| Hotline: 0983.970.780

Khát vọng Việt Nam, Ý chí Việt Nam

Thứ Bảy 25/01/2020 , 09:01 (GMT+7)

Điểm qua kết quả của những năm vừa qua, sau hơn 30 năm đổi mới, đến nay nông nghiệp đã đạt được những thành tựu rất căn bản, quan trọng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Đinh Tùng.

10 năm qua tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp liên tục đạt từ 2,8 - 3%, đây là tốc độ cao trên thế giới. Từ chỗ duy trì được tốc độ cao như vậy, sức sản xuất của Việt Nam với các nông sản lớn ở quy mô tốt.
 

Thành tựu, thách thức và cơ hội phát triển

Hàng năm Việt Nam sản xuất được khối lượng lương thực 45 triệu tấn thóc và 5 triệu tấn ngô, tổng là 50 triệu tấn. Chúng ta cũng sản xuất được 5,8 triệu tấn thịt các loại hàng năm và 8 triệu tấn thủy sản cả khai thác và nuôi trồng; gần 20 triệu m3 gỗ rừng trồng và giá trị lớn về cây công nghiệp.

Như cà phê của Việt Nam hiện nay đứng thứ 2 trên thế giới về sản lượng thô, hạt tiêu đứng đầu và cao su ở vị trí thứ 6. Quy mô sản xuất nông sản của Việt Nam ngày một tăng, đáp ứng cơ bản nhu cầu cho 100 triệu dân và dành phần xuất khẩu rất lớn với giá trị xuất khẩu nông sản lên đến trên 40 tỷ USD đi đến 185 thị trường trên thế giới, bao gồm cả những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn cao như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc hay Trung Quốc.

Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 10 năm qua, từ chỗ định hướng hình thành những bước đi ban đầu, đến nay chúng ta đã tập trung cố gắng vượt bậc với kết quả rất đáng trân trọng.

Trong vòng 10 năm, cả nước đã đầu tư đến 2,4 triệu tỷ đồng vào các thiết chế hạ tầng và thúc đẩy sản xuất kinh tế nông thôn, đặc biệt là các nhóm thiết chế hạ tầng lớn như giao thông, thủy lợi. Việt Nam, quốc gia có đến 2/3 là đồi núi và 20 triệu dân sống ở vùng biên viễn, miền núi nhưng cơ bản gần 100% số xã có điện, đây là một thành tựu nổi bật trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới vừa qua.

EVN đã cấp điện đến gần 100% số xã.(Ảnh minh họa). Nguồn: TTXVN.

Đời sống ở khu vực nông thôn, sau 10 năm đã được nâng lên từ 10 triệu đồng/người/năm vào năm 2009 - 2010, đến 2019 đã đạt xấp xỉ 40 triệu đồng/người. Tỷ lệ nghèo đã giảm từ 16% xuống còn 4,7% và theo một tiêu chuẩn nghèo đa chiều, khác hẳn những tiêu chuẩn thấp của năm 2015.

Như vậy, bức tranh chung có thể nói chúng ta đã đạt được những thành tựu rất nổi bật, quan trọng, đáng tự hào trong 10 năm qua. Tuy nhiên, trong các năm tới cần xác định không được bằng lòng với những kết quả này. Bởi vì có một số nhóm vấn đề lớn cần phân tích kỹ để tái cấu trúc.

Thứ nhất, bên cạnh những thành tựu trên, chúng ta đang phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn. Đầu tiên là Việt Nam chủ yếu vẫn đang sản xuất ở quy mô hộ nhỏ lẻ. Đây là nút thắt, nếu càng hội nhập sâu rộng thì sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ càng khó cạnh tranh. Ngoài ra, để phục vụ thị trường nội địa 100 triệu dân thì sản xuất nhỏ lẻ cũng rất khó kiểm soát về chất lượng, quy trình, giá thành…

Thách thức thứ hai là tác động của biến đổi khí hậu khi Việt Nam là một trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất của biến đổi khí hậu, xảy ra trên cả 7 vùng kinh tế xã hội, trong đó những vùng trọng yếu về sản xuất nông nghiệp, nông thôn chịu tổn thương lớn nhất, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, vùng ven biển và đồng bằng sông Hồng.

Điều này không chỉ kìm hãm tăng trưởng nói chung, trong đó có khu vực nông nghiệp mà thậm chí còn có thể đưa tất cả về con số 0 nếu xảy ra thiên tai.

Thách thứ thứ ba chúng ta phải đối mặt là hội nhập. Việt Nam đang thực thi 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) và tới đây sẽ thêm 2 nghị định với châu Âu và triển khai thực hiện tích cực Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Có thể nói, Việt Nam liên tục chủ động, tích cực, tuân thủ hội nhập một cách sâu rộng với đời sống kinh tế toàn cầu.

Hiệp định CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% vào năm 2035.

Mặt tích cực là chúng ta được mở rộng thị trường, buộc phải thay đổi công nghệ, thay đổi cách quản trị hay có thể nói là thay đổi về thể chế, pháp luật cho đến tổ chức, tiêu chuẩn, quy chuẩn, cách làm của quốc tế.

Bên cạnh đó, phải đối mặt cạnh tranh khốc liệt với xuất phát điểm không đồng đều. Chúng ta ở mức thu nhập dưới 3.000 USD/người/năm nhưng phải cạnh tranh với những quốc gia có thu nhập lên đến hàng chục ngàn USD/người/năm. Các nước có tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học, tiềm lực về tài nguyên lớn như vậy khiến Việt Nam gặp phải không ít khó khăn.

Đây là 3 thách thức khiến chúng ta không được bằng lòng mà phải nhìn nhận để làm sao tổ chức sản xuất khắc phục được những thách thứ này.

Thứ hai, khi nhìn sâu vào những tiềm năng, lợi thế thì những thành tựu vừa qua của chúng ta vẫn còn dưới tiềm năng, vẫn còn nhiều cơ hội phát triển. Tiềm năng đó là gì, là sự khát vọng của con người Việt Nam với quy mô dân số gần 100 triệu với truyền thống, với tư duy sáng tạo và với sự cần cù, chịu khó, đó là tài nguyên lớn nhất. Lịch sử 30 năm đổi mới chứng minh với nguồn tài nguyên hữu hạn về đất đai, nước nhưng chúng ta đã làm nên những câu chuyện lịch sử, không lý gì trong thời gian tới không thể viết nên những câu chuyện, tiếp tục những truyền thống trong giai đoạn mới.

Việt Nam trải dài trên 15 vĩ độ với 2/3 diện tích là núi và cao nguyên nên rất đa dạng về sinh thái, đa dạng về thổ nhưỡng và kéo theo đó là đa dạng sinh học. Đây chính là những thế mạnh của Việt Nam, chỉ có 10 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và hơn 14 triệu ha rừng nhưng nếu biết tận dụng chúng ta có thể làm ra khối lượng nông sản khổng lồ. Đó là những nông sản đặc thù của vùng nhiệt đới, nông sản đặc thù ôn đới ở những vùng núi cao, nông sản á nhiệt đới ở vùng giao thoa. Như vậy, nếu biết cách khai thác chúng ta sẽ có cả 3 nhóm nông sản nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới mà không dễ gì một quốc gia có được.

Ngoài ra, Việt Nam có hàng nghìn giống bản địa từ cây, con, thổ sản...; bờ biển dài 3.260km, 28 tỉnh duyên hải và vùng thềm lục địa 1 triệu km2, là những tiềm năng rất lớn. Điều đó cho thấy việc phục vụ nông sản cho 100 triệu dân và xuất khẩu đạt trên 40 tỷ USD chưa phải là giới hạn tiềm năng.

Chế biến cá tra xuất khẩu.

Thứ ba, thế giới rồi sẽ tăng dân số, dự báo đến 2050 sẽ đạt 9,7 tỷ người và một trong những nỗi lo lớn nhất khi đó là lương thực, càng nghiêm trọng hơn trước bối cảnh biến đổi khí hậu. Chúng ta cần nhìn nhận ở cơ hội thị trường khi cả thế giới mỗi năm cần trung bình 3.000 tỷ USD nông sản, trong đó có 2.000 tỷ thương mại.

Thực tiễn chứng minh trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chúng ta đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Ở khu vực, ở tỉnh, ở vùng, ở nhóm ngành hàng nào cũng tìm thấy sự điển hình trong mô hình.

Nhóm sản phẩm quốc gia hiện nay bò sữa Việt Nam rất tiên tiến, đứng đầu ASEAN và thuộc nhóm đầu của châu Á. Năng suất sữa bình quân của Việt Nam được xếp vào nhóm tương đương Hàn Quốc và Nhật Bản. Ở Đông Nam Á chúng ta đã vượt Thái Lan dù bạn đi trước chúng ta, hiện nay năng suất sữa của Thái Lan là 4.400 kg/chu kỳ nhưng con số này của Việt Nam là 5.200kg.

Nói như vậy để thấy rằng chúng ta có thể nêu ra một khát vọng Việt Nam tiếp tục phải đột phá, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa hội nhập, hiệu quả.
 

Xây dựng những miền quê đáng sống

Đi đôi với việc xây dựng nền nông nghiệp như vậy, chúng ta phải xây dựng chương trình nông thôn mới của Việt Nam, những miền quê mà ở đó sản xuất nông nghiệp gắn với kinh tế nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa. Vùng quê đó không chỉ đẹp về cảnh quan, đẹp về văn hóa mà phải trong sạch về môi trường, trở thành nơi đáng sống.

Khi đó, đội ngũ nông dân không phải con trâu đi trước cái cày đi sau mà là nông dân ở thời đại mới, áp dụng công nghệ 4.0 để có thể quản trị theo hướng hội nhập dù là quy mô nhỏ hay quy mô vừa. Những người nông dân tận dụng thông tin để không chỉ sản xuất cho gia đình mà còn phục vụ thị trường trong nước lẫn toàn cầu.

Cụ thể: Trong 5 năm tới, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta sẽ xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa có quy mô tập trung ở từng nhóm mặt hàng phù hợp với địa dư, quy mô và diện tích đất đai.

Nông nghiệp Việt Nam cần hướng tới mục tiêu tăng trưởng bình quân từ 3 - 3,5% trong 5 năm tới và giá trị xuất khẩu nông sản đến năm 2025 vào khoảng 50 tỷ USD. Phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% nhưng ½ trong số đó là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, đây là bản chất của chất lượng rừng để đảm bảo sinh thái, đa dạng sinh học và môi trường. Phần còn lại là rừng kinh tế, trồng gỗ và các loại lâm, thổ sản, dược liệu khác.

Phấn đấu đến năm 2025 có 80% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và đời sống nhân dân ở vùng nông thôn phải ít nhất được nâng cao 1,8 - 2 lần so với năm 2020.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 có 80% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

Chúng ta rất tự hào khi có đội ngũ nông dân, doanh nhân của các thành phần kinh tế đã thực hiện rất tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, làm nên thành tựu hết sức to lớn, đáng trân trọng.

Tới đây, trong lĩnh vực nông nghiệp chúng ta cần có những khát vọng mới. Làm sao bà con nông dân có mùa màng bội thu, cải thiện cuộc sống ấm no, có được những vùng quê giàu đẹp, đáng sống.

Về lâu dài, chúng ta phát huy các thành tựu, nền tảng đã đạt được, phát huy sức mạnh tiềm năng từ khát vọng của con người Việt Nam cộng với những thành tựu của khoa học trong thời đại 4.0 để làm nên tiếp một giai đoạn phát triển mới cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đáng tự hào, có bản sắc và khẳng định được trong quá trình hội nhập toàn cầu.

Để đảm bảo được những mục tiêu chung đó chúng ta có các nhóm giải pháp lớn, đầu tiên là làm sâu sắc hơn, hiệu quả hơn chương trình tái cơ cấu nông nghiệp. Tập trung trên 3 trục sản phẩm quốc gia, tỉnh và OCOP, tổ chức chuỗi giá trị của từng ngành hàng trên 3 trục sản phẩm nói trên.

Ví dụ, trục sản phẩm quốc gia Việt Nam đang có 10 sản phẩm có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên thì 5 năm tới phấn đấu gia tăng giá trị trong từng nhóm sản phẩm, vượt con số 1 tỷ USD.

Ngoài ra, cần tìm kiếm thêm nhóm sản phẩm quốc gia mới với các đối tượng sản xuất mới.

Có thể kể đến như chuối có thể xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, chăn nuôi cũng có thể đạt được con số này. Bên cạnh đó, cây dừa vừa có khả năng thích nghi biến đổi khí hậu vừa có tiềm năng lớn ở 13 tỉnh ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung, lại có hệ sinh thái kinh tế qua công nghiệp chế biến tốt và thế giới đang cần.

Những ví dụ trên để nhấn mạnh rằng 3 trục sản phẩm đều phải làm sâu sắc và hiệu quả hơn bằng giá trị gia tăng. Ở sản phẩm cấp tỉnh, sẽ bàn bạc và cho ra mắt những câu lạc bộ, đưa các nông sản cấp tỉnh đạt mức 500 triệu USD vào để lan tỏa, tạo thành sân chơi tích cực cho nông sản. Với sản phẩm OCOP, phấn đấu trong 5 năm tới đạt 40.000 sản phẩm.

Tóm lại, cả 3 trục sản phẩm nói trên đều phải tái cơ cấu theo hướng tập trung, chuỗi liên kết và giá trị gia tăng theo nguyên tắc thích ứng biến đổi khí hậu, tận dụng lợi thế cạnh tranh và đảm bảo hiệu quả sản xuất chuỗi.

Để làm được điều đó cần chú ý đến những biện pháp thực hiện, thứ nhất, coi khoa học công nghệ là giải pháp then chốt, quyết định cho cả 3 trục sản phẩm.

Tận dụng tốt nhất những thành tựu của khoa học, công nghệ 4.0 để áp dụng vào từng quy mô, từng ngành hàng, từng khu vực, từng địa phương cho phù hợp.

Phải coi doanh nghiệp và hợp tác xã là xương sống trong chuỗi liên kết để gắn kết từ khâu nguyên liệu, chế biến cho đến tổ chức thương mại.

Không có doanh nghiệp, không có hợp tác xã thì sẽ không có thành công trong tái cơ cấu. Chúng ta phải coi đây là hạt nhân, phải dành sự quan tâm, nỗ lực và chính sách để họ có thể phát triển.

Không có doanh nghiệp, không có hợp tác xã thì sẽ không có thành công trong tái cơ cấu (Ảnh minh họa).

Mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 25.000 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào khu vực nông nghiệp và 50.000 doanh nghiệp đầu tư gián tiếp. Hiện nay, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp đang là hơn 12.000.

Bên cạnh đó, 5 năm tới chúng ta cần phấn đấu đạt hơn 35.000 hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp từ con số 15.800 hiện nay. Khi đó, cùng với 40.000 hộ trang trại và 8 triệu hộ nông dân, chúng ta sẽ xây dựng những vùng sản xuất tập trung của nền kinh tế hàng hóa theo hướng hội nhập.
 

Tiếp tục cho một giai đoạn mới

Bên cạnh tổng huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực toàn dân cần có chương trình hành động rất rõ của 3 khu vực: Chính phủ, doanh nghiệp và toàn dân, phải có sự cố gắng đồng đều chung của cả 3 khu vực mới thành công được. Một mặt chúng ta hoàn thiện tốt thể chế từ chính sách, luật và các văn bản, vừa đủ sức hội nhập vừa đủ minh bạch để các thành phần kinh tế tập trung vào.

Trong nông nghiệp đã có các cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như Nghị định 57 và 98 nhưng vẫn còn những nút thắt, những khó khăn ví dụ như các tỉnh vẫn chưa tạo ra được nguồn lực cụ thể. Tới đây phải khác, đã có chính sách thì phải có nguồn lực để tổ chức thực hiện.

Việc đầu tư cho các thiết chế hạ tầng phục vụ sản xuất, tất cả các vùng miền còn rất thấp so với yêu cầu, cần tính toán phù hợp với quy mô và khả năng đáp ứng của nền kinh tế.

Thứ hai, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 so với 2010 - 2015 có tăng nhưng con số tuyệt đối vẫn còn thấp, chỉ có 63.000 tỷ đồng đầu tư chung. Tới đây, kể cả trung ương, tỉnh hay cơ sở đều phải tăng đầu tư, trong đó trung ương chúng tôi kiến nghị phải tăng hơn nữa. Lý do là 50% số xã còn lại đều là những địa bàn khó khăn, trống vắng thiết chế hạ tầng, vùng trũng của trình độ lao động và tỷ lệ đói nghèo.

Do đó, ngoài sự vươn lên của người dân cần thêm sự đầu tư, ngoài ngân sách cần hoàn thiện thể chế huy động công tư bằng luật PPP mới có nhiều nguồn lực khác của xã hội đầu tư vào. Sau khi hoàn thành được 50% còn lại cần tạo điều kiện để đảm bảo mục tiêu dài hơi hơn là rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng.

Đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững

Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng, chúng ta cũng phải đảm bảo sự bền vững và an sinh. Chủ trương chung của Việt Nam là không tăng về sản lượng mà tập trung khai thác chuỗi giá trị.

Ví dụ, tất cả các ngành hàng sản phẩm cây công nghiệp hiện có như cao su, cà phê, hồ tiêu đều không có chủ trương tăng diện tích và sản lượng mà lại giảm diện tích, giữ năng suất và tăng giá trị thông quá sản xuất sạch, chế biến sâu và tổ chức thị trường tốt.

Tất cả các nhóm ngành hàng từ sản phẩm quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh cho đến sản phẩm OCOP, đều phải tuân thủ nguyên tắc phát triển bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, đảm bảo sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm nhất để bảo vệ môi trường.

Từ đầu vào ứng dụng công nghệ tốt nhất như phân hữu cơ, tăng cường sản phẩm sinh học, áp dụng nền kinh tế tuần hoàn bổ trợ để khai thác sâu chuỗi giá trị mà nông nghiệp vốn là ngành rất có điều kiện để tổ chức kinh tế tuần hoàn.

Mỗi năm chúng ta có 100 triệu tấn chất thải động vật, 50 triệu tấn rơm rác, xác thực vật, 12 triệu tấn bùn của các hệ thống sản xuất thủy sản. Đó là những tiềm năng, lợi thế, trở thành phân bón rất tốt nếu sử dụng đúng.

 

(Bộ trưởng Bộ NN-PTNT)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.