| Hotline: 0983.970.780

Khát vọng nông thôn

Thứ Ba 12/02/2013 , 14:28 (GMT+7)

Hình như chỉ cần thay hai từ "kinh kỳ" cổ kính bằng hai từ "phố phường" phổ biến hơn thì câu thơ Nguyễn Bính cách nay ba phần tư thế kỷ sẽ diễn đạt trọn vẹn khát vọng của người thành phố hôm nay.

Kinh kỳ bụi quá xuân không đến

Sao chẳng về đây? Chẳng ở đây?

Hình như chỉ cần thay hai từ "kinh kỳ" cổ kính bằng hai từ "phố phường" phổ biến hơn  thì câu thơ Nguyễn Bính cách nay ba phần tư thế kỷ sẽ diễn đạt trọn vẹn khát vọng của người thành phố hôm nay. Trong cái ngột ngạt của bụi bậm, hơi xăng, xô bồ, ồn ào, chen lấn và không loại trừ sự giận dữ, quát nạt, đụng độ, xô xát thường ngày trên đường phố trong buổi xuân về "phố phường bụi quá xuân không đến", ai đó đang mơ về một cảnh sống trong lành:

Sao chẳng về đây múc nước sông

Tưới cho những luống có hoa trồng

Xuân sang hoa nụ rồi hoa nở

Phô nhụy vàng hây với cánh nhung?

[Nguyễn Bính. "Sao chẳng về đây".1944]

Nhưng rồi liệu người thành phố có "vỡ mộng" với cảnh trí của "nông thôn hiện đại" để rồi nỗi niềm thương nhớ đồng quê chỉ còn lại trong day dứt về một ký ức xa xăm?


Ảnh minh họa

Một ký ức về những "...con sông xanh biếc
                                   Nước gương trong soi tóc những hàng tre
                                   Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
                                   Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng
                                   Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
                                   Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi?
                                   Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!

[Tế Hanh. "Nhớ con sông quê hương",1956] 

Những con sông "đã tắm cả đời" tất cả chúng ta [vì ai trong chúng ta mà chẳng có một quê hương để thương, để nhớ] những con sông ấy nay đang đen kịt và bốc mùi!

Xin chỉ dừng lại ở lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy với mật độ dân số 874 người/km2, gấp đôi lưu vực sông Cầu, bị nước thải đô thị xối thẳng trực tiếp làm đen ngòm nước sông. Mỗi ngày sông Nhuệ và sông Đáy tiếp nhận khoảng 800.000 m3 nước thải sinh hoạt. Riêng sông Nhuệ tiếp nhận từ sông Kim Ngưu, Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét từ Hà Nội thải ra 400.000 m3 chưa được xử lý qua đập Thanh Liệt. Ở huyện Kim Bảng, Hà Nam, do sử dụng nước ô nhiễm của sông Nhuệ, 20% trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh đường ruột, 86% mắc bệnh giun đũa, 76% mắc bệnh giun tóc, 60% dân số của huyện bị bệnh mắt, 20% mắc bệnh ngoài da, 56% phụ nữ mắc bệnh phụ khoa. Hằng năm ở huyện này, có từ 3 đến 4 đợt cá chết nổi trắng sông vì nước ô nhiễm.[lưu ý rằng con số này đã có cách nay 5 năm].

Chao ôi, con sông Đáy thơ mộng thân quen của những vùng đầy ắp những danh lam thắng cảnh, chùa chiền, miếu mạo, đền thờ, di tích lịch sử cùng với những con sông Châu Giang, sông Tích, sông Hoàng Long, sông Đào từng tắm mát tâm hồn bao thế hệ cư dân Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình, Ninh Bình đang chuyển màu, khô kiệt và hôi thối. Không khéo đến “ngựa đá” trong “lưỡng hồi lao thạch mã” từ bài thơ của ông vua anh hùng thời Trần lao ra, cũng đến chết chìm trong dòng sông ô nhiễm thời hiện đại đang lượn sát vùng đất thiêng Tức Mạc, nơi phát tích của khí phách Đông A. 

Xuôi về một thoáng phương Nam, cả hệ thống những con sông trong lưu vực sông Đồng Nai đang chịu tác động cùng lúc từ nhiều nguồn, phần hạ lưu đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, có những đoạn đã chết và đang chết. Nước sông Đồng Nai, đoạn từ Nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại có hàm lượng chì rất cao. Còn chất hữu cơ với dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng thì đang xối vào hủy hoại hệ thống sông Sài Gòn. Riêng sông Thị Vải đã có đoạn bị chết kéo dài từ sau khu vực hợp lưu suối Cả-Đồng Nai đến khu công nghiệp Mỹ Xuân.

Những cảnh quan thuần phác và thơ mộng của ngôi làng quê sâu đậm trong ký ức tuổi thơ đang mất dần. Thay vào đó là một nông thôn nham nhở đan chen nhau những ngôi nhà cổ lụi tàn bên cạnh những ngôi nhà mới bê tông với kiểu dáng kiến trúc kệch cỡm phô bày cái thị hiếu “trọc phú” của những nhà giàu vừa mới phất, đè nặng lên những mái nhà tồi tàn, xơ xác của những người nghèo không sao dành dụm được tiền để tu sửa. Mạnh ai nấy làm, nông thôn dường như còn nằm ngoài những hoạt động sang trọng của các nhà quy hoạch đang quá thiếu thời gian cho những bản vẽ các khu “resort”, các villa của những “đại gia”.

Cùng với nguồn nước bị đầu độc là bầu không khí bị ô nhiễm từ bụi với quá nhiều độc tố có sức gặm nhấm và hủy hoại sức khỏe của người nông dân, nhất là người già và con trẻ. Bụi và độc tố trong không khí mà những người dân quê đang hàng ngày hít thở cũng nguy hiểm không kém gì khói bụi chứa độc tố mà người thành thị đang hít thở, thậm chí, có những vùng còn nguy hại hơn. Nông thôn đang phải gánh chịu rác đô thị thải về một cách ngang nhiên và có tổ chức, mà cộng thêm vào đó là tình trạng rác của người nông thôn thải ra cũng chất đống ngay tại đó không hề có chuyện phải lo thu gom như người ta đã thu gom rác ở thành phố! Người ta chỉ chăm chỉ gom nhặt từng cọng rác ở những khu đất màu mỡ của làng quê nay đng trở thành những "khu “resort”, các villa của những “đại gia” vừa nói trên. Và điều không thể không xảy ra đã xảy ra: những người có chút ít học vấn phải rời bỏ nông thôn, nam nữ thanh niên lũ lượt bỏ làng quê ra tỉnh kiếm sống để lại nông thôn cho người già và trẻ con!

Và cùng với nó là những vụ khiếu kiện về đất đang bùng lên dai dẳng. Ở đây khát vọng đất đang phải đọ sức gay gắt với lực hút của đất. Khát vọng của người cày và lực hút với nhà đầu tư. Như chiếc đũa thần trong chuyện cổ tích, chỉ "thay đổi mục đích sử dụng" với những đường ghi nét vẽ trên bản đồ quy hoạch được xây dựng trong phòng gắn máy lạnh với phí bôi trơn guồng máy vận hành tương thích, là giá trị của mảnh đất tăng lên cấp số nhân. "Ăn đất" là món "ăn bẫm", gọn cực kỳ để rồi "nhất bản vạn lợi"!

Người thì sinh sôi nảy nở, còn đất thì không. Đất chỉ co lại và biến dạng. "Mạnh vì gạo, bạo vì tiền", người cày làm ra gạo, nhưng gạo lại quy ra tiền, mà người có tiền, nhiều tiền lại không phải là người làm ra gạo "dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần". Vậy là sự tàn bạo của đồng tiền, của kẻ có tiền, đẩy tới những đụng độ xã hội gay gắt mà phần thiệt luôn nghiêng về phía người nông dân. Lực hút của đất, vì vậy, khiến người ta bất chấp đạo lý lẫn luật pháp. Người mất đất tuy thấp cổ bé miệng nhưng vì sự sinh tồn, không thể khoanh tay chịu chết. Thời trước thì sử thường ghi "giặc giã nổi lên như ong dấy", gọi đúng tên là các cuộc nông dân khởi nghĩa với những "Quận He, Quân Hẻo"... thế kỷ XVIII. Giờ thì gọi là các cuộc khiếu kiện đông người. Thống kê của Thanh tra Chính phủ được công bố tháng 12/2011 cho thấy, số hồ sơ khiếu nại về đất đai chiếm tỉ lệ không dưới 80% tổng số hồ sơ khiếu nại phát sinh của cả nước, trong đó có tới 50% khiếu nại đúng. Chắc chắn là trong thực tế, con số ấy lớn hơn nhiều.

Ấy vậy mà đất vốn hiền hòa, thân thiện. Chẳng thế mà có câu "lành như đất". Nhưng lại cũng có câu "đất bằng nổi sóng". Đừng đẩy người nông dân lâm vào cảnh ngộ bất đắc dĩ phải "đất khách quê người" tha phương cầu thực vì mất đất, lâm vào cảnh "đất thấp trời cao, ăn làm sao, nói làm sao bây giờ" khiến cho "đất bằng nổi sóng đùng đùng". Muốn vậy, phải nhớ lời răn của ông cha ta "phi nông bất ổn". Ở đây, khái niệm "nông" phải bao hàm cả ba thực thể: nông dân, nông thôn, nông nghiệp. [Tiện đây xin kiến nghị: tha cho đừng dùng chữ Tàu "tam nông" nữa, kỳ lắm]. Quên đi một, sẽ là khập khiễng, như "kiềng ba chân" chỉ còn hai!


Được mùa

Bằng một tư duy mới, phóng tầm mắt nhìn ra thế giới sẽ ngộ ra rằng vai trò của nông dân, nông thôn nông nghiệp chẳng những không bị giảm sút, mà đang hình thành những nét mới mẻ và đặc sắc. Vai trò mới đó được mở rộng và nâng cao hơn nhiều so với nhiều thế kỷ trước của những nền văn minh đã qua. Có thể phác họa như sau: Ngay cả khi đất nước đã thành nước công nghiệp, thậm chí nước hậu công nghiệp, thì nông nghiệp hiện đại luôn luôn là một ngành kinh tế và một loại dịch vụ có năng suất và hiệu quả dịch vụ cao, có giá trị sử dụng thiết yếu không gì có thể thay thế được. Chúng tạo ra giá trị gia tăng lớn, có thể, cần phải và hiện đang trở thành một ngành rất quan trọng của kinh tế tri thức. Mà nói đên nông nghiệp tức là nói đến nông thôn, đồng nghĩa với kinh tế nông thôn, xã hội nông thôn, cuộc sống nôngmà người nông dân là chủ thể. thôn

 Và như vậy thì, nông thôn không phải là địa bàn thứ yếu, kém phát triển về mọi mặt, và hậu phương phụ thuộc vào thành thị, cho nên tại đó, con người, nhất là lớp trẻ khao khát hướng ra thành thị văn minh còn tại nông thôn là nơi chất chứa mọi nét cổ hủ, lỗi thời. Không phải vậy. Trong sự quá tải và đầy ô nhiễm của cuộc sống đô thị, người ta ngày nhận ra rằng nông thôn hiện đại chính là: Một dạng tổ chức và vận hành cuộc sống có nhiều ưu việt, trong đó không thiếu những thị trấn văn minh với những nét thú vị hơn đô thị nhiều. Đây chính là một địa bàn có thế mạnh để giữ gìn và tô điểm cho môi trường sinh thái của loài người, ở đấy chính là “cả hai lá phổi và trái tim” của sự sống trên trái đất. Đây cũng là một không gian rộng lớn, có kinh tế và đời sống phát triển, tại đó con người được sống gắn bó, hài hòa với thiên nhiên, cây cỏ, chim muông, sông núi, đất trời, thoát khỏi sự ngột ngạt của những khối bê tông, sắt thép và kính của những ngôi nhà chọc trời chen nhau. Vì vậy, nơi đây sẽ là một nơi nghỉ ngơi lành mạnh, một nguồn giải trí phong phú, một vùng du lịch đa dạng, một cõi yên tĩnh, thanh bình để con người khôi phục và tăng cường sức sống, có điều kiện để trầm lặng suy tư, chuẩn bị những quyết định lớn và những hành động quan trọng.

Hiểu như vậy thì nền nông nghiệp và nông thôn hiện đại không chỉ là một nhân tố thụ động, cung cấp một số nguồn lực, phương tiện và điều kiện cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà có một vai trò rất chủ động, là một cỗ máy động cơ, là một tuốc-bin phát lực của toàn bộ nền kinh tế và xã hội. (không dùng các từ “động cơ” hoặc “động lực”, vì như vậy dễ bị hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ thiên về tinh thần).

Chừng hơn một thập kỷ qua, trên thế giới người ta càng ngày càng nói nhiều về “nền nông nghiệp bền vững”, bộ phận hợp thành thiết yếu của nền kinh tế hiện đại phát triển bền vững: một nền nông nghiệp bền vững phải đạt được cả ba mục tiêu: đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm công băng kinh tế và công bằng xã hội, gìn giữ và làm phong phú môi trường.

Một ảo tưởng hay là ảo ảnh được tạo ra chăng?

Tùy thuộc vào cách tư duy của mỗi người. Chỉ biết rằng, trong "ngôi làng toàn cầu" đã trở nên chật chội và gần gũi này, đã có những vùng đất "lành" như vậy. Tại đó, người nông dân với môi trường nông thôn nơi họ sống và tổ chức một nền nông nghiệp bền vững, đương nhiên, chưa là một hiện thực phổ biến song đây là cơ hội và cũng là thách thức thuộc loại lớn nhất của loài người trong thế kỷ XXI này. 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.