| Hotline: 0983.970.780

"Khát" cao su giống

Thứ Năm 05/08/2010 , 07:00 (GMT+7)

Trong khi giống cao su đang khan hiếm thì diện tích cao su tiểu điền cứ thế mà tăng, còn tăng bao nhiêu thì đến nay chưa ai thống kê được.

Trong khi giống cao su đang khan hiếm thì diện tích cao su tiểu điền cứ thế mà tăng, còn tăng bao nhiêu thì đến nay chưa ai thống kê được.

 DIỆN TÍCH TĂNG CHÓNG MẶT

Vườn cao su giống.
Theo thống kê, Bình Phước có cả thảy 165 ngàn ha cây điều, nhưng đó cũng chỉ là con số trên giấy vì hiện ngành nông nghiệp chưa thống kê được chính xác vì diện tích điều bị đốn hạ nhường chỗ cho cao su năm nay là bao nhiêu- 10, 20 hay 30.000 ha? Trên QL14 từ Đồng Xoài lên Bù Đăng và đặc biệt ven đường ĐT741, đoạn đi qua các xã Phú Riềng, Bù Nho, Long Tân, Sơn Giang của huyện Bù Gia Mập, rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh gỗ điều chất đống cao ngồn ngộn dọc ven đường, cho thấy cây điều đang nhường “sân” cho cây cao su. Nhiều người đã dự báo đến một ngày không xa cây điều sẽ biến mất khỏi Bình Phước.

Ngay tại huyện Lộc Ninh, một “vương quốc” của hồ tiêu, khi tiêu chết thì đều được nông dân nhanh chóng xuống giống cao su thay thế. Anh Đinh Huyên, PCT Hội Nông dân xã Lộc Điền nói, năm nay xã có 700 ha cao su tiểu điền đưa vào khai thác và diện tích này được dự báo sẽ tăng như vũ bão trong những năm tới. Trước đây, nông dân trồng cao su tính toán phải có ít nhất 3 ha để khi thu hoạch cạo chế độ D3 (1 ngày cạo, hai ngày nghỉ) có đủ diện tích mà “xoay vòng”. Nhưng nay 1 sào trở lên cũng đem trồng cao su tuốt luốt. Là cây tiểu điền nhưng nhiều gia đình tận dụng đất trồng cao su trong cả bờ rào, đất thừa như trồng rau đậu vậy.

Theo tính toán, với giá mủ cao như mấy năm qua chỉ cần trồng 5 sào cao su, cộng thêm nguồn thu từ chăn nuôi gia đình thì một hộ nông dân đủ để thoát nghèo...đến cuối đời. Nếu so sánh hiệu quả kinh tế, cao su không phụ thuộc quá lớn vào thời tiết “trời cho thì ăn” như cây điều và cũng không quá khó để trồng, chăm sóc kiểu “con mọn” như cây tiêu. Mức giá bình quân 45 triệu đồng/tấn mủ quy khô bán tận vườn, mỗi ha cao su từ 7- 12 năm tuổi có thể thu về 100 triệu đồng/năm. Với diện tích nhỏ, nông dân bỏ công làm lời sẽ thu về trọn gói. Thế nên, hiện tượng “nhà nhà trồng cao su”, các dự án cũng đua nhau trồng cao su âu là lẽ thường tình.

GIỐNG CHẠY THEO “BỞ HƠI”

Điều đáng nói, phần lớn các dự án trồng cao su đều chưa có vườn ươm nên cạnh tranh gay gắt với nông dân đẩy nhu cầu cây giống tăng vọt. Ở Cty Cao su Lộc Ninh, năm nay các vườn ươm cũng chỉ đáp ứng đủ cho tái canh, trồng mới chứ không có giống bán ra ngoài, còn Viện Nghiên cứu cao su SX 1 triệu cây giống mà vẫn thiếu do phải chuyển ra trồng mới ngoài vùng Tây Bắc. Đầu mùa mưa các cơ sở SX giống ở Bình Phước đều bán 6.000 đồng/bầu cắt ngọn 1- 2 tầng lá; tum trần 2- 2.500 đồng/tum (nhà SX đã có lãi 1.000 đồng/cây giống), nếu so năm 2009 thì giá cao gấp đôi. Còn lúc này, hết tháng 8 là chấm dứt vụ trồng nên giá giống cao su bị đẩy cao ngất ngưởng với tum trần 4.500-5.000 đồng/tum; bầu cắt ngọn 1-2 tầng lá 16-18.000 đồng/bầu và 4-5 tầng lá lên tới 22-24.000 đồng/bầu.

Tuy thế, vườn ươm các cơ sở giống lớn đều...nhẵn như chùi, trong khi người đi mua giống kéo đến hỏi thăm nườm nượp. Anh Nguyễn Quốc Bảo, PCT Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cho NNVN biết, chưa có năm nào giá giống cao su tăng cao đỉnh điểm nhưng lại khan hiếm như năm nay. Nhiều hộ nông dân ở Lộc Ninh có 2- 3 sào trồng tiêu đã chết, đất đã sẵn sàng trồng mới cao su nhưng cũng quay quắt do không mua được giống. “Nhu cầu quá lớn mà các cơ sở SX cạn nguồn, đây cũng là cơ hội để các hộ SX giống nhỏ lẻ, chụp giựt tha hồ “bớt xén” quy trình SX giống để tăng giá nhưng chất lượng lại không đảm bảo”- ông Bảo khẳng định.

“Muốn có giống cao su để bán thì người làm giống phải chuẩn bị trước cả năm nên nhu cầu thị trường rất khó dự đoán. Không ai dại gì chuẩn bị vườn ươm rồi ngồi chờ, thành ra vừa chạy vừa xếp hàng. Trong khi các cơ sở đăng ký SX cây giống phải đóng thuế môn bài, bán có hóa đơn chịu thuế VAT, bảo đảm vườn ươm để khẳng định nguồn gốc giống thì các hộ SX nhỏ lẻ gần như “tay không bắt giặc”- mà số này không ít. Họ SX giống không được kiểm định, trên một diện tích có thể xen lẫn nhiều loại giống, nhưng khi bán thì có trường hợp nói là của Viện để gạt khách hàng”- một cán bộ Viện Nghiên cứu cao su VN nói.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.