| Hotline: 0983.970.780

Khát bên triền sông

Thứ Hai 20/02/2012 , 10:24 (GMT+7)

Nằm dọc sông Hương, thế nhưng 4 thôn gồm: Nguyệt Biều, Tân Ba, Võ Xá, Vỹ Dạ (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, TT- Huế), mấy chục năm nay thiếu nước ngọt để dùng.

Nằm dọc sông Hương, thế nhưng 4 thôn gồm: Nguyệt Biều, Tân Ba, Võ Xá, Vỹ Dạ (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, TT- Huế), mấy chục năm nay thiếu nước ngọt để dùng.

500 người/1 giếng

Nói hơn 500 nhân khẩu chỉ được một cái giếng, chuyện khó tin nhưng có thật ở làng Tân Ba, ngôi làng nằm sát bên dòng sông Hương. Chạy dọc theo con đường liên thôn hướng lên phía đồi cao, làng Tân Ba là miền đất cuối cùng, “vùng sâu” của xã Thủy Bằng.  

Bà Võ Thị Hòa bên giếng nước duy nhất của làng Tân Ba

Bước vào thôn, điều dễ nhận thấy là từ sáng sớm, bà con đã oằn lưng với những quang gánh đổ về cuối thôn - nơi có duy nhất giếng nước cho cả làng. Hộ dân nào đến chậm, giếng nước cạn xem như ngày đó chịu khát hoặc phải uống nước sông.

Sau bao tiền của, công sức bỏ ra để thuê người đào, khoan giếng nhưng không có lấy một giọt nước ngọt nào, người dân làng Tân Ba đành mua máy bơm về, bơm nước sông lên để sử dụng. Mãi đến năm 2003, một nhà sư phát hiện được mạch nước ngầm - mà theo ông Lê Lê Nhơn - trưởng thôn Tân Ba, có lẽ nó là mạch nước ngầm duy nhất, đã đầu tư cho làng xây một cái giếng.

Giếng nước ngọt duy nhất này cũng chỉ sử dụng được vài tháng, bởi vào mùa hạn thì giếng trơ đáy, vào mùa mưa thì không uống được vì nước đục. Nhanh tay múc nước từ giếng nước ngọt, bà Võ Thị Hòa (xóm 2, thôn Tân Ba) cho biết, trước đây thôn Tân Ba có cả thảy được 6 giếng nước ngọt, nhưng theo từng năm, giếng nước cứ cạn dần nên đành bỏ hoang từ trước đến nay.

Bà con ở đây đã đào giếng, mỗi gia đình có đến 3 cái, đào cái này không có nước thì thuê người đào tiếp cái kia. Giếng đào không có nước thì xoay sang giếng khoan, khoan 20-25m thì chịu vì gặp đá cứng, tắc mạch nước. Nguồn nước uống thì lấy từ giếng, còn nước sinh hoạt thì bơm từ sông lên sử dụng.

Theo người dân phản ánh, trước đây, vào mùa mưa nước sông Hương mới đục, thế nhưng thời gian gần đây do công trình Tả Trạch chặn dòng làm nguồn nước bị khuấy động, mang nhiều bùn đất. Chị Trần Thị Cẩm Vân (xóm 1, làng Tân Ba) than thở: “Nghe nói Nhà nước làm hồ đập gì đó không biết mà cả năm ni nước sông Hương rất đục, bơm lên để lắng lọc, chỉ tắm rửa thôi chứ không dám uống. Nước này tắm rửa rất ngứa, giặt áo quần lại nhanh hỏng".

Để cứu mình, nhiều hộ dân đã xây bể lắng lọc, tuy nhiên cũng không hiệu quả vì nước sông quá ô nhiễm, không sử dụng được.

Không chỉ ở làng Tân Ba mà 180 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu ở các thôn nằm dọc thượng nguồn sông Hương như: Nguyệt Biều, Võ Xá, Vỹ Dạ cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Việc thiếu nước ngọt, phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm trong thời gian dài đã đẩy hàng nghìn hộ dân đối diện với nguy cơ bệnh tật.

Còn khát dài dài

Với người dân làng Tân Ba cũng như nhiều vùng đất khác ở Hương Thủy, họ là những hộ tiên phong đến vùng đất mới lập nghiệp sau ngày giải phóng. Bởi vậy, vấn đề nước sạch, điều kiện đi lại cần được chính quyền cấp trên ưu tiên, chú trọng đầu tư.

Ông Lê Lê Nhơn, trưởng thôn Tân Ba, trăn trở: “Là thôn nằm cuối cùng của xã Thủy Bằng nên các điều kiện đi lại, nước sạch, từ xưa đến nay là niềm mong mỏi của nhiều người dân. Nước sạch thì bà con mong lắm, họ cũng đã đổ cả đống tiền ra đào giếng, khoan giếng, mua máy bơm, đầu tư hệ thống ống rồi, nhưng khát thì vẫn cứ khát. Điều lo lắng nhất là cứ sử dụng mãi nguồn nước bẩn như thế này, không bị bệnh mới là chuyện lạ".

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề nước sạch, ông Nguyễn Thái, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng, tỏ ra ngán ngẩm: "Biết người dân thiếu nước đó, nhiều năm nay xã cũng đã làm hàng chục tờ trình gửi các cấp, Cty cấp thoát nước, phía UBND thị xã Hương Thủy cũng đã cho người về khảo sát nhưng xem ra còn phải đợi dài dài do địa hình của các thôn, nhất là thôn Tân Ba bị chia cắt, nằm xa trung tâm. Trong khi đó, để đầu tư được hệ thống đường ống nước sạch về các thôn thì kinh phí vượt quá khả năng của xã nghèo".

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất