| Hotline: 0983.970.780

Khát vọng Mù Cang Chải: Bài 1 - Hạt lúa mang hình giọt mồ hôi

Thứ Hai 17/06/2019 , 08:45 (GMT+7)

Chỉ khi đến với người dân trên các sườn núi cao dốc dựng nhìn xuống những cánh đồng như vân trên bàn tay, mới thấy được khát vọng của người dân Mù Cang Chải, một trong hai huyện khó khăn nhất tỉnh Yên Bái…

6150855720
Mùa cày cấy.

Tháng 3/1975, khi đó tôi đang là giáo sinh Trường trung cấp Sư phạm Nghĩa Lộ lên Mù Cang Chải thực tập ở xã Khao Mang nằm trên sườn núi cao cách đường chừng 2 km. Chúng tôi ăn nghỉ tại trụ sở UBND xã, đó là ngôi nhà gỗ ba gian, lợp bằng các tấm gỗ pơ mu, nền đất ẩm ướt, mọi người phải chặt cây rừng làm thành cái sạp để ngủ.

Ngày ấy, chưa cấm trồng cây thuốc phiện, nên người dân trồng khắp nơi, tháng 3 đang là mùa hoa, các sườn núi rực màu hoa thuốc phiện. Tôi có cảm giác thuốc phiện hồi ấy ở đây trồng nhiều hơn cả lúa, buổi tối chúng tôi đốt đuốc đến nhà học sinh vận động các em ra lớp.

Thật khó tả nổi, những ngôi nhà tối âm âm đã bảy tám giờ tối mà chủ nhà đi nương vẫn chưa về, phải đợi một lúc lâu mới thấy vợ chồng con cái lục tục kéo nhau về. Phụ nữ thì vào bếp chuẩn bị bữa cơm tối, còn đàn ông thì xoa chân vào chổi leo lên giường hút thuốc phiện.

Đèn đốt bằng mỡ trâu ngọn lửa xanh lè cháy leo lắt trong chiếc đĩa gắn trên cây cột giữa nhà. Lửa trong bếp lò phập phù chỉ đủ soi sáng nơi cửa lò người phụ nữ đang nhặt rau, gọt bí.

Nhà có khách nên họ mới thắp chiếc đèn dầu chụp bằng vỏ chai treo lên xà nhà. Tôi ngồi bên cạnh chủ nhà đang nằm co trên giường vê thuốc lên ngọn đèn đốt bằng mỡ lợn, mùi thuốc phiện ngầy ngậy thơm lừng. Sau khi rít xong một hơi lõm má, chủ nhà phả một luồng khói xanh lơ lên trời rồi đưa chiếc tẩu cho tôi bảo: Ua mà (hút đi).

Chúng tôi đều lắc đầu, vì khi lên Mù Cang Chải nhà trường đã nhắc nhở các giáo sinh, nếu ai mà hút thuốc phiện các thấy giáo bắt được thì sẽ bị đuổi học ngay. Vì thế nên ai cũng không dám mon men tới thuốc phiện. Tuy nhiên, vẫn có người lén lút thử xem mùi thuốc thế nào, họ còn cho cả cục thuốc phiện to bằng nắm tay.

Phải chờ chủ nhà hút xong vài điểu thuốc, ông ta mới chống gối ngồi dậy nghe chúng tôi trình bày việc cho con ông đến lớp. Ông gật đầu: Được mà, hôm nào nó không đi nương thì cho nó đi học thôi…

9150856150
Mùa vàng trên Mù Cang Chải.

Bữa cơm tối dọn ra chừng đã 10 giờ đêm, nhìn vào mâm cơm là một chõ mèn mén, canh rau cải nấu với thịt chuột rừng cùng đĩa muối ớt đỏ lừ. Hỏi vì sao ăn toàn ngô thế này, chủ nhà nhăn nhó: Ruộng đâu mà trồng lúa, trên núi chỉ trồng được lúa nương thôi. Lúa ăn hết từ trước Tết rồi, bây giờ chỉ ăn ngô. Nhà còn vài bao ăn được hơn tháng nữa, năm nay đói to rồi các thầy giáo à…

Trong mấy chục năm qua, hàng ngàn ha rừng ở Mù Cang Chải bị đốn hạ để  trồng lúa nương và gieo thuốc phiện. Qua vài mùa mưa, đất dốc nên bị bào mòn rất nhanh, lúa nương trồng không lên nổi, mất mùa liên miên.

Đói, hàng ngàn người bồng bế nhau di cư vào các tỉnh Tây Nguyên, không ít gia đình buộc phải quay về. Cuộc vận động định canh định cư, làm ruộng bậc thang, trồng các giống lúa mới đã giúp người dân Mù Cang Chải có đủ gạo ăn.

Hơn chục năm qua tình trạng du canh du cư ở Mù Cang Chải đã cơ bản chấm dứt. Khát vọng bao đời của người dân Mù Cang Chải là xây dựng những thửa ruộng bậc thang để làm ra những mùa vàng. Chính sự khát vọng đó đã làm nên những cánh đồng ruộng bậc thang kỳ vĩ trên núi cao khiến bao người mê đắm.

115085537
Ruộng bậc thang khắc trên bãi đá cổ mang khát vọng người Mù Cang Chải.

Khát vọng ấy được khắc lên những tảng đá nằm trên các cánh đồng: Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Lao Chải, Dế Xu Phình…Qua cuộc thám sát đầu tiên của Bảo tàng tỉnh Yên Bái năm 2015 đã phát hiện ra bãi đá cổ ở các thôn: Tàng Ghênh, Hú Trù Lìn, Hồng Nhì Pá, trong đó tập trung nhiều nhất ở thôn Tàng Ghênh thuộc xã Lao Chải được khắc vào thế kỷ XVI-XVII, cách nay khoảng 300-400 năm.

Theo các chuyên gia, tác giả của những hình khắc trên bãi đá cổ ở Mù Cang Chải chính là người Mông chủ nhân mảnh đất Mù Cang Chải hiện nay.

Làm việc với bí thư xã Lao Chải anh Trần Minh Vấn cho hay: Toàn xã có 1.538 hộ, do sống trên núi cao, ruộng chỉ cấy được một vụ lại thiếu đất canh tác nhất là ruộng nước, nên Lao Chải hiện nay còn 57,35% hộ nghèo tưng ứng 882 hộ.

Theo Chương trình xóa nghèo bền vững, năm 2019 Lao Chải phấn đấu giảm 11% khoảng 170 hộ. Trong đó hỗ trợ đất sản xuất bằng việc khai hoang 30 ha ruộng nước cho 15 hộ. Bất cứ chỗ nào lấy được nước để làm ruộng xã đều vận động bà con khai hoang ruộng nước…

Tôi theo Vấn lên thôn Cồ Dề Sang A nằm tít trên đỉnh núi mù sương trên thăm thẳm núi cao cách trụ sở UBND xã 11 km. Mùa mưa ở Mù Cang Chải vào cuối tháng 4 kéo dài cho đến tháng 9, đây là mùa làm ruộng tất bật nhất trong năm. Vào gia đình nào cũng đều vắng bóng người.

2150855230
Cầu treo lên bản Cồ Dề Sang A.

Vấn cho hay: Suốt mùa cày cấy nhiều hộ cả nhà đều ăn ngủ ngoài lều nương mấy tháng trời, chỉ khi lúa đã tròn khóm bông đã uốn câu họ mới trở về nhà…Anh chỉ cho tôi những thửa ruộng bậc thang vừa khai hoang đất còn đỏ loét đang được lấy nước vào cấy vụ đầu tiên.

Trên Mù Cang Chải tôi có nhiều bạn, năm nào họ cũng mời tôi lên dự lễ ăn cơm mới. Hẹn hò mãi năm rồi tôi mới lên dự lễ ăn cơm mới nhà Vàng A Lử ở thôn Nả Háng Tâu, được tổ chức trước khi vào mùa gặt.

Buổi sáng vợ Lử là Hảng Thị Súa đeo gùi ra ruộng chọn những bông lúa to nhất đã chín cắt về nhà. Chị dùng bát tuốt những bông lúa ra chiếc mẹt rồi đưa vào chảo rang. Khói mù mịt, mùi lúa mới rang thơm lừng, ngôi nhà nhộn nhịp người ra người vào.

7150855905
Hảng Thị Súa cắt lúa về làm lễ cơm mới.

Sau khi lúa đã xào khô Súa đem vào giã được khoảng 5 bát gạo đầy. Những hạt gạo trắng muốt đều như nhộng ong non được Súa cho vào chiếc nồi đã đánh rửa sạch sẽ thổi cơm mới.

Sau khi cỗ bày ra Vàng A Lử chọn bộ quần áo mới để làm lễ cúng. Mâm cơm cúng được Hảng Thị Súa sắp ra đặt trên một chiếc bàn thấp dài hơn một mét, gồm một bát cơm to đầy ắp, 10 chiếc thìa cắm xung quanh, một bát thịt lợn, một bát canh măng và một chai rượu. Lử ngồi xuống rót rượu ra những chiếc chén bắt đầu cúng.

3150855380
Ruộng mới khai hoang bản Cồ Dề Sang A.

Giọng cúng của Lử trầm bổng nghe như hát, Lử vừa cúng vừa xúc cơm, thịt, canh đổ lên chiếc bàn: “Nu nó cú ua máo, blề sa sá, cú tua bua ua gà ua khấu tá, cú chi tâu nào, cú xu hu cú nả cú chí lù nào ua tề, nào sênh mo sênh dàng, sênh sái sênh lù, khớ dông khớ dừ hú si tró râu trồng râu dang, páo trà pá xú, páo tu páo kí, ua kông ua lông ua cúa dông, cú tâu nào tâu hầu cú tê tếnh tả cào seng hú...”

Nghĩa là: Hôm nay con làm cơm mới, con mổ lợn làm cơm, cơm nấu chín rồi con chưa ăn. Con xin được mời bố mẹ về ăn trước. Bố mẹ giúp chúng con trừ bệnh tật, mọi chuyện không hay, mọi điều xấu điều dở thì ra khỏi nhà. Bố mẹ giúp chúng con bảo vệ con cháu, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm sản xuất mùa màng thuận lợi...

Bài cúng của Lử dài lắm nhằm tạ ơn trời đất, thần núi, thần rừng làm ra mưa thuận gió hòa, tạ ơn bố mẹ, ông bà tổ tiên đã để lại cho cháu con những thửa ruộng bậc thang như chạm khắc vào lưng chừng núi. Sau lễ cúng ăn cơm mới, vợ chồng Vàng A Lử mới cùng con cháu ra đồng gặt lúa.

815085636
Vàng A Lử cúng cơm mới.

Bất chợt trong tôi ngân lên câu thơ mà tôi đã làm năm 1982 trong một lần ngồi dưới chòi canh lúa vào mùa gặt: Qua bàn tay tôi thấy nhiều hạt lúa/ Hình giọt mồ hôi như ngọc long lanh…

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.