| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa có nên phát triển cây cao su?

Thứ Năm 04/07/2013 , 09:41 (GMT+7)

Trước việc chuyển đổi ồ ạt từ trồng mía sang trồng cao su cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc và có phương án, quy hoạch cụ thể tránh những rủi ro.

Mặc dù chưa có quy hoạch trồng cây cao su, thế nhưng diện tích cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày càng gia tăng. Nói về hiệu quả kinh tế, cho đến thời điểm này nhiều người dân vẫn khẳng định cây cao su sẽ mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, trước việc chuyển đổi ồ ạt từ trồng mía sang trồng cao su cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc và có phương án, quy hoạch cụ thể tránh những rủi ro. 

Phát triển tự phát

Năm 2007, diện tích trồng cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chỉ vài chục ha thì nay đã tăng đến gần 350 ha. Biết đến đâu làm đến đấy, người này bày cho người kia, còn kết quả như thế nào chưa ai hay. Thế nhưng nhiều hộ gia đình vẫn tiếp tục mở rộng thêm diện tích.

ĐẶT CƯỢC VÀO CÂY CAO SU

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, cây cao su hiện chưa được đưa vào qui hoạch của tỉnh, mà người dân trồng tự phát. Hầu hết diện tích cao su tập trung chủ yếu ở thị xã Ninh Hòa, các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh… Mặc dù tỉnh không khuyến khích trồng nhưng không ít người dân ngày càng đầu tư mở rộng, còn chính quyền địa phương thì không thể ngăn cản.

Một trong những vùng trồng cao su nhiều nhất tỉnh là thị xã Ninh Hòa với diện tích lên đến 332 ha. Trong đó phần lớn diện tích cao su là của 1 doanh nghiệp (DN) từ TP Hồ Chí Minh về đây mua đất để trồng. Hiện DN này đã trồng hơn 300 ha, cây hơn 2 năm tuổi; diện tích còn lại của người dân.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, DN đã mua gần 500ha đất tại xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa. Họ gom đất của nhiều hộ dân lại thành những vùng rộng lớn. Trước khi trồng cao su, DN đã tiến hành khảo sát, tính toán rất kỹ càng về nguồn giống, khí hậu và tầng đất nơi trồng.

Có mặt tại một số vùng trồng cao su của DN, chúng tôi chứng kiến diện tích cao su hơn 2 năm tuổi sinh trưởng và phát triển tốt. Và, nhiều diện tích trồng mới trên đất mía trước đây được DN tiếp tục đầu tư mở rộng.


Người dân đang biến đất trồng mía sang trồng cao su

Một người quản lí của DN phụ trách trông coi nhân công trồng cao su tiết lộ: Hiện DN đã lên kế hoạch phấn đấu đến năm 2015 trồng được 500 ha. Kèm theo đó đã quy hoạch xây dựng nhà máy chế biến mủ thô trước khi vận chuyển vào miền Nam với diện tích trên 12 ha.

Điều đáng nói tại thị xã Ninh Hòa từ trước đến nay người dân chưa có tiền lệ trồng cao su, tuy nhiên khi thấy DN này trồng thì không ít người dân cũng mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng mía sang cao su.

Ông Nguyễn Văn Hùng, một người trồng cao su ở xã Ninh Tân cho biết, trong những năm qua gia đình ông chuyên canh trồng mía nhưng có nhiều vụ ăn “quả đắng”, đất trồng mía ngày càng bạc màu cho nên năng suất không cao, phần nữa giá bấp bênh. Cách đây 2 năm khi thấy có người trồng cao su ông cũng chuyển đổi 2 ha đất trồng mía sang trồng cao su, bình quân 1 ha trồng 400-500 cây, giá giống 5.000 đồng/cây.


Những vườn cao su tại xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh được khai thác

“Giống cao su nhà tôi trồng được lấy tại một nông trường ở tỉnh Đắk Lắk. Trong tương lai, nông trường này sẽ bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch. Tôi tin chắc là ba năm nữa, vườn cao su nhà tôi sẽ cho mủ”, ông Hùng tự tin.

Tương tự, tại các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh người dân cũng tự học hỏi kinh nghiệm trồng cao su từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai… sau đó tự mình chuyển đổi. Cụ thể, tại huyện Khánh Vĩnh cho đến nay dân đã trồng được hơn 16 ha, tập trung tại xã Khánh Đông.

Ông Phạm Công Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Đông cho biết: Phần lớn diện tích cao su trồng tại địa phương chủ yếu là của một số người từ TP Nha Trang lên đây gom đất trồng. Từ đấy có một số hộ dân bắt chước làm theo, mặc dù chưa biết hiệu quả thế nào nhưng người dân đang có xu hướng mở rộng.

Chính quyền địa phương cũng đã khuyến cáo người dân phải thận trọng không nên trồng hết diện tích trồng mía mà nên để một phần để lấy ngắn nuôi dài, bởi cao su là cây lâu năm mới cho thu hoạch, lỡ kết quả không tốt thì cũng có chút vốn.

TÍN HIỆU MỪNG

Bà Nguyễn Thị Như Xuân, thôn Xuân Tây, xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh, một trong những hộ tiên phong trồng cao su đã cho khai thác mủ từ năm ngoái.


Sau hơn 5, vườn cao su của bà Nguyễn Thị Như Xuân, thôn Xuân Tây, xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh đã cho thu hoạch

Gặp chúng tôi, bà Xuân kể: Năm 2007 được sự gợi ý của người con rể đã có nhiều năm trồng cây cao su ở tỉnh Tây Ninh, bà Xuân liền chuyển 3,5 ha mía trồng hơn 2.000 cây cao su, giống được đưa từ Tây Ninh ra. Theo thỏa thuận, bà Xuân chỉ góp đất còn người con rể bỏ tiền đầu tư mua giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng.

Theo đánh giá của bà Xuân, cây cao su trồng ở đây phát triển không thua kém gì ở Tây Ninh, tỷ lệ cây chết không cao. Vườn cao su của bà trước đây bị nhiễm bệnh rụng lá, sau đó thân bị khô héo chết chỉ gần 200 cây.

“Khi cây bị chết tôi liền thuê kỹ sư từ Tây Ninh ra xem, sau đó họ hướng dẫn mua thuốc và điều trị khỏi. Cũng từ đó, tôi có chút kinh nghiệm và mỗi khi thấy cây nào có biểu hiện thì xử lí ngay”, bà Xuân chia sẻ.

Sau hơn 5 năm trồng, tháng 4/2012, vườn sao su nhà bà Xuân bắt đầu tiến hành mở miệng cây, sau khi đem mẫu vào Đồng Nai kiểm tra thì kết quả cho thấy chất lượng mủ không thua kém đối với cao su ở Đông Nam bộ.

Đầu tháng 8 gia đình bà tiến hành khai thác toàn bộ diện tích. Số mủ này được bà Xuân cho đông rồi chờ đủ chuyến xe đưa vào Đồng Nai bán (ở Khánh Hòa chưa có nhà máy chế biến). Với từng ấy diện tích, trung bình mỗi tháng bà thu được khoảng 30 triệu đồng.

Thấy được hiệu quả, năm ngoái bà Xuân tiếp tục chuyển đổi 2 ha trồng mía sang trồng cao su. Hiện cây sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp. “3 năm nữa vườn cao su nhà tôi bắt đầu cho thu hoạch, mỗi tháng thu hàng chục triệu đồng. Như vậy nếu so với trồng mía thì trồng cao su lãi gấp nhiều lần”, bà Xuân khẳng định.

Xem thêm
Giá ca cao thế giới lập kỷ lục mới, tăng hơn 3 lần năm trước

Giá ca cao đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày 26/3, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế ở Tây Phi, nơi chiếm khoảng 70% sản lượng toàn cầu.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

English Champion 2024 - Be Global, Tìm kiếm Nhà Vô Địch toàn quốc

Ngày 28/03/2024, English Champion - cuộc thi tiếng Anh học thuật do iSMART Education tổ chức với chủ đề 'Be Global' hứa hẹn mang đến những trải nghiệm bùng nổ.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất