hoạt động ổn định. Ông Nguyễn Tri Phương, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Sau gần 10 tháng đi vào hoạt động, các văn phòng này đã cấp khoảng 1.630 giấy xác nhận tàu xuất bến, khoảng 1.660 tàu cập bến. Các văn phòng này còn xác nhận, chứng nhận khoảng 240 bộ hồ sơ cho doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu với sản lượng hơn 2.195 tấn thủy sản khai thác.

Mới đây, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã kiểm tra thực tế việc triển khai các giải pháp chống khai thác IUU và nhận thấy, hệ thống văn bản chỉ đạo và kế hoạch triển khai các giải pháp của UBND tỉnh Phú Yên rất đầy đủ và kịp thời.

Tuy nhiên, theo đoàn công tác, nguồn nhân lực để thực hiện các giải pháp này ở tỉnh còn thiếu và yếu. Việc quản lý tàu cá xuất bến, cập cảng còn một số thiếu sót; công tác thống kê sản lượng thủy sản tại cảng còn nhiều hạn chế; công tác xác nhận, chứng nhận hồ sơ nhằm truy suất nguồn gốc vẫn còn sai sót, không trùng khớp…

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã tiếp thu và chỉ đạo cơ quan chuyên môn sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế mà đoàn công tác nêu ra.

Nhân hội nghị liên quan về thủy sản do Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây tại Phú Yên, với sự tham gia 28 tỉnh, thành phố ven biển, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để gỡ “thẻ vàng” các địa phương phải tập trung nghiêm túc và quyết liệt thì chúng ta mới đảm bảo. Bởi thời gian qua chúng ta kiểm tra nhận thấy nhiều vấn đề chưa làm được. Nếu như dưới sự tham mưu của ngành và chỉ đạo trực tiếp UBND tỉnh có tập trung nguồn lực, trang thiết bị và kinh phí, thì chúng ta làm được. Và, đương nhiên chúng ta phải làm, không phải vì IUU mà Luật Thủy sản cũng sẽ quy định phải làm, nên phải khẩn trương và quyết tâm.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.