| Hotline: 0983.970.780

Khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Thứ Sáu 28/03/2014 , 14:37 (GMT+7)

Tại Bảo tàng Phú Yên đang diễn ra cuộc triển lãm tư liệu chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam - Phú Yên 2014, sáng 28/3, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên (TP Tuy Hòa, Phú Yên) diễn ra cuộc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng pháp lý và lịch sử”.

Dồi dào bằng chứng

Đây là cuộc triển lãm tư liệu chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Theo TS Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế và xã hội Đà Nẵng, khác với 6 cuộc triển lãm tổ chức trước đó, trong  triển lãm lần này những bằng chứng lịch sử, pháp lý chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dồi dào và được sắp xếp khoa học hơn.

Ông Sơn cho biết: “Triển lãm lần này trưng bày nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm  và gần 150 bản đồ được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế. Nội dung Triển lãm giới thiệu đến đông đảo người xem gồm các nhóm tư liệu rất phong phú.


Đại Nam thực lục tiền biên do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn

Có phiên bản của các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương, thay mặt Nhà nước Việt Nam đương thời ban hành từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Đặc biệt là các châu bản triều Nguyễn (triều Gia Long đến triều Bảo Đại) ban hành liên quan trực tiếp đến các vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới triều Nguyễn  (1802 - 1945).

Hay phiên bản của các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Công hòa ở miền nam Việt Nam (1945 - 1975) tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên.

Lại có phiên bản của các văn bản hành chính của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành từ 1975 đến nay về việc khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó là các tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn và xuất bản (thế kỷ XVIII - XIX) liên quan đến chủ quyền Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; tư liệu về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối Hoàng Sa, Trường Sa từ những năm 1930 đến trận “Hải chiến Hoàng Sa” ngày 19/1/1974; 65 bản đồ chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo với Hoàng Sa, Trường Sa do Việt Nam và phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay; 4 tập bản đồ (alats) và 30 bản đồ do các nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức thông qua các thời kỳ lịch sử thể hiện Trung Quốc không hề liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…”.

Nhiều bằng chứng sống động

Theo ông Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TS sử học, Phó chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, đáng chú ý trong Triển lãm này là 4 cuốn atlats do nhà Thanh và chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản gồm Trung Quốc địa đồ (1908), Trung Quốc toàn đồ (1917); và hai cuốn Trung Hoa bưu chính dư đồ (1919 và 1933), là sản phẩm thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra (1906) và được chính phủ Trung Quốc kế tục vào các năm sau đó.

Đại Nam nhất thống toàn đồ do vua Minh Mạng cho vẽ vào năm 1838

Trong đó thể hiện chi tiết các tỉnh, đường vận chuyển thư từ, công văn từ các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trong các atlats.

Cương giới Trung Quốc trong các atlas này chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, hoàn toàn không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa.

Điều này chứng tỏ, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc”.

Cuộc triển lãm lần này còn trưng bày nhiều tư liệu lịch sử sống động khác. Đơn cử như trong Đại Nam nhất thống toàn đồ do vua Minh Mạng cho vẽ vào năm 1838 có thể hiện 2 địa danh Hoàng Sa và Vạn Lý Trường sa bằng chữ Hán.

Hoặc văn bản của làng Pleikoh ở đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận trình tấu với quan phủ về việc cử 3 chiếc thuyền đến Trường Sa - Hoàng Sa để hỗ trợ việc cắm mốc giới theo chỉ dụ, nhưng do biển động không thể ra khơi nên làng xin quan phủ dời chuyến đi qua đến tháng 10 mới thực hiện.

Trong Đại Nam thực lục tiền biên do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn theo chỉ dụ của vua Minh Mạng năm thứ 2 (1821) soạn và khắc in năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), trong trang 10 quyển 8 có ghi lại sự kiện mùa hạ, tháng tư năm 1711, Tổng binh trấn Hà Tiên là Mạc Cửu đến cửa Khuyết tạ ơn, Chúa Nguyễn Phúc Chu hậu thưởng, sai đo bãi cát Trường Sa (Trường sa hải chữ) đo ngắn dài rộng hẹp ra sao.

Một bằng chứng sống động khác khẳng định người Việt Nam đã từng sống và làm việc tại quần đảo Hoàng Sa, đó là bản khai sinh của bà Mai Kim Quy, sinh ngày 7/12/1939 tại đảo Hoàng Sa. Bà Quy là con gái của ông Mai Xuân Tộc là nhân viên khí tượng làm việc tại đảo Hoàng Sa và bà Nguyễn Thị Thắng. Bản sao khai sinh này được làm tại đảo Hoàng Sa vào ngày 28/6/1940 với 2 người làm chứng là ông Nguyễn Tăng Chuẩn (bác sĩ Đông Dương) và ông Đỗ Đức Mùi (GĐ Đài phát thanh).

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất