| Hotline: 0983.970.780

Khát vọng Mù Cang Chải: Bài 2 - Khát vọng rừng xanh

Thứ Ba 18/06/2019 , 09:08 (GMT+7)

Huyện Mù Cang Chải có tổng diện tích tự nhiên 119.773ha, hơn 40 năm trước, nơi đây được mệnh danh là “chảo lửa cháy rừng”.

b1143635535
Rừng trồng thôn Nả Háng Tâu, nơi Phạm Thị Tiến hy sinh.

Vào mùa khô, lửa cháy rừng ngùn ngụt cả tháng trời, hàng nghìn ha rừng biến khỏi mặt đất. Đã có hai thế hệ trồng và bảo vệ rừng,  một người đã hy sinh cho màu xanh của rừng, với khát vọng: Rừng xanh sẽ phủ khắp Mù Cang Chải…

Người đã hy sinh trong trận cháy rừng mùa khô năm 1980 là chị Phạm Thị Tiến. Năm 1993 tôi viết kịch bản cho phóng sự truyền hình “Hai mươi năm với rừng xanh Yên Bái” do đạo diễn Trịnh Rãng, Xưởng phim Quân đội thực hiện.

Chúng tôi lên Mù Cang Chải quay một số cảnh, giám đốc lâm trường Púng Luông ông Lâm Phúc Cố không giấu được nỗi xúc động khi kể lại chuyện nữ y tá Phạm Thị Tiến băng mình vượt núi dập lửa cứu rừng.

b2143635656
Rừng phòng hộ đầu nguồn dòng Nậm Kim trên đèo Khau Phạ.

Đó là đầu tháng 4/1980, đang vào cuối mùa khô trời nắng và gió, lửa đốt nương tràn qua đường gianh cản lửa bén vào khu rừng thông Nả Háng Tâu, lửa cháy rất mạnh và lan ra rất nhanh, chỉ trong chốc lát vòng cung lửa đã thít ngang núi, gió càng làm cho ngọn lửa bốc cao hơn. Con trăn lửa càng trở nên hung hãn và dữ tợn, nó quăng mình từ trên sườn núi xuống rồi lại từ lòng thung vượt lên như muốn nuốt chửng lấy cánh rừng thông hình tháp.

Mọi người đều đổ cả lên rừng họ phát một đường gianh cản lửa mới chặn phía trước không để ngọn lửa băng qua. Cô y tá lâm trường Phạm Thị Tiến vừa sinh con được hơn một tháng, chị không thể ngồi yên khi thấy rừng đang bốc cháy, chị quấn con đặt xuống giường rồi lao theo mọi người lên rừng dập lửa.

Chị mải dập đám lửa lan vào rừng thông mé bên kia đồi, một trận gió xoáy tràn qua bốc cả một mảng cỏ tranh quăng lên sườn núi phía sau chị, luồng gió bị hai sườn núi ép lại thổi bùng ngọn lửa bốc cao. Mọi người thét lên: Chạy đi! Chạy đi Tiến ơi! Lửa đang cháy ở phía sau mày đấy…

Chẳng biết Tiến có nghe được những tiếng thét gọi ấy không, chị quay lại nhưng đã muộn, ngọn lửa quây chặt lấy chị tứ bề. Đôi chân của người phụ nữ mới sinh suốt mấy tiếng đồng hồ chạy dập lửa trên các triền núi lúc ấy đã kiệt sức không thể nào đứng lên nổi, sóng lửa trùm lên nuốt chửng lấy toàn thân chị…

b3143635798
Rừng giữ nước cho những thửa ruộng trên đèo Khau Phạ.

Khi thực hiện cảnh quay những em bé học sinh người Mông và những công nhân lâm trường mang những bông hoa rừng cắm trên mộ chị mà tôi cứ rưng rưng nước mắt. Chị đã ngã xuống cho màu xanh của rừng, mãi mãi những người trồng rừng nơi đây sẽ không quên chị.

Hai bản người Mông đầu tiên là Mí Háng Tâu và Nả Háng Tâu vào lâm trường, giám đốc Lâm Phúc Cố cùng với cán bộ của lâm trường ngày ấy đã tới từng nhà giải thích và trả lời từng câu hỏi của bà con, vận động bà con vào lâm trường. Điều mà ông Cố rút ra sau những trận cháy rừng: Chỉ những người dân địa phương ở đây họ mới chính là người giữ rừng, chỉ khi rừng mang lại cuộc sống no đủ cho họ.

Cuộc sống của hai bản Mí Háng Tâu và Nả Háng Tâu dần dần khá lên, mùa đến nhà nào cũng rủng rỉnh lúa ngô, tiền lương họ dành mua đài, sắm xe, con cái họ đi học đều biết chữ, “con ma” không đến bắt họ ốm đau như nhiều năm trước…họ bảo nhau: Ta vào lâm trường thôi, nhà nước bán cho ta gạo ăn, lại cho tiền trồng rừng nữa, ốm đau đi viện không mất tiền…

Thế là người Dế Xu Phình, Háng Cơ Pua, Nậm Khắt, La Pán Tẩn rủ nhau vào lâm trường. Khi ấy công nhân của lâm trường có hai trăm bảy mươi người thì công nhân người Mông là hai trăm người. Rừng giao cho từng hộ gia đình, mùa trồng cây cả nhà lên rừng, mùa khô cả nhà đi phát đường băng cản lửa.

b4143635924
Những thửa ruộng dưới cánh rừng Nậm Khắt.

Năm 2016 lâm trường Púng Luông chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải, hiện đang quản lý 55.567ha rừng, trong đó có 14.757ha rừng trồng, 32.210ha rừng tự nhiên, mỗi năm trồng mới từ 500 - 1.000ha rừng. Đây là diện tích rừng xung yếu bậc nhất tỉnh Yên Bái, bởi những khu rừng này nằm trên độ cao từ 1.500 đến 2.900m. Mùa khô chỉ cần một que diêm đủ đốt cháy cả một cánh rừng hàng tháng trời.

Vào thập niên 70, 80 của thế kỷ trước người ta thống kê mỗi mùa khô Mù Cang Chải xảy ra hàng trăm, thậm chí có năm tới cả nghìn vụ cháy rừng lớn nhỏ khiến cả một vùng đồi núi mênh mông trọc lốc. Những ai từng sống ở Mù Cang Chải những năm đó đều cảm thấy cái nóng hầm hập của mùa khô với những trận gió Lào thổi qua bỏng rát, nhiều người không chịu nổi đổ cả máu mũi.

Mù Cang Chải hiện có hơn 82.000ha rừng, trong đó trên 62.000ha rừng tự nhiên và gần 20.000ha rừng trồng, nơi dự trữ nguồn nước cung cấp cho các sông suối như sông Đà, Nậm Mu, Nậm Kim, Ngòi Hút, Nậm Tha… nơi đặt nhiều nhà máy thủy điện công suất lớn: Hòa Bình, Sơn La, Huổi Quảng, Nậm Kim, Khao Mang Thượng, Khao Mang Hạ, Hồ Bốn, Hút I, Hút II, Nậm Chiến (Sơn La)… và các cơ sở nuôi cá nước lạnh trên đèo Khau Phạ.

b514363667
Rừng trồng thôn Nả Khắt.

Nhờ có rừng giữ nước, nên nhiều cánh đồng ở Mù Cang Chải cấy được hai vụ lúa, vụ xuân 2019 Mù Cang Chải cấy 1.800ha trên tổng diện tích ruộng 3.640ha, đây là điều cách nay 20 năm không mấy người dám mơ ước. Ngoài ra, người dân nhận khoán bảo vệ rừng còn được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng gần 800.000 đồng/ha. Năm 2019 huyện Mù Cang Chải dự kiến sẽ được chi trả khoảng 50 tỷ đồng, đây là số tiền không nhỏ đối với người dân vùng cao nơi đây.

Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải Vàng A Rùa được giao quản lý 4.627,9ha khu vực xã Nậm Khắt. Rùa cho biết, rừng được chia cho 9 nhóm hộ theo cư trú thôn bản, diện tích mỗi thôn bản khác nhau.

b6143636180
Khu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Tất cả 4.627,9ha đều được giao khoán cho 967 hộ. Người bảo vệ rừng khu vực xã Nậm Khắt được nhận 750.000 đồng/ha tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, hộ nhận nhiều nhất 10ha. So với 10 năm trước, đó là điều người dân nằm mơ cũng không có. Chính vì thế, nhìn những cánh rừng trồng xanh đen, có nhiều cánh rừng trồng từ năm 1975, đã hơn 40 năm nhiều cây to bằng người ôm chưa phải chịu một lần cháy rừng.

Tôi theo Thào A Của, trưởng bản Nả Khắt tới khu rừng giáp ranh với tỉnh Sơn La, nơi đây 20 năm trước rừng nơi này cháy triền miên. Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải tiến hành trồng và giao khoán cho 108 hộ dân bản Nả Khắt bảo vệ, chăm sóc 296,5ha rừng tự nhiên, 389,9 ha rừng trồng. Của cho biết đã hơn 10 năm khu vực bản Nà Khắt không xảy ra một trận cháy rừng nào. Đang vào mùa mưa, nhìn những cánh rừng xanh mướt mải chạy ngút tầm mắt khiến tôi cứ rưng rưng nghĩ về Phạm Thị Tiến, chị đã ngã xuống mảnh đất này để những cánh rừng vươn xanh khắp các triền núi.

b7143636329
Khai thác nhựa thông, tăng nguồn thu cho người trồng rừng Mù Cang Chải.

Chị có 3 người con trai, thì 2 người đang sống trên Mù Cang Chải, đó là Phạm Tiến Lâm hiện đang là Trưởng phòng NN-PTNT, người thứ hai là Nguyễn Hùng Sơn hiện là Trưởng phòng kỹ thuật của Ban quản lý rừng phòng hộ. Tôi tới thắp hương cho chị ở ngôi nhà của Sơn mà nước mắt tuôn rơi lã chã, thầm khấn rằng: Chị Tiến ơi, khát vọng rừng xanh của chị giờ đã thành hiện thực. Người dân Mù Cang Chải đang trồng lại những cánh rừng đã mất, rừng sẽ mang lại cho họ cuộc sống ngày một no đủ hơn…

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất