| Hotline: 0983.970.780

Khát nhân công thu hoạch mía

Thứ Hai 23/04/2012 , 10:47 (GMT+7)

Cho dù thời tiết khắc nghiệt nắng nóng cũng không bằng sức nóng của tình trạng thiếu nhân công thu hoạch mía.

Chúng tôi về xã Ninh Tân, địa phương có diện tích mía lớn nhất của thị xã Ninh Hoà (Khánh Hòa) vào ngày cuối tháng 4 dưới cái nắng như đổ lửa. Thế nhưng thời tiết khắc nghiệt không bằng sức nóng của tình trạng thiếu nhân công thu hoạch.

Thiếu gay gắt

Gặp lại chúng tôi, anh Nguyễn Hùng Vân, thôn Bắc, xã Ninh Tân nói như mếu: Mía chín khô hết cả rồi, nhà máy đường Cam Ranh đưa lịch chặt mà không tìm đâu ra nhân công. Nhà tôi năm nay trồng được 13 ha mía, dự kiến sản lượng đạt trên 600 tấn, tuy nhiên đến nay mới bán được cho nhà máy 250 tấn.

Cũng theo anh Vân, năm ngoái vào thời điểm này, trang trại mía của anh lúc nào cũng có khoảng 10 - 15 người chặt mía, do vậy việc thu hoạch gần như đã dứt điểm. Nay thì chỉ lèo tèo 4 - 5 lao động, nên vẫn còn hơn một nửa diện tích mía chưa thu hoạch được. Cứ đà này không biết “bơi” đến khi nào cho xong.

Việc khan hiếm nhân công chặt mía diễn ra từ đầu tháng 4, do ảnh hưởng cơn bão số 1, mưa lớn khiến lúa ĐX ngập đổ. Trong khi đó, người chặt mía thuê chủ yếu đến từ các xã lân cận. Nhưng lượng người này phải về thu hoạch lúa úng ngập. Người trồng sắn cũng cần rất nhiều lao động để thu hoạch. Tuy nhiên do gặp mưa lớn, nếu không thu hoạch sắn sẽ bị thối...

Việc khan hiếm nhân công chặt mía còn xuất phát từ người trồng mía thấy có mưa nên đã vào vụ trồng mới và chăm sóc mía non trên diện tích đã thu hoạch trước đó. Vì thế họ không đi chặt thuê, nên tình trạng khan hiếm lao động càng gay gắt.

Ngược lên thôn Trung, xã Ninh Tân cơn “khát” nhân công thu hoạch mía lại càng gay gắt hơn. Mặc dù đã gần buổi trưa, nhưng vợ chồng anh Lê Văn Nga vẫn đội nón chặt từng cây mía. "Nhà tui có 1 ha mía, khi nhà máy cấp lịch chặt, vợ chồng tôi tìm đôn tìm đáo khắp làng trên xóm dưới mà không kiếm đâu ra người nên vợ chồng tôi đành phải tự thu hoạch. Tối về tôi cày cục đi vận động những gia đình đã thu hoạch xong  đến chặt giúp, nhưng cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Hôm nào may mắn thì thuê thêm được một, hai người nhưng họ cũng chỉ chặt cho mình một buổi rồi lại thôi", anh Nga hổn hển.


Mía nhà anh Hùng đợi xe bốc về nhà máy

Còn anh Lê Thanh Hùng, thôn Trung nhà trồng gần 4 ha mía đến nay đã bán được 10 xe (mỗi xe khoảng 12 tấn), trên ruộng còn khoảng 5 xe nữa. Anh Hùng cho biết:  Thời điểm này năm trước cần bao nhiêu thợ cũng có, nhưng năm nay không có người chặt mía. Bí quá, tôi bèn vận động 4 người ở quê lên chặt giúp nếu không thì đám mía này không biết đến bao giờ mới thu hoạch xong.

Công tăng gấp đôi

Khi mía chín rộ cần có nhiều công để thu hoạch nhanh, bởi để lâu trên động ruộng hàm lượng đường sẽ giảm. Để mía không hao đường thì từ lúc chặt đến đưa về nhà máy chỉ khoảng 3 ngày. Do không tìm thuê được người nên thời gian chặt và đưa về nhà máy phải mất 5 - 7 ngày, chữ đường chắc chắn giảm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi chủ mía và người chặt thuê có thỏa thuận không tính bằng công chặt mà tính bằng bó, mỗi bó mía khoảng 10 cây để quy ra tiền công. Năm ngoái giá thuê chặt một bó mía tại Ninh Tân chỉ khoảng 700 - 800 đồng thì bước vào vụ năm nay giá tăng lên 1.000 đồng/bó, tức là mỗi tấn mía thuê người chặt chủ mía hết 1 triệu đồng. Tuy nhiên từ đầu tháng 4 đến nay, do khan hiếm người chặt mía lên mỗi bó mía chủ ruộng phải trả 1.500 - 1.700 đồng.

"Với giá thuê người chặt mía như hiện nay, mỗi ha chúng tôi mất gần 10 triệu đồng, ngoài ra do xe tải không vào đầu bờ ruộng bốc được nên phải thuê xe tăng-bo ra đường lớn chi phí hết khoảng 100 nghìn đồng/tấn; rồi tiền nước, thuốc cho người chặt mía nên chi phí cho khâu thu hoạch lên tới 16 - 17 triệu đồng/ha. Trong khi đó giá mía khoảng 980.000 đồng/tấn, trừ hết chi phí đầu tư khoảng 30 triệu đồng/ha, cùng với công thu hoạch thì coi như hết lãi", anh Hùng than thở.

Hiện nay công chặt mía cao gấp đôi năm trước, với giá công 1.500 đồng/bó, mỗi ngày, một nhân công dư sức chặt trên 100 bó mía, tính ra thu nhập mỗi ngày từ 180.000 - 200.000 đồng, giá cao là vậy nhưng nhiều hộ vẫn không tìm đâu ra người để thuê. Mặt khác thiếu lao động dẫn đến thất thoát sau thu hoạch, người làm thuê chỉ chú trọng số lượng nên chặt bừa, chừa lại gốc.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất