| Hotline: 0983.970.780

"Khép lại quá khứ” hay bao che sai phạm?

Thứ Hai 08/10/2012 , 09:57 (GMT+7)

Vụ “ăn” đất ở Bình Dương xét về quy mô thì không thua gì vụ “ăn” đất ở phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc...

Báo NNVN số 181 (ngày 10/9/2012) có đăng bài “Bán đất trái phép ở xã Bình Dương - Ngang ngược chưa từng thấy”.

>> Trở lại vụ bán đất “ngang ngược chưa từng thấy”
>> Ngang ngược chưa từng thấy

Mới đây bản báo nhận được công văn số 26/CV-UBND đề ngày 12/9/2012, của UBND xã Bình Dương (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), do hai ông Lê Văn Khang, Chủ tịch UBND xã, và ông Lê Văn Khanh, Bí thư Đảng uỷ xã, ký, cho là báo đăng sai sự thật một số điểm trong vụ bán đất “ngang ngược chưa từng thấy”, yêu cầu báo đính chính.

Nay, NNVN hồi âm như sau: Chúng tôi rất đồng ý với hai ông là “khép lại quá khứ”. Nhưng muốn “khép lại quá khứ” thì phải làm rõ trắng đen và phải xử lý nghiêm những người làm trái pháp luật. “Khép lại” và lấp liếm, bao che là hai việc khác hẳn nhau.

Vụ “ăn” đất ở Bình Dương (xét về quy mô thì không thua gì vụ “ăn” đất ở phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, khiến nguyên Bí thư Thành uỷ; nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tam Đảo... phải nhận án tù thích đáng), chưa bao giờ khép lại, bởi người dân Bình Dương vẫn rất bức xúc trước những câu hỏi:

- Vì sao bán trái pháp luật tới trên 21 ngàn m2 đất. Tự đặt ra mức thu rồi tự ý thu tiền tới trên 38 ngàn m2 đất lấn chiếm, tự ý sửa chữa tới 171 giấy chứng nhận QSDĐ... mà ông Nguyễn Chính Nghĩa, nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Dương không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo điều 174 BLHS ?

- Tại sao hồ sơ thu chi tiền của trên 24 ngàn m2 đất lại “thất lạc, mối xông” đúng lúc cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra việc quản lý đất đai tại Bình Dương, khiến không ai biết số tiền khổng lồ ấy đi đâu? Thất lạc bao nhiêu? Mối xông bao nhiêu? Số hồ sơ “mối xông” ấy hiện nay đâu? Nếu đã tiêu huỷ thì cấp nào ra quyết định tiêu huỷ, Hội đồng tiêu huỷ gồm những ai, biên bản tiêu huỷ đâu? Không trả lời được câu hỏi đó, nhưng sao ông Lê Văn Khang, Trưởng ban Tài chính xã, người chịu trách nhiệm quản lý số hồ sơ đó, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu của cơ quan Nhà nước” theo điều 268 BLHS?

- Sau thanh tra và phúc tra, người dân Bình Dương tiếp tục phát hiện cả trăm ngàn m2 đất đã bị ông Nguyễn Chính Nghĩa bán trái pháp luật mà hai cấp thanh tra “bỏ sót”, họ liên tục có đơn tố cáo. Nhưng sao đến nay chưa có cơ quan nào vào cuộc để làm rõ đúng sai?

Trong công văn trên, hai ông Lê Văn Khang, Lê Văn Khanh khẳng định không có sai phạm trong vụ đầm Dinh. Chúng tôi xin đặt ra mấy câu hỏi:

- Theo điều 37 Luật Đất đai năm 2003, UBND tỉnh mới có thẩm quyền cho doanh nghiệp thuê đất. UBND huyện Vĩnh Tường ra quyết định thu hồi đầm Dinh cho doanh nghiệp Tuấn Đạt thuê, có trái thẩm quyền không?

- Luật Ngân sách quy định xã là cấp ngân sách nhỏ nhất. Khi đất công do xã quản lý bị thu hồi thì tiền đền bù phải nhập vào ngân sách xã. Sử dụng số tiền đó thế nào, trước hết Đảng uỷ xã phải có chủ trương, HĐND xã có nghị quyết giao cho UBND xã thực hiện. Thôn không phải là cấp ngân sách, ai cho phép xã chuyển số tiền trên 1 tỷ đồng từ ngân sách xã về “ngân sách” thôn Phong Doanh?

- Khi đền bù đầm Dinh, doanh nghiệp Tuấn Đạt trả cho dân 70,2 triệu đồng/sào Bắc bộ, nhưng đất của xã (trên 16 ngàn m2, không phải đất công ích 5%) lại chỉ có 23,4 triệu/sào? Vì sao lại có sự chênh lệch khó hiểu đó, khiến cho ngân sách xã thiệt hại tới trên 2 tỷ đồng?

Ông Lê Văn Khang cho rằng chúng tôi “nói xấu cán bộ”, bản thân ông không mua một mét vuông đất nào do ông Nguyễn Chính Nghĩa bán trái pháp luật. Sự thực ra sao? Không mua đất, thì ông lấy đâu ra 120 m2 đất ở ngã tư Yên Thịnh (đối diện với Trạm Bưu chính viễn thông) để bán cho vợ chồng anh Bình người xã Vân Xuân cùng huyện?

Không mua đất, thì tuy đã có đất ở trong làng, nhưng vì sao năm 2003 ông vẫn được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng 340 m2 tại ao Phùng, xóm Mán, thôn Tứ Kỳ? Trong khi tận năm 2004, ông vẫn khẳng định với Thanh tra tỉnh tại Trụ sở Thanh tra vào ngày 26/8 rằng: “Bình Dương không bán một mét vuông ao hồ nào, chỉ cho thuê 14 năm...”?

Bài báo của chúng tôi không nói đến khu Di tích kỷ niệm Bác Hồ về thăm Bình Dương năm 1961 đã được tỉnh quy hoạch, mà nói đến một vị trí khác, đó là nơi Bác đứng nói chuyện với nhân dân Bình Dương, đã bị ông Nguyễn Chính Nghĩa bán trái pháp luật cho ông Nhúp (con trai ông là anh Hùng). Hiện nay ông Nhúp đã xây nhà 3 tầng, nhưng để ghi nhớ sự kiện đó, ông đã dành toàn bộ tầng 3 làm bàn thờ Bác. Lòng dân còn vậy, không biết khi mắc một loạt sai phạm vừa qua, các ông Nguyễn Chính Nghĩa, Lê Văn Khang... nghĩ gì?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.