| Hotline: 0983.970.780

Khi cánh đồng mẫu bị... doanh nghiệp lừa

Thứ Hai 19/03/2012 , 10:07 (GMT+7)

Cánh đồng mẫu theo mô hình liên kết 4 nhà là một cách trồng lúa bền vững mà tỉnh Đồng Tháp hướng đến. Thế nhưng mô hình này chỉ mới triển khai làm thí điểm đã bị doanh nghiệp bẻ kèo, phá vỡ hợp đồng làm cho người sản xuất hụt hẫng, bức xúc.

Cánh đồng mẫu theo mô hình liên kết 4 nhà là một cách trồng lúa bền vững mà tỉnh Đồng Tháp hướng đến. Thế nhưng mô hình này chỉ mới triển khai làm thí điểm đã bị doanh nghiệp bẻ kèo, phá vỡ hợp đồng làm cho người sản xuất hụt hẫng, bức xúc.

DOANH NGHIỆP BẺ KÈO

Ông Nguyễn Văn Trãi, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tân Cường, xã Phú Cường, Tam Nông, Đồng Tháp, cho biết: Từ năm 2008 đến nay 245 hộ dân đang canh tác trên 600 ha trong HTX nông nghiệp Tân Cường đã bắt tay liên kết sản xuất theo hình thức cánh đồng mẫu nhưng lại thiếu doanh nghiệp thu mua. Vụ đông xuân 2011 – 2012, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo cho Sở Công thương thực hiện đề án thí điểm mô hình cánh đồng mẫu theo hình thức 4 nhà, Cty CP Docimexco (Đồng Tháp) là đơn vị thu mua toàn bộ lúa hàng hóa của xã viên.

Qui trình sản xuất phải tuân thủ theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp, ngành nông nghiệp và có sự quản lý của nhà nước. Bắt tay vào việc nông dân rất phấn khởi, làm rất bài bản, doanh nghiệp bảo gì nông dân làm nấy… Thế nhưng đến ngày thu hoạch thì doanh nghiệp bẻ kèo không thu mua lúa theo hợp đồng đã làm cho xã viên hụt hẫng, giảm niềm tin cho một đề án nhiều tham vọng của tỉnh. 

Ông Trần Văn Dũng, xã viên HTX nông nghiệp Tân Cường cầm cuốn sổ ghi chép nhật ký mà bức xúc

Ông Trần Văn Dũng, xã viên HTX nông nghiệp Tân Cường, Phú Cường, Đồng Tháp trồng 2 ha lúa bị Cty CP Docimexco bẻ kèo nói: Khi HTX ký được hợp đồng tiêu thụ lúa cho bà con xã viên với Docimexco tôi rất mừng, trong lòng tin rằng năm nay mình trồng lúa không còn bị thương lái ép giá. Đầu vụ Cty xuống cấp cho mỗi xã viên một cuốn sổ ghi chép nhật ký sản xuất và được anh em ghi chép rất kỹ. Các anh kỹ sư đưa ra qui trình, kỹ thuật, bà con đều tuân thủ làm ngay. Mục tiêu chính của người trồng lúa có diện tích nhỏ là bán được cùng một giá so với những người có diện tích sản xuất lớn. Thế nhưng mọi công sức ghi chép nhật ký sản xuất sau 100 ngày trồng lúa đã vô nghĩa, bởi Cty bẻ kèo bỏ rơi nông dân.

NÔNG DÂN "BẺ LẠI"

Do sản xuất 2 ha, thu hoạch gần 16 tấn, không đủ số lượng ghe 60 tấn thế là thương lái mua của ông Dũng thấp hơn những hộ có sản lượng lớn. Thấy vậy ông chuyển về phơi khô bán nhưng cũng vẫn thấp giá hơn người có sản lượng lớn 20 đồng/kg. Ông Dũng nói: Tôi thật sự bức xúc trước việc Cty kêu nông dân sản xuất theo qui trình của Cty, đến ngày thu hoạch thì không thu mua lúa! Không chỉ chuyện Cty phá vỡ hợp đồng thu mua lúa mà ngay đầu vụ, Cty hứa cung ứng vật tư nông nghiệp cho bà con xã viên bằng với giá đại lý cấp 1, nhưng vào vụ sản xuất lại đưa ra giá cao hơn đại lý cấp 3 tại địa phương từ 1 – 2%. Đó là giá mua tiền mặt, mua ghi nợ cuối vụ phải thế chấp tài sản và phải đóng lãi theo lãi suất ngân hàng.

Bà con xã viên thấy giá cao, mua phải thế chấp nên không mua vật tư nông nghiệp của Cty bán mà chọn mua tại địa phương qua điện thoại, không cần thế chấp. Cần bao nhiêu đại lý địa phương giao tận nhà hoặc tại ruộng, trong vòng 15 ngày tính từ ngày mua hàng thanh toán thì đại lý không tính lãi. Còn ghi nợ đến cuối vụ thì nhà nông nhận một cuốn sổ ghi số lượng vật tư nông nghiệp đã mua do đại lý giao cho nông dân, thu hoạch lúa mang sổ đến đại lý thanh toán, tính theo lãi ngân hàng còn tiện lợi hơn Cty.

Ông Nguyễn Văn Đẹp, Phó chủ nhiệm phụ trách sản xuất của HTX Tân Cường, nói: Đầu vụ triển khai chương trình liên kết này ban chủ nhiệm HTX rất hồ hởi. Gần đến ngày thu hoạch có một buổi làm việc rất chặt chẽ, có đại diện Cty, Sở Công thương, Liên minh HTX, Sở NN – PTNT, Phòng NN – PTNT huyện… Lúc đó đại diện phía Cty hứa sẽ thu mua theo giá thị trường. Khi đoàn nhà nước rút còn lại đại diện Cty đi kiểm tra đồng ruộng, nông dân và ban chủ nhiệm HTX báo lúa đã đến ngày thu hoạch.  

Ông Nguyễn Văn Đẹp, Phó chủ nhiệm HTX Tân Cường và ông Trần Văn Dũng, xã viên HTX nông nghiệp Tân Cường đang trình bày những bức xúc của mình với PV

Ban chủ nhiệm tính toán: Từ 4 – 8/3 là dứt điểm đợt 1 hơn 400 ha, thế nhưng đại diện Cty cho rằng lúa chưa đến ngày thu hoạch và Cty cho thời gian thu hoạch từ ngày 8 – 12/3 thì tất cả bà con nông dân không đồng ý. Vì căn cứ theo nhật ký sản xuất ghi trong sổ do Cty cung cấp đã vượt ngày thu hoạch, lúa đã chín vàng đồng nếu không thu hoạch sẽ bị đổ ngã, chi phí gặt đập sẽ tăng gấp đôi, thất thoát rất cao… Theo khuyến cáo của nhà khoa học, lúa chín khoảng 85 - 90% số hạt trên bông là đủ chuẩn thu hoạch. Mọi việc tưởng như đâu vào đấy nhưng đùng một cái phía Cty bẻ kèo không mua làm nông dân chới với phải chạy đôn chạy đáo tìm thương lái bán. Những người sản xuất lớn không lo cảnh thương lái ép giá, nhưng người sản xuất nhỏ thì bị thương lái ép giá thấp hơn 20 – 50 đồng/kg.

Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT Đồng Tháp đã chỉ đạo Chi cục BVTV, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và các phòng nông nghiệp tăng cường quản lý, giám sát và tìm hướng giải quyết các mâu thuẫn về thời điểm thu hoạch, công tác thu mua…

Tuy nhiên, chỉ đạo là một chuyện, để giải quyết tốt mâu thuẫn không đơn giản. Mối liên kết 4 nhà trên cánh đồng lúa hiện đại cần phải được thắt chặt, phải có hành lang pháp lý đủ mạnh mới có thể tránh được cảnh phá vỡ hợp đồng như thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Trãi nói: Theo nhận định của ban Chủ nhiệm HTX, việc Cty CP Docimexco bẻ kèo, phá vỡ hợp đồng là có khả năng Cty thiếu cơ sở vật chất như: lò sấy, phương tiện vận chuyển và kho chứa; kế tiếp Cty trước đây chỉ kinh doanh lĩnh vực gạo, còn lĩnh vực lúa mới chuyển qua nên còn dè dặt… Hiện tại, HTX còn khoảng 100 ha thu hoạch đợt 2, Cty cũng đã cử người quay lại đặt vấn đề thu mua lúa tươi theo giá thị trường nhưng vì giá lúa Jasmine giảm còn 5.500 đồng/kg nên nông dân sẽ không bán mà phơi khô trữ lại.

Còn ở HTX Phú Cường, xã Phú Cường, Tam Nông, Đồng Tháp có tổng điện tích 600 ha với 508 hộ tham gia trồng lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Trong vụ đông xuân 2011 – 2012, Cty CP Docimexco đã đến ký hợp đồng thu mua 250 ha trồng giống lúa Jasmine với nông dân theo giá thị trường, lịch thu hoạch sẽ bắt đầu từ ngày 22/3/2012.

Ông Dương Văn Hùng, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phú Cường cho biết: Rút kinh nghiệm từ HTX nông nghiệp Tân Cường nên ban chủ nhiệm đã phát văn bản mời Cty đến bàn chuyện thu mua trước 9 tuần theo hợp đồng đã ký là 7 ngày trước thu hoạch. Theo kế hoạch 22/3 tiến hành thu hoạch nhưng ngày 17/3 cán bộ Cty mới xuống kiểm tra đồng ruộng và tiếp tục hẹn ngày 19/3 quay trở lại tiếp tục thăm đồng. Trước tình hình nhùng nhằng của Cty, HTX đã mời Doanh nghiệp tư nhân Phú Cường ở An Giang sang bàn giá cả bán lúa và đơn vị này hứa thu mua hết diện tích. Theo đó, mỗi ngày xã viên HTX sẽ thu hoạch bán cho DN này 300 tấn/ngày và dự kiến thu trong 10 ngày sẽ dứt điểm.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phú Yên tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

Tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước để cảnh báo người dân tổ chức sản xuất, không để thiếu nước sinh hoạt.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm