| Hotline: 0983.970.780

Khen ai khéo biến chùa thành… chợ

Thứ Ba 03/02/2009 , 08:46 (GMT+7)

Xuất hành vào ngày mùng 3 Tết, chúng tôi đi theo cái “phần mềm văn hoá ứng xử Tết” mà cổ nhân đã “cài đặt” sẵn...

Cảnh lộn xộn trước chùa Tây Phương
Xuất hành vào ngày mùng 3 Tết, chúng tôi đi theo cái “phần mềm văn hoá ứng xử Tết” mà cổ nhân đã “cài đặt” sẵn một cách rất hợp lý (Mùng một chơi nhà, mùng hai chơi xóm, mùng ba chơi chùa). Đích ngắm đầu tiên của chúng tôi là chùa Thầy và chùa Tây Phương, hai ngôi cổ tự nổi tiếng nhất của xứ Đoài, nay đã trở thành một phần của đất “ngàn năm văn vật” Thăng Long.  

Cứ tưởng du xuân viếng chùa thì sẽ được thảnh thơi mà tận hưởng cái thanh, cái tĩnh của cõi Phật. Nào ngờ tại cả hai nơi, chúng tôi đều ngao ngán thấy một phần chùa đã biến thành… chợ mất rồi. Từ ngoài đường dẫn vào chùa cho đến sân chùa Thầy, phía sau Thuỷ đình, hàng quán đã bày kín mít, nhốn nháo kẻ bán người mua, nhao nhao tiếng chào tiếng mời mỗi lần có khách. Ngoài hàng quán còn đội quân bán rong, đeo bám khách vào tận trong Tam Bảo, lèo nhèo đến khó nghe. Chùa Tây Phương còn kinh hoàng hơn, trước cổng chùa là một cái chợ thực sự với nhan nhản những hàng quán, từ quán ăn cho đến quán tạp hoá, đồ lưu niệm, sách bói toán, tướng số… bày biện rất lộn xộn. Mấy anh bạn tôi thốt lên:

- Tây Phương mà sao đẫm mùi tục luỵ thế này?

- Trong ngũ giới của nhà Phật thì sát sinh là giới đầu tiên. Thế mà ngay trước cổng chùa, hàng ăn vẫn bày nhan nhản những gà, những ngan bị cắt cổ vặt lông, bị luộc chín rồi ngang nhiên pha, chặt… thế này, phản cảm quá…

Hàng nhiều nhưng “chặt chém” cũng ghê. Chén nước chè 1.500 đồng. Gửi một chiếc xe máy “có 5.000 đồng thôi mà bác”. Một gói muối lộc cũng 10.000 đồng. Mời anh giữ xe nhưng lại đeo biển “ban tổ chức” một chén nước, chúng tôi gợi chuyện:

- Sao lại để hàng quán lộn xộn thế này?

- Bà con họ phải đóng tiền cả đấy chú ạ. Có người tới vài chục triệu đồng, thường thường cũng sáu, bẩy triệu đồng.

- Những chừng ấy tiền, thì bao giờ cho hoà vốn?

- Ba tháng xuân là đủ thôi mà.

Thế nhưng khi anh ta vừa đi, ông chủ quán trà cho chúng tôi biết ngay, rằng chẳng ai mất đồng tiền phân bạc nào cả. “Đất vua, chùa làng”, bà con cứ tự ý chia nhau mà chiếm, mà dựng quán. Qua cổng, vượt hơn hai trăm bậc đá lên sân chùa. Cảnh tượng còn lộn xộn hơn nữa. Cửa chùa Hạ, nơi đầu tiên du khách bước vào, cũng đã bị che khuất vì hàng quán. Cái sân chùa chỉ vài trăm thước vuông mà có đến mấy chục hàng quán chen nhau, kẻ dựng dù, người căng ni lông, trông loạn cả mắt. Tôi hỏi bà hàng hương hoa, nước chè xanh:

- Dựng hàng thế này, bà phải nộp cho xã bao nhiêu tiền?

- Không phải tiền đâu. Ba ngày Tết, chúng tôi tranh thủ ra đây bán, ăn mày tý lộc Phật. Đến ngày mai, mùng 4, là họ dẹp tít ra ngoài kia rồi… 

Nếu được vậy, thì thật là may. Khởi hành từ sáu rưỡi, đến chùa mất vừa tròn một tiếng, chúng tôi cứ đinh ninh mình là những du khách đầu tiên. Nhưng không. Mới bẩy rưỡi mà khách đã rất đông rồi. Và từ tám rưỡi, chín giờ trở đi, thì lượng du khách còn đông hơn nữa. Nhiều nhất là nam thanh nữ tú. Họ đi thành đôi hay thành toán. Người đứng tuổi thường đi thành từng gia đình. Nhìn biển số xe, biết họ từ rất nhiều tỉnh xa tới. Lắng nghe lời khẩn cầu của họ trước Tam Bảo, thấy thật phong phú.

Người thì cầu xin được việc làm, người cầu duyên phận. Bắt quen với một anh sinh viên đại học Xây dựng, anh bảo tháng ba này phải làm đồ án tốt nghiệp, nên đến thắp hương xin “các ngài cho được mọi việc thuận buồm xuôi gió, đồ án được điểm cao”... Vào nhà một người quen ở xã Sài Sơn chơi (chùa Thầy nằm trên địa phận xã này), vợ chồng anh cho biết mọi năm, ngày mùng ba Tết gần như cả xã ở chùa, nhưng năm nay đón Tết kém vui, nên người trong xã lên chùa chỉ lác đác.

Hỏi vì sao kém vui, đáp rằng toàn bộ đất canh tác của xã, hơn hai trăm ha, đã bị thu hồi để giao cho tập đoàn Âu Lạc xây dựng khu Tuần Châu II quanh chùa Thầy, nhưng giá đền bù rẻ quá, với lại đất dịch vụ chưa nhìn thấy đâu, nên bà con còn khiếu nại chưa giao đất. Việc khiếu nại chưa được giải quyết, giá đất vẫn vậy. Ngay từ cuối năm 2008, tình hình đất đai ở đây đã có dấu hiệu “nóng”, nên chẳng ai yên lòng mà đón Tết…

Từ chùa Tây Phương, chúng tôi lên chùa Mía rồi về mấy chùa lớn trong nội thành Hà Nội như chùa Quán Sứ, chùa Kim Liên…Tuy chẳng ai cầu gì xin gì, mất trọn một ngày. Nỗi bâng khuâng vì cảnh lộn xộn ở mấy nơi cổ tự khiến ai cũng day dứt…

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất