| Hotline: 0983.970.780

Khe Sanh của giấc mơ 30 triệu USD

Thứ Sáu 02/05/2014 , 07:32 (GMT+7)

Bằng sự tiên cảm lạ lùng của mình, Ngô Kha đã nhìn thấy một tương lai rực rỡ của vùng đất này. Hôm nay, chúng ta đang dốc lòng xây dựng bằng niềm tin có thật một Khe Sanh ngang tầm thời đại.

Khe Sanh từ lâu đã nổi tiếng, nhất là sau khi chúng ta mở cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, Khe Sanh được giải phóng làm rúng động cả thế giới. Hai tiếng Khe Sanh mới đây lại được nhắc đến trong diễn văn nhậm chức của tổng thống Mỹ Barack Obama.

Người Pháp đã đến trồng cà phê

Tháng Tư, ngút ngàn trước mắt tôi là màu xanh của cà phê Khe Sanh. Từ Làng Vây cho đến di tích sân bay Tà Cơn, từ thung lũng Khe Sanh cho đến vùng Lìa xa ngái, màu xanh cây cà phê nói lên sự hồi sinh mãnh liệt trên vùng đất  từng là đất chết của chiến tranh.

Giai đoạn này cà phê Khe Sanh đang trổ hoa mang màu trắng yên bình. Hoa là giấc mơ của đất. Mảnh đất nào dồn nén âm ỉ những khát vọng thì đấy là mảnh đất sinh dưỡng để cây sớm đâm chồi nở hoa, kết trái.

Hơn một trăm năm trước, người Pháp đã đến Khe Sanh, họ thấy được thế mạnh của Khe Sanh với cây cà phê. Một đồn điền cà phê của người Pháp mọc lên, bà chủ có tên Rome. Từ đó Khe Sanh đã được thế giới biết đến với những lần ít ỏi sản phẩm cà phê ở đất này được gửi về Pháp làm quà.

Rồi đến những năm chuẩn bị chiến dịch giải phóng Khe Sanh vào thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, từ miền Bắc vào, các chiến sĩ giải phóng quân đã nhặt hạt cà phê hoang để rang pha uống. Đó là cà phê mọc hoang của đồn điền Rome chín rụng, chồn ăn vào dạ dày rồi thải ra nguyên hạt như đã được phơi khô.

Nơi các anh giải phóng quân năm xưa uống cà phê chính là vị trí đồn điền trước đây của bà Rome. Trải qua bao cuộc dâu bể song hương vị cà phê Khe Sanh vẫn luôn nồng nàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá Võ Thanh lãng mạn rằng Hướng Hoá chủ yếu trồng cà phê Arabica, đến nay có gần 5.000 ha và sắp đến sẽ nhiều hơn nữa, trong đó có hơn 4.000 ha cho khai thác.

Hiệp hội Cà phê Việt Nam đã chọn Khe Sanh làm nơi thử nghiệm mô hình SX cà phê chất lượng cao, mong muốn biến Khe Sanh thành một trung tâm trồng và SX cà phê của miền Trung. Địa hình ở Khe Sanh có độ cao từ 400 đến 500 m so với mặt nước biển. Cây cà phê trồng ở địa hình càng cao thì hạt càng ngon, nhân của hạt cà phê sẽ bớt đi những dấu lấm tấm.

Huyện Hướng Hoá chủ trương phục hồi cà phê Khe Sanh thành một thương hiệu nổi tiếng, xem đó là việc làm cần thiết cho mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn. Sự quyết tâm ấy chỉ sau hai mùa đã mang lại kết quả tốt đẹp. Sản lượng, chất lượng cà phê ở đây XK năm vừa rồi rất được bạn hàng tín nhiệm.

Ngoài ra, để người trồng cà phê yên tâm, nhiều DN đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, cam kết mua đúng giá thị trường và cộng thêm 150 đồng/kg quả tươi.

Những vụ cà phê của năm 2012 và 2013, trị giá XK cà phê Khe Sanh mỗi vụ đạt con số 25 triệu USD. Chỉ một mặt hàng nông sản của một huyện miền núi mà XK mang về ngần ấy ngoại tệ cho đất nước thì không phải là nhỏ. Nếu làm cà phê đúng quy trình trị giá XK sẽ cao hơn rất nhiều con số đó. Huyện Hướng Hoá cố gắng mỗi năm giá trị XK cà phê Khe Sanh đạt 30 triệu USD.

Cà phê Khe Sanh ở Mỹ và châu Âu

Mỹ hiện là nước NK cà phê lớn nhất của Việt Nam. Một thuận lợi rất lớn cho Hướng Hoá trong khi cơ cấu hiện tại mặt hàng cà phê XK của Việt Nam sang Mỹ phần lớn là cà phê Robusta, chiếm 93%, nhưng đây là chủng loại mà nhiều người Mỹ không thích. Trong lúc đó ở Hướng Hoá 100% là cà phê Arabica có chất lượng cao hơn, được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng hơn. Cà phê Khe Sanh đã có mặt ở thị trường của Mỹ và châu Âu.

Nhớ lại, mỗi lần đến thăm và làm việc tại Quảng Trị, các nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đều đến Khe Sanh thăm bà con nông dân trồng cà phê. Trong các “đặc sản” quê nhà Quảng Trị gửi làm quà cho các đoàn khách lúc nào cũng có một gói cà phê Khe Sanh. Sản vật thì ít nhưng tình cảm thì đong đầy.

Tôi nhớ, gần mười lăm năm trước, khi còn đương chức, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm Khe Sanh - Lao Bảo, ông rất vui trước câu chuyện về cà phê mang lại cuộc sống ổn định cho người dân trong vùng. Tổng Bí thư căn dặn phải biến cà phê Khe Sanh thành một thương hiệu nổi tiếng ra ngoài phạm vi Việt Nam.

Cách đây vài năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác lên thăm Khe Sanh cũng được người dân ở đây mời thưởng thức cà phê của xứ sở này. Hôm đó, ông Hồ Văn Thành, một nông dân người dân tộc Vân Kiều mời Thủ tướng uống cà phê Khe Sanh. Hương cà phê Catimo bay ra từ chiếc cốc mang mùi thơm quyến rũ, khó quên.

Trong câu chuyện hôm đó ông Thành kể hơn bốn mươi lăm năm trước ông từng đánh giặc Mỹ tại Khe Sanh. Nhưng không ngờ sau này có một cuộc hội ngộ lạ lùng. John Scott Joones và James Lary Whitlock, hai cựu binh Mỹ đã trở lại Khe Sanh thăm di tích sân bay Tà Cơn. Bùi ngùi bên giọt đắng cà phê, người cựu binh Mỹ mong muốn cà phê Khe Sanh sẽ được XK, chiếm lĩnh được thị trường ở Mỹ, làm một thức uống khó quên cho người Mỹ mỗi ngày. Để mỗi lần nhớ đến Khe Sanh người Mỹ sẽ nhớ về một loại cà phê thơm ngon, nổi tiếng.

Trở lại Khe Sanh lần ấy, sau khi uống cà phê với ông Thành, John Scott Joones đã đến di tích sân bay Tà Cơn, bốc một nắm đất Khe Sanh bỏ vào lọ nhỏ bằng thuỷ tinh mang về Mỹ làm kỷ niệm.

Một điều kỳ thú hơn, khi vào thăm Nhà bảo tàng tại tại di tích Tà Cơn giữa mênh mang cà phê, John Scott Joones nhìn vào một tấm ảnh và phát hiện ra mình có trong đó, vào một ngày sát Tết Mậu Thân 1968, khi John Scott Joones bị thương. John Scott Joones nói với ông Thành dẫu có cố gắng thì chúng ta cũng không thay đổi được quá khứ. Phải cùng nhau hướng tới tương lai tươi sáng và làm cho nó ngày càng đẹp hơn.

Từ nương rẫy, cây cà phê ra hoa, tạo qủa, cho thu hoạch, trải qua kỹ thuật chế biến cà phê trở thành sản phẩm thương mại có giá trị lớn trong các mặt hàng nông sản. Hướng Hoá đang ấp ủ tham vọng đưa ngày càng nhiều sản phẩm cà phê vào thị trường Mỹ và châu Âu để mỗi năm thu về ít nhất được 30 triệu USD giá trị XK từ cà phê.

Rõ ràng gần nửa thế kỷ nay, Khe Sanh luôn là một địa danh chưa hề phai mờ trong tâm thức thời đại. Khe Sanh hôm nay không phải chỉ sống dựa vào hào quang của quá khứ. Hơn 45 năm trước, nhà thơ Ngô Kha đã viết những vần thơ hào sảng, đầy lạc quan trong “Trường ca hòa bình” ngay giữa những ngày đất nước đang mịt mùng khói lửa:

Vì ta phải thấy

Và nhất định thấy

Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo

Một thị trấn yêu kiều qua ngả Làng Vây

Bằng sự tiên cảm lạ lùng của mình, Ngô Kha đã nhìn thấy một tương lai rực rỡ của vùng đất này. Hôm nay, chúng ta đang dốc lòng xây dựng bằng niềm tin có thật một Khe Sanh ngang tầm thời đại.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất