Ngày 12/10, Cục Trồng trọt có công văn gửi Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh, thành phố phía Bắc, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên về việc chỉ đạo khôi phục sản xuất do mưa lũ và ứng phó bão số 7, 8.
Theo đó, Cục Trồng trọt đề nghị các Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh, thành phố phía Bắc, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên khẩn trương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các công việc sau:
Chủ động thực hiện tiêu nước đệm, giải tỏa ách tắc lòng sông, các trục tiêu để đảm bảo tốt việc tiêu úng và thoát lũ, đồng thời phải chủ động vận hành ngay các trạm bơm tiêu, cống tiêu khi có mưa lớn, chuẩn bị sẵn sàng mọi phương tiện như máy bơm điện, máy bơm dầu… để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu, cây ăn quả, ưu tiên bơm thoát nước nhanh cho những diện tích có nguy cơ ngập nặng, các diện tích cây ăn quả, lúa, cây rau màu đến thời ký thu hoạch.
Đối với sản xuất lúa vụ Mùa 2020:
- Diện tích lúa đã chín cần huy động mọi lực lượng khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh ảnh hưởng thiệt hại tới năng suất, chất lượng do mưa lớn gây ra.
- Đối với những diện tích lúa đang giai đoạn chắc xanh nhưng bị đổ ngã do mưa gió, hướng dẫn dựng lúa lên, cột thành chùm để tránh hạt lúa nảy mầm trên bông, tháo cạn nước mặt ruộng để tạo thuận lợi cho việc thu hoạch lúa, đồng thời chuẩn bị ruộng gieo trồng cây vụ đông, lưu ý phòng trừ bệnh khô vằn gây hại.
Đối với sản xuất rau màu:
- Khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch; tăng cường thực hiện khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng, gieo trồng lại nếu bị thiệt hại do mưa lớn gây ra; chỉ tiến hành gieo trồng, gieo trồng lại khi thời tiết hết mưa, tạnh ráo.
- Đối với diện tích rau màu bị ảnh hưởng do mưa lũ:
- Đối với diện tích cây màu như ngô, lạc, đậu tương, khoai lang… sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo cần xới xáo phá váng, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...
- Đối với diện tích rau đậu các loại đã trồng như các loại bí, ớt, dưa chuột, hành tỏi, cà chua…sau khi nước rút 2-3 ngày cần hướng dẫn nông dân chăm sóc để phục hồi bộ rễ và hạn chế thấp nhất các bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ…bằng các biện pháp sau:
+ Vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ cây bị héo, bị gãy; dựng cây nhẹ nhàng để hạn chế đứt rễ, nếu có điều kiện thì tủ thêm đất bột vào gốc để cây ra rễ mới; riêng các loại bí để nguyên hiện trạng, hạn chế tác động vào gốc rễ của cây.
+ Do bộ rễ cây còn yếu nên cần cung cấp bổ sung dinh dưỡng bằng bón phân qua lá như các chế phẩm kích thích sinh trưởng, phân vi lượng, …theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.
+ Tưới gốc hoặc phun một số chế phẩm để phòng bệnh lở cổ rễ, bệnh héo xanh đã có trong danh mục thuốc được phép sử dụng, nồng độ và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
+ Tiến hành vun xới khi cây đã phục hồi và đất đã khô ráo; kết hợp tưới phân loãng (khoảng 300 g supelân + 300 g Ure/10 lít nước) có thể pha thêm các chế phẩm sinh học tưới vào gốc để cây nhanh phục hồi và khích thích ra rễ; nồng độ phân tăng dần theo sự phục hồi của cây.
Cây ăn quả:
- Một số biện pháp thực hiện trước mưa bão: Đối với các vườn cây ăn quả đã đến thời kỳ thu hoạch (cam, bưởi) đề nghị tập trung thu hoạch sớm, cắt tỉa để cây được thông thoáng (cành vượt, cành đan chéo nhau); cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính, nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy, đổ; chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đỗ ngã; đối với cây đang mang quả nếu đã đến thời kỳ thu hoạch cần chủ động thu sớm, tỉa bỏ bớt trái trên chùm để tránh va đập gây hư hỏng hoặc rụng trái; xẻ mương, rãnh thoát nước để tăng tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ.
- Một số biện pháp khắc phục sau mưa bão:
- Đối với vườn đang ngập úng cần tiến hành đào rãnh ngay, khơi thông dòng chảy, bơm hút nước, rút nhanh ra khỏi líp, hố và vườn cây.
- Đối với những vườn đã rút nước cần tập trung xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới; riêng cây hồ tiêu chỉ tiến hành phá váng khi đất tương đối khô để tránh lây lan bệnh chết nhanh và chất chậm, tiến hành rong tỉa cây che bóng, tránh việc để cây che bóng quá rậm rạp trong mùa mưa.
- Đối với những vườn cây đang đậu quả non hoặc quả trong giai đoạn phát triển: Phun phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn, .. để tránh hiện tượng nứt, rụng quả.
- Theo dõi thường xuyên vườn cây, đặc biệt là cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Cây bị long gốc cần dậm chặt, vun gốc, sau đó có thể tưới thuốc trừ nấm hoặc các chế phẩm sinh học đối kháng nấm hại bằng loại thuốc có trong danh mục thuốc được phép sử dụng, nồng độ và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Khi bộ rễ cây đã phục hồi, mới tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phụn phân bón lá (hạn chế sử dung phân bón hóa học) để tăng khả năng phục hồi của cây.
Đối với diện tích bị ảnh hưởng do mưa bão:
Đề nghị các tỉnh khẩn trương rà soát, tổng hợp diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ; tham mưu UBND tỉnh đề xuất Thủ tưởng Chính phủ (thông qua Bộ Nông nghiệp & PTNT) hỗ trợ hạt giống từ nguồn dự trữ quốc gia để kịp thời khôi phục sản xuất.
Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát tình hình sản xuất, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời với những ảnh hưởng xấu của thời tiết gây ra.
Cục Trồng trọt đề nghị Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh, thành phố phía Bắc, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên nghiêm túc thực hiện.