| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương ứng phó với vụ xuân ấm

Thứ Sáu 27/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, thời gian tới còn một số đợt rét, nhưng ít có khả năng rét đậm và nhiệt độ bình quân vẫn cao hơn trung bình nhiều năm.

Trước thời tiết vụ đông xuân ấm có thể làm giảm năng suất trên diện tích lúa gieo cấy sớm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và lãnh đạo Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương, bà con nông dân chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc sớm, kịp thời, điều tiết để lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc trỗ từ 5-10/5/2015.

Vụ đông xuân ấm gây lo ngại

Ngay từ đầu vụ, Cục Trồng trọt đã xác định đây là vụ đông xuân ấm. Cụ thể, vụ đông xuân năm nay nghiêng ấm rõ rệt, tổng tích ôn của 3 tháng đầu vụ (tháng 12/2014+1/2015+2/2015) ước tính nhanh đã đạt ngưỡng gần 1.700 độ C, ngưỡng nhiệt này tương đương với các vụ xuân ấm điển hình làm thiệt hại năng suất các tỉnh miền Bắc là vụ xuân 1986-1987: 1.750 độ C; vụ xuân 1997-1998 là 1.630 độ C, vụ xuân 2006-2007 là 1.652 độ C.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, thời gian tới còn một số đợt rét, nhưng ít có khả năng rét đậm và nhiệt độ bình quân vẫn cao hơn trung bình nhiều năm.

Theo báo cáo của các Sở NN-PTNT, đến nay khoảng 85% diện tích lúa vụ đông xuân 2014-2015 vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc đã được gieo cấy. Việc gieo cấy cơ bản kết thúc trước 5-10/3/2015, trừ một số diện tích tại các tỉnh miền núi vùng Đông Bắc.

Thực tế, đa số diện tích được gieo cấy trà xuân muộn, sử dụng giống ngắn ngày, gieo mạ dược xung quanh tiết Lập Xuân (4/2) hoặc làm mạ nền đất cứng, mạ khay, cấy hoặc gieo thẳng áp Tết và sau Tết Nguyên đán. Đối với những diện tích này chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm.

Tuy nhiên, có một số vùng bà con nông dân vẫn sử dụng giống dài ngày (X21, Xi23), giống trung ngày (P6), gieo mạ dược giữa tháng 12, cấy 25-30/1 trước Lập Xuân.

Thậm chí, có nơi bà con nông dân vẫn có tập quán sử dụng giống ngắn ngày, gieo mạ dược, cấy trước hoặc xung quanh tiếp Lập Xuân. Diện tích các trà này theo thống kê là không nhiều, gieo cấy chủ yếu trên các chân úng trũng, chân chạy lũ tiểu mãn, chân ruộng sản xuất vụ màu thu đông.

Ở Phú Thọ, diện tích lúa gieo cấy sớm chỉ vào khoảng 7-10% diện tích hay một số vùng của Hải Dương có tập quán gieo sớm; hoặc một số vùng buộc phải gieo cấy sớm như Nho Quan, Gia Viễn của Ninh Bình khoảng 3.000-3.500 ha, vì để tránh lụt tiểu mãn. Đây là diện tích có nguy cơ cao, cán bộ kỹ thuật cần hướng dẫn bà con chăm sóc kịp thời, phù hợp.

Gấp rút xử lý, tránh thiệt hại

Như đã nói, không phải năm nay chúng ta mới đối mặt với vụ xuân ấm. Vụ đông xuân năm 1986-1987, một diện tích rất lớn của Thái Bình bị ảnh hưởng thời tiết ấm khiến năng suất giảm mạnh (chỉ đạt 17-18 tạ/ha).

“Những năm trước đây cấy giống lúa dài ngày do làm vụ xuân sớm, xuân chính vụ nhiều, gặp thời tiết nóng ấm thì mối nguy mất mùa là lớn. Tuy nhiên, hiện nay diện tích xuân sớm, xuân chính vụ không nhiều.

Chúng tôi đề nghị các địa phương, bà con nông dân chủ động, bình tĩnh thực hiện các biện pháp chăm sóc sớm, kịp thời, đối với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc điều tiết để lúa trỗ tập trung từ 5-10/5/2015 – thời điểm trỗ khá an toàn” – ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt phân tích.

Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh, thành phố phía Bắc tập trung chỉ đạo, triển khai một số nội dung:

Tại cuộc họp giao ban tháng 2/2015, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo Cục Trồng trọt trong tháng 3 gấp rút xử lý diện tích gieo trồng lúa trong điều kiện vụ đông xuân nóng, tránh lặp lại việc giảm năng suất lúa đông xuân do bông to mà hạt lép như đã từng xảy ra ở một số năm trước đây.

Đối với diện tích lúa gieo cấy trước hoặc xung quanh tiết Lập Xuân, các địa phương khẩn trương thành lập các đoàn cán bộ kỹ thuật tiến hành kiểm tra, đánh giá mức độ sinh trưởng của lúa, phân loại các trà lúa, ruộng lúa, giống lúa có nguy cơ cao sẽ kết thúc sinh trưởng dinh dưỡng sớm, khả năng trổ bông vào tuần 2 và đầu tuần 3 tháng 4 dương lịch. Hướng dẫn nông dân tiến hành xử lý ngay bằng các biện pháp chăm sóc như sau:

Giữ nước nông trên mặt ruộng, tạo điều kiện tối đa cho lúa đẻ nhánh; Tăng lượng đạm cao hơn 10-15% so với các chân ruộng khác;

Thay vì bón tập trung “nặng đầu, nhẹ cuối” như bình thường, khuyến cáo nông dân bón rải làm 2-3 đợt nhằm làm cho lúa kéo dài thời gian sinh trưởng, đẻ nhánh, mục tiêu ăn dảnh cháu, chắt, bỏ dảnh con do phân hóa sớm, dễ gặp lạnh, bị ít hạt hoặc lép.

Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh hại trong điều kiện thời tiết ấm, nhất là bệnh đạo ôn, phòng trừ kịp thời.

Đối với diện tích lúa, trà lúa gieo vãi, gieo sạ từ 5/2 đến 15/2, với nền nhiệt hiện tại thì nông dân cần tích cực chăm sóc, bón thúc và dặm tỉa để đảm bảo mật độ, tránh để quá dày sẽ tạo điều kiện cho các ổ bệnh phát sinh, nhất là với các giống mẫn cảm, giống chất lượng như BT7, HT1.

Bón thúc ngay bằng NPK chuyên thúc theo khuyến cáo của nhà sản xuất và cán bộ khuyến nông, giữ nước láng đều mặt ruộng để lúa nở dảnh.

Trà lúa này chăm sóc và bón phân vẫn theo phương châm cân đối N-P-K và “nặng đầu, nhẹ cuối”.

Đối với nhóm giống lúa lai, lúa ngắn ngày, cảm ôn gieo mạ nền, mạ khay cấy áp Tết hoặc sau Tết Nguyên đán: Khuyến cáo nông dân khẩn trương làm đất, bón lót sâu và gieo cấy để kết thúc trước 5-10/3 (tùy giống), không cấy mạ quá tuổi (quá 3,5 lá với mạ nền cứng; 4,5 lá với mạ dược dày xúc).

Khi lúa bắt đầu đẻ nhánh bón NPK chuyên thúc cho lúa theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và nhà sản xuất. Diện tích lúa đã cấy phải duy trì mực nước trên mặt ruộng lúa từ 2-3 cm, dặm và chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm. Theo dõi chặt chẽ sâu bệnh hại để kịp thời phòng trừ.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tạm thời không xuống giống lúa do xâm nhập mặn

BẠC LIÊU Do tình hình xâm nhập mặn, UBND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) có công văn gửi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề nghị tạm thời không xuống giống lúa vụ hè thu.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.