| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa: Mùa mía ngọt

Thứ Tư 16/03/2011 , 10:30 (GMT+7)

Trong khi người trồng mía tại Gia Lai đang khóc dở mếu dở thì người trồng mía tại Khánh Hoà lại rất phấn khởi vì mía vừa được giá được mùa.

Trong khi người trồng mía tại Gia Lai đang khóc dở mếu dở vì các Nhà máy đường thu mua mía chậm khiến cho mía bị chết khô ảnh hưởng đến năng suất và chữ đường thì người trồng mía tại Khánh Hoà lại rất phấn khởi vì mía vừa được giá được mùa.

Chúng tôi về thị xã Ninh Hoà, vùng trọng điểm mía của tỉnh Khánh Hoà những ngày này đang trong cao điểm thu hoạch mía. Dọc quốc lộ 26 từng đoàn xe tải nối đuôi nhau hối hả chở mía về các nhà máy đường. Trên khắp cánh đồng, người dân đang khẩn trương thu hoạch mía, nét mặt hân hoan, tiếng cười nói râm ran xua đi cái nóng bức đầu mùa khô.

 Gặp chúng tôi, bác Nguyễn Văn Sinh, thôn Tân Lập, xã Ninh Sim hồ hởi cho biết: Năm qua thời tiết mưa đều khắp vụ giúp cho cây mía phát triển tốt không bị ngắt quãng nên niên vụ này năng suất mía cao lắm chú ạ, đến nay tôi đã thu hoạch được 4ha mía đạt sản lượng trên 220 tấn mía, không những được năng suất mà giá mía năm nay cũng cao hơn mọi năm nên người trồng mía chúng tôi đã thực sự cảm nhận được vị ngọt của mía.

Đã bước sang tuổi 69 và cây mía đã gắn bó với bác Nguyễn Văn Sinh 30 năm qua, nhưng chưa năm nào cây mía lại cho nhiều vị ngọt như năm nay. Nhà bác Sinh trồng được 8 ha mía, mọi năm năng suất chỉ khoảng 40 tấn/ha, riêng niên vụ mía trước nắng hạn kéo dài khiến năng suất mía rất thấp chỉ đạt 31 tấn/ha, do vậy dù giá mía bán được 1 triệu đồng/tấn nhưng lãi cũng không nhiều, còn năm nay năng suất mía đạt 55 tấn/ha, sản lượng mía ước đạt khoảng 450 tấn.

Đến thời điểm này bác Sinh đã thu hoạch được một nửa, với giá bán 1,12 triệu đồng/tấn thu về gần 250 triệu đồng. Năng suất và giá mía cao đã giúp bác Sinh lãi lớn, với 8ha mía, tổng chi phí hết khoảng 150 triệu đồng, trong đó nhà máy đường đầu tư cho bác 80 triệu đồng không tính lãi. Bác Sinh khẳng định: Nếu thu hoạch hết diện tích mía còn lại với giá như hiện nay thì chắc chắn tôi lãi ròng 300 triệu đồng. Được nếm hương vị ngọt ngào của cây mía, bác Sinh đã thuê thêm 5ha đất nữa để trồng mía trong vụ tới, nâng diện tích trồng mía lên 13ha. Bác Sinh phấn khởi: Vốn đầu tư giờ không phải lo, nếu có nhu cầu vốn sẽ được nhà máy đáp ứng toàn bộ.

Gần đó, anh Nguyễn Văn Khoa, thôn Nam Sơn, xã Ninh Sim cùng gần chục lao động đang khẩn trương thu hoạch ruộng mía tốt ngồn ngộn, thấy chúng tôi anh Khoa ngừng tay kể: Nhà tôi có 5 ha mía, đến nay đã thu được 2ha, đạt sản lượng 120 tấn, năng suất cao hơn năm trước khoảng 15 tấn/ha. Tuy nhiên những đám mía sau chắc chắn năng suất sẽ cao hơn bởi mấy đám ruộng ấy là mía tơ. Anh Khoa cho biết, vụ mía này thu được trên 300 tấn mía. Tính toán một chặp, anh Khoa đưa ra những con số: Toàn bộ tiền đầu tư 5ha mía hết 90 triệu được nhà máy lo, anh chỉ phải bỏ công chăm sóc và tiền thuê lao động thu hoạch, tiền bốc vác mía từ trong ruộng ra đầu bờ, chất lên xe hết 100.000 đồng/tấn. Như vậy vụ mía này chắc ăn anh lãi 200 triệu đồng.

Anh Nguyễn Địch, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sim cho biết: Toàn xã có 1.650ha mía, đến nay diện tích mía đã thu hoạch được trên 50%. Những năm trước đây năng suất mía trung bình toàn xã chỉ đạt 40 – 45 tấn/ha. Tuy nhiên năm nay nhờ Cty đường đầu tư các giống mía mới có năng suất cao, thời tiết thuận lợi, phân bón đầy đủ do vậy năng suất mía của bà con nông dân đạt khoảng 60 tấn/ha. Theo anh Địch, đầu tư cho mỗi ha mía hết khoảng 20 triệu đồng, còn công chăm sóc thì người nông dân tự bỏ ra, với giá mía hiện nay mỗi ha mía người dân có lãi 40 - 45 triệu đồng.

Hoà chung niềm vui mía được mùa được giá, vụ mía này gia đình bác Lê Công Xây, thôn Xóm Mới, xã Ninh Tây trồng 5ha, trong đó có 3ha là mía tơ nhờ đầu tư bài bản, thời tiết thuận lợi nên năng suất mía rất cao. Hiện mới thu 1ha mía nhưng bác Xây đã thu được 70 tấn, cao gần gấp đôi vụ mía trước. Dự kiến 5ha mía thu hoạch hết bác Xây thu được 350 tấn mía, với giá mía hiện nay trừ mọi chi phí bác còn lãi trên 250 triệu đồng.

Khánh Hoà là một trong những tỉnh có diện tích mía lớn nhất các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên với 17.350ha để cung cấp nguyên liệu cho 2 nhà máy đường Cam Ranh và nhà máy đường Ninh Hoà. Mặc dù có vùng nguyên liệu lớn nhưng địa phương này chưa xảy ra tình trạng mía bị khô mà không thu hoạch được.

Bác Xây cho biết: Bây giờ trồng mía sướng thật, được nhà máy đầu tư vốn, kỹ thuật, khi thu hoạch mình lên Cty đăng ký lấy phiếu báo chặt mía là mấy ngày sau được thu hoạch ngay. Tôi làm mía đã hơn 10 năm nay nhưng chưa bao giờ có tình trạng mía chết khô mà không được thu hoạch. Vì an tâm với đầu ra, vụ mía tới bác Xây đã quyết định bỏ 2ha đất trồng sắn chuyển sang trồng mía.

Ông Trầm Kim Dũng, Phó Giám đốc Cty CP Đường Ninh Hoà cho biết: Trước tình hình vùng nguyên liệu được mở rộng lên 6.800ha, tăng 1.000ha so với vụ trước, chúng tôi đã mở rộng công suất nhà máy từ 2.400 tấn mía ngày vụ trước lên 3.000 tấn mía ngày trong niên vụ này nhằm rút ngắn thời vụ thu hoạch mía cho người nông dân xuống dưới 100 ngày. Việc rút ngắn thời gian thu hoạch mía vừa đảm bảo năng suất, chữ đường trong mía của người nông dân không bị ảnh hưởng vừa đảm bảo cho vụ mía sau phát triển tốt.

Để mía thu hoạch tới đâu được vận chuyển ngay về nhà máy tới đó, Cty đã hợp đồng 200 xe tải để vận chuyển mía đồng thời mở rộng bãi tập kết mía tại nhà máy không để người nông dân ăn đợi nằm chờ cân mía. Theo ông Dũng, nếu như niên vụ mía trước năng suất vùng nguyên liệu của Cty chỉ đạt 41 tấn/ha, thì năm nay năng suất ước đạt 50 – 55tấn/ha, bên cạnh yếu tố thời tiết thuận lợi, niên vụ mía này Cty đã đầu tư cho người nông dân gần 92 tỷ đồng để phát triển vùng nguyên liệu mà không tính lãi.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm