| Hotline: 0983.970.780

Khát nhân công hái cà phê

Thứ Ba 30/10/2012 , 11:00 (GMT+7)

Tây Nguyên đang bước vào chính vụ thu hái cà phê, giá nhân công đã tăng từ 10 - 15% so với niên vụ trước, song vẫn bí người.

Tây Nguyên đang bước vào chính vụ thu hái cà phê, giá nhân công đã tăng từ 10 - 15% so với niên vụ trước, song vẫn bí người.

Một số người dân ở huyện Krông Năng (Đắk Lắk) cho biết, để thu hái cà phê chính vụ, thì mỗi héc ta phải tốn từ 60 - 70 ngày công, vì vậy, mỗi hộ dân phải thuê thêm từ 4 - 5 lao động/ngày để thu hái cho kịp thời vụ và tránh mất trộm.

Ông Trịnh Văn Tình ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) cho biết: “Thời điểm này mọi năm, gia đình tôi đã thuê được 7 nhân công, đủ để thu hái 2 ha cà phê, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được ai. Đây là tình trạng chung của cả xã”. Trước tình trạng "cung không đủ cầu", nhân công thu hái cà phê thuê thường “làm mình, làm mẩy” với chủ vườn, nếu chủ vườn khắt khe về giờ giấc, tiền công, họ sẵn sàng bỏ đi làm cho chủ khác.

Chị Triệu Thị Hành ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) than: “Năm ngoái, gia đình tôi thuê nhân công thu hái cà phê khoảng 100.000 - 120.000 đồng/người/ngày, nay tăng lên 150.000 đồng/người/ngày mà chỉ tìm được 2 người từ Nghệ An vào, phải nuôi ăn ngày ba bữa, họ mới làm”. Nhân công khan hiếm, giá thuê cao như vậy, thu nhập của người trồng cà phê bị ảnh hưởng ít nhiều do giá cà phê nhân trên thị trường đang trên đà tụt dốc.

Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cà phê đứng thứ 2 sau Đắk Lắk với khoảng 130.000 ha. Theo kinh nghiệm của nông dân, bình quân mỗi ha cà phê ít nhất phải cần đến 2 - 3 lao động thu hái. Như vậy, đến thời vụ lại thiếu lao động trầm trọng. Huyện Di Linh có hơn 40.000 ha cà phê. Cứ đến mùa thu hái, ngoài số lao động tại địa phương, Di Linh có trên 30.000 lao động từ các nơi về đây làm thuê. Nếu không có lực lượng lao động này thì chắc chắn không ít diện tích cà phê sẽ bị rụng quả, vì không thể nào thu hái kịp.

Tại tỉnh Đắk Nông, nhiều nông dân cho biết mọi năm vào mùa vụ, tình trạng khan hiếm lao động vẫn diễn ra nhưng năm nay "sốt" nhất. Niên vụ 2012 - 2013, toàn tỉnh có gần 80.000 ha cà phê, với sản lượng ước đạt trên 120.000 tấn, sẽ tập trung thu hoạch chỉ trong vòng 1 - 2 tháng. Vì vậy, lượng nhân công cần thiết lên đến hàng nghìn người.

Cùng thời điểm này năm ngoái, giá thuê nhân công đã bao ăn chỉ từ 100.000 - 120.000 đồng, nhưng năm nay đã lên 150.000 -160.000 đồng, thậm chí ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, người dân phải trả 180.000 đồng/người/ngày. Nhiều vườn cà phê đã chín rộ nhưng không ít nhà vườn vẫn chưa tìm được nhân công. Chủ vườn hết sức lo lắng bởi nguy cơ mất cắp và tiêu hao sản lượng do cà phê chín rụng không được thu hái kịp thời.

Do tình trạng thiếu lao động, nên cứ đến đầu vụ thu hái cà phê, lại phát sinh một “thị trường lao động” tại chỗ. Bên cạnh việc người dân các nơi đến làm thuê một cách chân chính, có một số người lợi dụng câu kết với nhau tạo đường dây làm ăn bất chính, mà phổ biến là lừa đảo...

Ngoài ra, còn phát sinh tình trạng trộm cắp và các hiện tượng tiêu cực khác. Tìm được một người làm thuê phải mất vài trăm ngàn đồng tiền "cò" là vấn đề bất đắc dĩ mà người dân vùng cà phê có thể bấm bụng chấp nhận. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, công lao động vẫn đang khan hiếm, rất nhiều nhà vườn vẫn chưa tìm được. 

Kon Tum: Thành lập tổ hợp tác thu hoạch cà phê

UBND huyện Đăk Hà chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập các tổ hợp tác lao động thu hái cà phê ở các thôn, làng. Các tổ lựa chọn những người có uy tín, có ý thức tổ chức để bầu các tổ trưởng, tổ phó; mỗi tổ bố trí từ 10 - 12 lao động. UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm điều tiết lao động thu hái cà phê.

UBND huyện cũng yêu cầu các doanh nghiệp, hộ SX thu hái cà phê khi tỷ lệ quả chín trong vườn đạt từ 95% trở lên; sử dụng lao động có chứng chỉ dạy nghề, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật khi hái và chế biến.

Khánh Nguyên

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất