| Hotline: 0983.970.780

"Khảo sát nhu cầu đúng mới dạy trúng"

Thứ Tư 28/07/2010 , 09:44 (GMT+7)

Nhu cầu đào tạo nghề cho nông dân ĐBSCL đang được đặt ra khá bức thiết. NNVN có cuộc trao đổi với ThS Lê Thái Dương...

ThS Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ

Nhu cầu đào tạo nghề cho nông dân ĐBSCL đang được đặt ra khá bức thiết. NNVN có cuộc trao đổi với ThS Lê Thái Dương - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ -xoay quanh vấn đề này.

 ĐBSCL có khoảng 80% người lao động chưa qua đào tạo, một con số khá lớn. Giữa "biển cả" mênh mông như thế thì việc đào tạo nghề cho LĐNT khu vực này nên bắt đầu từ đâu?

Muốn đào tạo trúng nhu cầu của nông dân thì khâu điều tra để biết nhu cầu học nghề là rất quan trọng. Trong kế hoạch đào tạo nghề, địa phương cần xem ngành nào là mũi nhọn cần phát huy thế mạnh, chẳng hạn như nuôi tôm, trồng lúa, trồng màu...thì tập trung đào tạo những nghề đó trước. Đào tạo xong về ứng dụng xem nâng cao năng suất, chất lượng được bao nhiêu. Bên cạnh đó, cần phải có đội ngũ chuyên viên tư vấn cho học viên là ngành nghề nào trong tương lai cần nhiều để định hướng nông dân theo học.

Như vậy theo ông, vai trò khởi đầu của địa phương là yếu tố cần và đủ?

Thông thường sự chủ quan của địa phương khi đăng ký học viên đi học nghề dễ dẫn tới đào tạo không đúng đối tượng. Có một số nghề đòi hỏi nhu cầu xã hội cao. Ví dụ một xã mở lớp sửa xe máy cho 30 học viên, khi cấp chứng chỉ xong về lý phải mở được 30 tiệm sửa xe gắn máy. Nhưng chuyện đó không đơn giản, bởi xe máy đâu mà sửa nhiều thế. Nếu vấn đề đào tạo nghề chưa có sự đột phá thì người dân sẽ không theo học, thay vì người dân theo học để nhận được số tiền bồi dưỡng chứ không phải học để theo nghề đến cùng.

Đào tạo nghề phù hợp với khu vực ĐBSCL phải kết hợp với địa phương mới bật ra nhu cầu thật sự của người dân, không nên chạy theo số lượng mà cần chất lượng.

Danh mục đào tạo nghề ngắn hạn của Bộ NN-PTNT với thời gian từ 4- 16 tuần/khoá học, vậy khả năng đào tạo của trường ông hiện nay như thế nào?

Bộ NN-PTNT đưa ra danh mục đào tạo 170 ngành nghề cho LĐNT. Tuy nhiên theo tôi không nên lấy khung đào tạo chung của Bộ mà áp ra toàn quốc sẽ khó phù hợp với từng địa phương. Thời gian đào tạo nghề cho LĐNT mà Bộ đưa ra từ 1 đến dưới 3 tháng cho các nghề nông nghiệp, còn Bộ LĐTB-XH đưa ra khung thời gian từ 3- 6 tháng với các ngành nghề khác. Đào tạo nghề thường xuyên từ 1 tháng đến dưới 3 tháng thì cấp chứng chỉ, còn từ 3 tháng trở lên cấp bằng sơ cấp nghề.

Có một số nghề nông nghiệp do tính thời vụ và sở thích của nông dân. Thông thường đào tạo nghề cho nông dân 2 tuần là vừa sức, nếu chưa mãn khóa học viên có thể về nhà tự ứng dụng mô hình và được thầy giáo xuống tận nơi kiểm tra kết quả, khi nào thành công mới ngưng. Hiện tại trường có thể đào tạo 20 nghề, nhờ đội ngũ giáo viên có tay nghề giỏi, được trang bị dụng cụ giảng dạy khá hoàn chỉnh nên mỗi năm nhà trường đào tạo nghề hơn 1.000 học viên được cấp chứng chỉ.

Sau khi học viên đã được đào tạo, trường có điều tra khảo sát về nhu cầu tìm việc và ứng dụng vào thực tế SX?

Do nguồn kinh phí giới hạn nên trường chưa thực hiện được một cuộc điều tra tổng thể khi học viên ra trường đi làm, mà chỉ điều tra đầu vào và đầu ra của khóa đào tạo nông dân có thực sự thích ứng với nghề học không. Thông thường, đào tạo ngành nghề chuyên nghiệp thì mới có khả năng tìm được đầu ra, còn mở lớp dạy nghề ngắn hạn cho nông dân làm nông nghiệp thì khó đấy. Để đánh giá học viên đào tạo xong không nên chỉ đánh giá từng cá nhân mà nên đánh giá tổng quan của huyện hay tỉnh.

 Thuận lợi và khó khăn hiện nay của nhà trường trong việc đào tạo nghề cho con em nông dân ĐBSCL?

Thuận lợi là trường có trên 10 năm kinh nghiệm đào tạo nghề cho nông thôn ĐBSCL, có đội ngũ giảng viên đầy kinh nghiệm, uy tín. Khó khăn lớn nhất là khó tiếp cận nông dân xem họ thực sự cần nghề gì để dạy. Ngoài ra, để thu hút được học viên đến học các khóa chính qui từ 2 năm trở lên trường vẫn chưa nhận được chính sách miễn giảm học phí.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất