| Hotline: 0983.970.780

Khát vọng con đường lên núi

Thứ Hai 24/06/2019 , 09:39 (GMT+7)

Người dân Mù Cang Chải sống trên các sườn núi cao quanh năm mây phủ ước mơ về một con đường bê tông lên tới bản làng, giúp họ đi lại và mang hàng hóa được dễ dàng. Con đường sẽ góp phần giảm nghèo nhanh hơn mà bao nhiêu năm nay họ khao khát.

Mơ đường bê tông về bản

Trước khi sáp nhập, huyện Mù Cang Chải có 126 thôn bản, phần lớn nằm trên các sườn núi cao, nay sáp nhập chỉ còn 98 thôn bản. Tổng con đường tới các thôn bản khoảng 600 km, còn đến các chòm bản và các hộ gia đình thì phải trên 1.000 km. Đến nay mới bê tông hóa được 14%, chừng 84 km, còn hơn 500 km thì chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành.

Nhọc nhằn con đường lên bản vùng cao.

Giàng A Tông người dân bản Cồ Dề Sang A, là Chủ tịch Hội Nông dân xã Lao Chải, hàng ngày ông phải vượt 11 cây số xuống trụ sở làm việc, những ngày mưa thì đành ở nhà hay ngủ lại trụ sở vì con đường từ nhà ông xuống núi đặc quánh bùn đất không thể nào đi nổi. Người dân bản Cồ Dề Sang A khát khao có một con đường bê tông chỉ rộng 80cm để xe máy đi lại được dễ dàng sao mà khó khăn quá. Giàng A Tông vận động bà con góp tiền làm đường, bản Cồ Dề Sang A có 178 hộ. 

Nhưng phần lớn là hộ nghèo chẳng biết lấy tiền đâu để làm đường, họ chỉ trông vào số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2019 được chừng 200 triệu, nhưng cuối năm mới được lĩnh. Nếu không làm sớm khi mùa mưa tới dẫu có tiền cũng không làm được. Sau khi ăn Tết xong ông quyết định thế chấp ngôi nhà của gia đình vay 100 triệu để mua xi măng và vay bên ngoài 70 triệu mua cát sỏi, mỗi gia đình góp hơn 10 công lao động để làm đường. Sau hơn một tháng con đường từ QL.32 lên tới bản Cồ Dề Sang A dài 4,5 km đã hoàn thành.

Tôi muốn gặp Giàng A Tông để hỏi ý nguyện của dân bản về làm con đường, hôm nay ông đang bận tiếp xúc cử tri nên Trần Minh Vấn- bí thư xã Lao Chải bảo: Tôi sẽ đưa bác lên Cồ Dề Sang A để gặp ông Tông, đường giờ đi xe máy lên được tới nơi, dẫu sáng nay ở đây có mưa nhưng vẫn có thể đi được...

Đường lên bản Cồ Dề Sang A người dân bỏ tiền bê tông hóa.

Con đường ngược núi dốc thăm thẳm, ngồi sau xe máy của Vấn nhiều đoạn tôi run bắn, vì chỉ sơ ý là cả người và xe đều quăng xuống vực. Con đường sau trận mưa rạng sáng nay, nhiều chỗ đất sạt lở cả tảng xuống mặt đường ngập hết bánh xe. Vài chiếc xe máy dựng ở ven đường, vì bùn đất bám vào lốp xe không thể nào đi nổi. Vấn chỉ chòm rừng xanh mờ trên sườn núi: Nhà ông Tông ở trên đó, hôm nay ông ấy tiếp xúc cử tri ở nhà văn hóa nên sắp tới nơi rồi…

Quay nhìn xuống núi, QL.32 giống như một sợi chỉ uốn lượn bên dòng Nậm Kim ngầu đục.

Nhà văn hóa thôn Cồ Dề Sang A nằm cạnh điểm trường Củ Dể Xeng thuộc trường mầm non Xéo Dì Hồ. Mặc dù nhà văn hóa thôn chỉ cách đường bê tông chừng 50 m, nhưng tất cả xe máy đều phải để dưới chân dốc, bởi con đường trơn nhầy nhụa không thể nào lên nổi. 

Giàng A Tông xin phép cử tri dẫn tôi ra xem con đường lên bản Cồ Dề Sang A mới làm cách nay hơn một tháng, kể: “Bao nhiêu năm nay người dân khát khao có một con đường bê tông lên bản nhưng chẳng được. Mình mới vận động bà con góp tiền làm đường. Cũng khó khăn lắm anh ạ, bởi nhà ai ở đây cũng nghèo, phải tổ chức rất nhiều buổi họp”

Tông kể đã nói với dân bản xin thế chấp ngôi nhà để vay ngân hàng, đến khi bà con nhận được tiền bảo vệ rừng thì trả lại, nếu bà con không trả thì tôi mất nhà, bà con có chịu không? 

Người dân ra khỏi nhà đều đi ủng vào mùa mưa.

Tông đứng ra vay 170 triệu chưa tính tiền lãi, nay có con đường bê tông đi lại dễ dàng bà con cũng mừng…Tông kể từ khi có đường bê tông nhà có bao ngô, con lợn mang xuống đường bán cũng dễ. Mùa sơn tra năm nay nhiều nhà chắc không để rụng đầy gốc vì không thể gùi hết xuống núi như mọi năm, xe máy sẽ chở hết…

Nhìn con đường sạt lở nhiều đoạn, tôi hỏi ông: Bao giờ lại huy động dân bản san gạt những chỗ sạt lở như thế này? Giàng A Tông cười bảo: Bản đã ký hợp đồng với ông Giàng Lủ Súa, khi nào mưa bão đường bị sạt lở thì ông Súa sẽ chịu trách nhiệm san lấp để dân bản đi lại dễ dàng, mỗi năm bản trả ông Súa 2 triệu, nếu năm nào sạt lở nhiều thì bản sẽ họp quyết định tăng tiền công cho ông Súa...

Giàng A Tông - người vận động nhân dân làm đường.

Những người đi họp đều đi ủng, giống như người dân Cô Giắc vùng sông Đông ở nước Nga xa xôi kể cả những đứa trẻ con. Hỏi ra mới hay, đường từ các chòm bản tới đây đều là đường đất, những ngày mưa muốn ra khỏi nhà chỉ mỗi cách đi ủng, toàn dân đi ủng.
 

Đường giảm nghèo

Giàng A Tông bảo: Đường đến các chòm bản và tới từng nhà còn khoảng 8 cây số nữa. Ây dà, chưa biết bao giờ mới làm xong…

Giàng A Tông chỉ ngôi nhà ông thế chấp vay tiền làm đường.

Đường xuống núi dốc cắm mặt, Vấn phải chuyển tôi sang ngồi xe máy của Phàng A Dờ cán bộ tư pháp xã nhà ở bản Cáng Dông cách bản Cồ Dề Sang A khoảng 3 km. Hàng ngày Dờ phải xuống xã làm việc, con đường cả đi lẫn về 28 cây số, ngày mưa phải đi mất hai tiếng, còn ngày nắng thì đi mất hơn một tiếng. Dờ cho hay bản Cáng Dông có 56 hộ thì có tới 36 hộ nghèo, điện không có, mấy nhà lắp máy điện nước, ở trên núi suối chỉ có nước vào mùa mưa, mùa khô thì máy bỏ không. Cả bản không có một chiếc ti vi, vì có điện đâu mà mua ti vi, ăn tối xong mọi người đều lên giường ngủ, nhiều cặp vợ chồng sinh nhiều con vì thế. 

Con đường lên các thôn bản vùng cao đã gian nan, con đường giảm nghèo bền vững ở Mù Cang Chải còn gian nan gấp bội. Bí thư huyện ủy Nông Việt Yên đưa cho tôi xem bản kế hoạch giảm nghèo năm 2019 là 8,74%, tương ứng 1.065 hộ sẽ được giảm nghèo trong năm nay. 

Lũ trẻ đua xe gỗ trên đường bê tông.

Anh bảo tôi, tất cả các cơ quan, đoàn thể và mọi người đều phải vào cuộc, chung tay cùng người dân thực hiện kế hoạch giảm nghèo. Cán bộ phải đến tận nhà dân xem họ nghèo vì sao, nếu thiếu đất sản xuất thì vận động cộng đồng dân cư giúp họ đất sản xuất. Cán bộ khuyến nông bày cách trồng cấy, chăn nuôi cho mỗi hộ gia đình, giúp họ tự vươn lên thoát nghèo. 

Từ bao nhiêu năm nay người dân vùng cao vẫn có ý trông chờ ỷ lại vào nhà nước. Nay các hộ muốn thoát nghèo, thì từ trong ý thức của họ phải thoát khỏi sự trông chờ, ví như người dân bản Cồ Dề Sang A đã tự mình làm con đường bê tông lên bản mà không cần sự hỗ trợ của nhà nước…

Từ Cồ Dề Sang A nhìn xuống QL.32.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giây phút kinh hoàng qua lời kể của nạn nhân sống sót ở Xi măng Yên Bái

Một đêm dài vừa trải qua với các nạn nhân sống sót sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, họ kể lại câu chuyện trong nỗi đau về cả thể xác và tinh thần.