| Hotline: 0983.970.780

Khẳng định niềm tin vào nền nông nghiệp Việt Nam

Thứ Tư 03/02/2010 , 12:02 (GMT+7)

Phải khẳng định nông nghiệp là một lợi thế to lớn của Việt Nam, với trên 9 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có hai vùng đồng bằng phì nhiêu...

1. Phải khẳng định nông nghiệp là một lợi thế to lớn của Việt Nam, với trên 9 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có hai vùng đồng bằng phì nhiêu là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, là những vùng trồng lúa được xếp vào loại tốt nhất của thế giới; có vùng đất đồi núi bao la có thể phát triển cây công nghiệp và rừng; có bờ biển dài tới 3.200 km, cùng với diện tích mặt nước lớn khác có thể phát triển thuỷ sản. Lợi thế về tài nguyên thiên nhiên: đất nông nghiệp, đất rừng, mặt nước, cộng với hàng chục triệu nông dân vừa cần cù, vừa thông minh, lại có học vấn khá và năng động, tạo nên hai nguồn lực “trời cho” hiếm có so với nhiều nước trên thế giới.

Với lợi thế đó, Việt Nam có thể phát triển một nền nông nghiệp hàng hoá mạnh, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới, có thể làm giàu cho nông dân, làm giàu cho đất nước. Không được phép cho rằng nông nghiệp, nông thôn, nông dân là “gánh nặng” của đất nước trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, từ đó nảy sinh ý tưởng “chia sẻ”, “giúp đỡ”, “ban ơn” cho nông dân. Nông nghiệp Việt Nam có quyền và có đủ khả năng bình đẳng với công nghiệp, dịch vụ; nông dân có quyền và có đủ khả năng bình đẳng với thị dân; nông thôn có quyền và có đủ khả năng bình đẳng với thành thị.

2. Nền nông nghiệp hàng hoá Việt Nam có sức cạnh tranh cao, phát triển bền vững phải dựa vào 4 trụ cột: tập trung hoá trên cơ sở tích tụ đất đai, chuyên môn hoá, hiện đại hoá và sử dụng công nghệ xanh. Đó là tiền đề và cơ sở để nông nghiệp hàng hoá Việt Nam có sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững.

Trên thế giới, quy mô tích tụ có nhiều dạng:

Một, đồn điền tư bản cực lớn: áp dụng công nghệ hiện đại, dựa vào bóc lột lao động làm thuê, gây nên xung đột gay gắt giữa lợi ích kinh tế và xã hội. Tuy phương thức tổ chức này có thể tồn tại trong một thời kỳ lịch sử nào đó, ở một số nước nào đó, nhưng nói chung sẽ đổ vỡ, khó đứng vững lâu dài.

Hai, đồn điền lớn của các chủ đầu tư, cũng dựa chủ yếu vào lao động làm thuê, giá thành “giám sát” cao, hiệu quả kém.

Ba, nông trại hàng hoá gia đình: quy mô tương đối lớn, có thuê nhân công, nhưng chủ yếu dựa vào lao động trực canh của gia đình, chủ gia đình là chủ nông trại. Đây là hình thức tổ chức kinh doanh có hiệu quả nhất được thừa nhận của nông nghiệp hàng hoá trong thế giới đương đại. Tuỳ vào đối tượng sinh vật cây và con, mức độ “ỷ lại” vào thiên nhiên của công nghệ canh tác để tính toán quy mô phù hợp. Chẳng hạn, nếu sử dụng công nghệ được điều khiển, khống chế được ảnh hưởng của thời tiết, các tác nghiệp được kiểm soát bằng máy, thì có thể dựa vào lao động làm thuê, quy mô có thể lớn hơn.

Hiện nay, trong thực tế của nền kinh tế thị trường, Hiệp hội các ngành hàng nông sản đã ra đời, nhưng thực chất là Hiệp hội các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản. Trong hoạt động thực tế, các Hiệp hội này thiên về bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp, không quan tâm đến lợi ích của nông dân, có trường hợp đối đầu với lợi ích nông dân. Vì vậy, ngoài tổ chức Hội nông dân, Hợp tác xã nông nghiệp, cần lập thêm các Hiệp hội nông dân sản xuất nguyên liệu để giúp nhau trong sản xuất và tiêu thụ, đấu tranh bảo vệ lợi ích của những người sản xuất nguyên liệu trong quá trình phát triển hàng hoá theo cơ chế thị trường.

Bốn, kinh tế tiểu nông dựa vào ruộng đất của gia đình tiểu nông, quy mô nhỏ và siêu nhỏ, sản xuất tự cung tự cấp, dựa vào thiên nhiên, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng suất rất thấp, sức cạnh tranh kém, hiệu quả rất thấp. 

3. Bức tranh toàn cảnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, trong vài thập kỷ tới ắt có nhiều biến đổi. Cục diện sản xuất hàng hoá lớn ra đời, nông thôn hiện đại và văn minh xuất hiện từng bước, cộng đồng nông dân sẽ đạt mức sống trung lưu, nhưng vẫn còn cấu trúc nhị nguyên. Một phần nông thôn, nông dân, nông nghiệp ở vùng sâu, vùng cao, vùng xa, nơi cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số, do điều kiện tự nhiên cực kỳ khó khăn như đất dốc, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng cực kỳ lạc hậu, dân trí thấp, thói quen sống dựa vào thiên nhiên và nhiều nguyên nhân khác về lịch sử làm cho vùng này sẽ còn tồn tại khá lâu dài phương thức kinh tế tiểu nông, tự cấp tự túc, do đó cơ cấu nhị nguyên trong nông nghiệp, nông thôn nước ta còn tồn tại một thời kỳ khá dài, rất khó tiên lượng.

4. Về một số giải pháp cần quan tâm

+ Đổi mới nhận thức của nông dân:

Tư duy của nông dân, nhất là nông dân phương Đông, trong đó có nông dân Việt Nam (nhất là nông dân tiểu nông ở những vùng chưa phát triển sản xuất hàng hoá), quen sống tự cấp tự túc, việc tiếp nhận phương thức làm sản xuất nông nghiệp tập trung hoá, chuyên môn hoá, hiện đại hoá, công nghệ xanh cực kỳ khó khăn. Một bộ phận khá lớn nông dân vẫn luyến tiếc ruộng đất tổ tiên, thậm chí khi đã bỏ nghề nông tìm được việc làm khác, vẫn giữ mảnh đất tổ tiên như một phương tiện “phòng thân” khi gặp bất trắc.

Phải đổi mới tư duy của họ để tự họ thấy rằng muốn nông dân giàu lên thì phải giảm số lượng nông dân, chuyển đất cho người làm nông nghiệp giỏi để số người dôi ra làm giàu bằng nghề khác, đôi bên đều có lợi.

+ Ban hành các chính sách tích tụ đất đai thuận lợi và các chính sách mở mang các ngành nghề phi nông nghiệp. Trước mắt, bên cạnh việc mở ngành nghề dựa vào doanh nghiệp nông thôn trong nước phải đồng thời tạo mọi điều kiện để người nông dân xuất khẩu lao động ở nước ngoài để giảm bớt sức ép tức thời về việc làm.

+ Về giáo dục đào tạo:

Giúp đỡ nông dân đào tạo các loại nghề để chuyển sang nghề phi nông nghiệp. Với nông dân làm chủ nông trại, phải được đào tạo có bài bản, đảm bảo các chủ trang trại phải có chứng chỉ hành nghề về quản trị trang trại, bước đầu là trình độ bắt buộc về trung cấp, sau đó là cao đẳng, tới sau năm 2030 trở đi bắt buộc phải có trình độ đại học quản trị kinh doanh. Khuyến khích mở các loại trường riêng để đào tạo về lĩnh vực này. Ban hành các chính sách cho phép các trường này được hưởng những ưu đãi tối đa của Nhà nước.

+ Về các tổ chức của nông dân:

Đảng và Nhà nước ta giúp đỡ nông dân tự thành lập ra các tổ chức của chính mình để tự bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Dồn lực tiêm vacxin phòng bệnh dại trên chó, mèo

Trước diễn biến bệnh dại trên người có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ tiêm vacxin đạt trên 80% tổng đàn chó, mèo.

Sapoche Mexico chịu được mặn 5 - 6‰, hiệu quả gấp 3 lần giống bản địa

TIỀN GIANG Ông Trần Văn Khả (ấp Đông Hòa, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là nông dân tiên phong ở địa phương trồng giống sapoche Mexico cho hiệu quả kinh tế cao.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất