| Hotline: 0983.970.780

Khi câu ca dao không còn đúng

Thứ Ba 05/06/2012 , 11:45 (GMT+7)

Không phải ngẫu nhiên mà bất cứ địa phương nào, trong đó có Hưng Yên, luôn khát khao thu hút công nghiệp. Tuy nhiên, vì phát triển nóng, công nghiệp mang lại quá nhiều hệ lụy, mà hiệu quả chưa như kỳ vọng. Trong khi ở đâu đó, vẫn có những địa phương tận dụng lợi thế nông nghiệp để phát triển bền vững.

Không phải ngẫu nhiên mà bất cứ địa phương nào, trong đó có Hưng Yên, luôn khát khao thu hút công nghiệp. Người ta kỳ vọng nó sẽ là cánh tay đắc lực giúp phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vì phát triển nóng, công nghiệp mang lại quá nhiều hệ lụy, mà hiệu quả chưa như kỳ vọng. Trong khi ở đâu đó, vẫn có những địa phương tận dụng lợi thế nông nghiệp để phát triển bền vững.

Hai bức tranh hoàn toàn trái ngược sẽ được phản ánh trong loạt bài này.

>> Những khu công nghiệp bỏ hoang

 

Khi câu ca dao không còn đúng

Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu. Câu ca dao này giờ đây đã không còn đúng, tuyệt đối không, ít nhất là đối với nông dân ở thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động (Hưng Yên). Những khu công nghiệp kiểu “xôi đỗ” đã đánh bại nỗ lực canh tác của họ. 

Nghèo trên cánh đồng Giàu

Suốt mấy vụ nay, anh Nguyễn Văn Thảo ở xóm Bằng Ngang, thị trấn Lương Bằng không canh tác, trồng trọt được gì trên mấy sào đất nông nghiệp của gia đình nằm ở cánh đồng Giàu. Dù đã cấy dặm đến 2-3 lần nhưng nhiều diện tích lúa của gia đình anh Thảo vẫn bị chết. Anh Thảo than thở rằng, chưa bao giờ cấy lúa lại thấy vất vả như mấy năm nay, dặm đi dặm lại mà lúa vẫn chết, phân rắc cũng nhiều hơn mà không ăn thua.


Lúa chết khiến đồng ruộng có nguy cơ bỏ hoang

Chung tình cảnh như gia đình anh Thảo, hàng loạt hộ khác như các ông Đầu Văn Biên ở thôn 1, Lê Văn Thiết, Phạm Văn Mạnh ở thôn 2… cũng đành buông xuôi, nhìn “bao nhiêu tấc vàng” không được sử dụng hiệu quả. Nguyên do cũng bởi nước thải từ các nhà máy bên cạnh đổ xuống làm cho bao nỗ lực của họ đổ xuống sông xuống biển.

Không phải đến giờ thị trấn Lương Bằng mới tràn lan đất ruộng bỏ hoang. Vài năm trước, những “tấc vàng”, “hécta vàng” mặc cho cỏ mọc đã lỗ chỗ nhưng từ đầu năm 2011, diện tích này loang rộng. “Thủ phạm” nhanh chóng được nhận diện là hàng loạt dự án xây dựng của các khu công nghiệp mới trên và giáp ranh địa bàn.

Khu công nghiệp “sinh” thì ruộng đồng “tử”, nông dân Đầu Văn Biên bức xúc nói như thế. Cũng vì quá vất vả trong việc cấy lúa mà đến vụ này, ông Biên quyết định để hơn 8 sào đất nhà mình cho cỏ mọc. Nhà ông Biên có chừng ấy ruộng khoán với 8 nhân khẩu. Chẳng có nghề phụ, nguồn sống của gia đình ông trông cậy cả vào ruộng đồng. Nay lúa không cấy được, chả biết ông Biên sẽ trông cậy vào đâu? Bởi thế, nông dân ở đây mới chua chát mà rằng “chúng tôi đã bị nghèo đi trên cánh đồng Giàu”.

Tiếng là thị trấn, nhưng nhân dân Bằng Ngang chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Chỉ có một số ít dân cư đã chuyển sang mảng dịch vụ. Thế nên, khi ruộng đất không còn khả năng canh tác, nông dân nơi đây rất hoang mang. Ông Biên bảo rằng, khó khăn lớn hiện giờ là tình trạng các dự án công nghiệp “xôi đỗ” trên các địa phương tạo ra nhiều khu vực đất sản xuất xen kẹt. Sản xuất nông nghiệp hết sức khó khăn do tưới tiêu không thuận. Không chỉ người dân mà ngay cán bộ thủy lợi cũng lúng túng. Đầu tư hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất đòi hỏi nhiều vốn mà ai biết khi nào dự án lại “khoanh” nốt.

Tức là không dễ gì “kéo” người nông dân trở lại với đồng ruộng, dù chính quyền địa phương có khuyến khích họ tiếp tục sản xuất. Chẳng mấy ai mặn mà canh tác với mảnh ruộng mà “số phận” bấp bênh. Trong khi đó, để chuyển đổi cây trồng lại phải lập dự án, xin phê duyệt… Thế là đẻ ra tình trạng nhiều nơi ruộng “sống dở, chết dở”. Làm sống lại đất ruộng hoang giờ đây rõ ràng không chỉ trông chờ vào việc bắt các chủ đầu tư dự án khớp nối hạ tầng tưới, tiêu nước hay khôi phục hệ thống mương máng đã bị phá vỡ hoặc san lấp…

Đồng ruộng “khai tử” không thể, “tái sinh” không dễ

Đi dọc quốc lộ 39, đoạn từ Phố Nối đến thành phố Hưng Yên, trong đó có huyện Kim Động, điều dễ nhận thấy là hầu hết những thửa đất “bờ xôi ruộng mật”, “thẳng cánh cò bay” đã bị các dự án lấy mất. Chuyện quy hoạch công nghiệp kiểu “xôi đỗ”, tức là chỗ nào “ngon” thì DN “nhảy” vào, đã khiến cho ruộng đất của nông dân bị chia cắt. Từ đó, hệ thống tưới tiêu cho lúa và hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bà con thôn Bằng Ngang cho biết, vụ này có tới hàng chục hộ đứng trước nguy cơ phải bỏ ruộng hoang. Trên cánh đồng của thôn Bằng Ngang có 25 ha lúa mới cấy của 75 hộ dân đang bị bức tử bởi những dòng nước đen đặc thải ra từ các nhà máy. Nước chảy đến đâu lúa chết héo ở đó. Hiện tại có khoảng 10 ha bị ảnh hưởng nặng.


Những nông dân thôn Bằng Ngang bức xúc tố cáo chuyện công nghiệp gây ô nhiễm

Điển hình là ruộng của gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh và hơn 10 hộ dân có ruộng liền kề đang lâm vào cảnh dở khóc dở mếu bởi lúa mới cấy vừa kịp bén rễ đã héo rũ, bạc trắng. Bà con bấm bụng cấy dặm đến lần thứ 3 mà lúa vẫn chết héo, nay phát chán không muốn làm nữa. Có hơn 1 ha của gần chục hộ cấy đi cấy lại nhiều lần vẫn không xong, đành bất lực bỏ ruộng đấy và ngậm ngùi tiếc nuối trước cảnh phải bỏ hoang, mất đi một vụ thóc vàng.

Nằm kề với cánh đồng thôn Bằng Ngang là khu công nghiệp gồm các nhà máy đang hoạt động như: Nhà máy chiết xuất dầu thuộc Tập đoàn Quang Minh, Cty TNHH Tae Yang Hà Nội, Nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, Cty CP Thuận Đức... Dạo quanh cánh đồng Bằng Ngang, bà con không khỏi lo lắng khi thấy những dòng nước đen đặc, bốc mùi khó chịu của các nhà máy cứ tự do thải ra, chảy xuống đồng ruộng. Nhiều người bức xúc đã lấp các cống xả nước thải của các nhà máy lại làm cho nước tràn ngập cả đường đi dài tới hàng cây số.

Dân thôn Bằng Ngang cho rằng các nhà máy này xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước trên đồng ruộng nên lúa mới chết trắng như vậy. Theo bà con Kim Động, năm 2011, cơ quan chức năng đã phát hiện nhà máy chiết xuất dầu thuộc Tập đoàn Quang Minh xả nước thải ra môi trường gây ô nhiễm nặng; công ty này đã bị phạt hơn 200 triệu đồng.

Nguyên nhân được xác định là do nguồn nước thải của một số nhà máy nằm trong cụm công nghiệp ở đây xả ra hệ thống kênh mương dẫn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và vào đồng ruộng. Mặt nước trong ruộng lúa đều nổi một lớp váng dầu trên bề mặt. Nước thải cũng là nguyên nhân làm tăng chi phí chăm sóc của các hộ dân để lúa mới có thể phát triển bình thường. Theo các hộ dân, nguồn nước thải chủ yếu của 2 nhà máy là Tae Yang và Quang Minh. Và, với tình trạng nước thải đổ tràn lan ra đồng ruộng vẫn tiếp diễn, thì việc “tái sinh” cho cánh đồng là không dễ. Hơn nữa, với hàng trăm hộ dân sống dựa vào đồng ruộng, thì việc “khai tử” cho cánh đồng trên là điều không thể.

Theo ông Trịnh Xuân Dĩnh, Chủ tịch UBND thị trấn Lương Bằng thì sau khi nhận được thông tin của dân, huyện đã kiểm tra và khắc phục sự cố và để khắc phục tình trạng này, huyện Kim Động đã có buổi gặp và làm việc với các DN sản xuất nằm trong cụm công nghiệp thị trấn Lương Bằng. Tuy nhiên, cho đến nay, cả chính quyền và DN vẫn chưa tìm ra phương án giải quyết (?!).

Trong khi bà con đang bức xúc, nghi ngờ nguồn nước thải các nhà máy hủy hoại đồng lúa, yêu cầu các DN phải có phương án giải quyết thì DN này lại đổ cho DN kia, không đơn vị nào chịu nhận. Trong khi đó, chưa cơ quan chức năng nào kiểm tra làm rõ nguyên nhân từ đâu, nguồn nước thải của các nhà máy nào gây ô nhiễm ở mức độ nào để đưa ra kết luận.

Không riêng ở Kim Động, trên đồng ruộng các huyện gần khu công nghiệp như Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ... tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ các nhà máy xả thải diễn ra phổ biến, gây nên cảnh tượng những cánh đồng liền kề không thể cấy trồng được. Bà con nông dân kiến nghị nhiều năm nhưng mọi việc không chuyển biến, đành chịu thiệt thòi, thất bát mùa riêng vì phải bỏ ruộng hoang.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Sáng 29/3, giông lốc cuốn bay nhiều mái nhà, 1 người phải đi cấp cứu

LÀO CAI Giông lốc, mưa đá vào rạng sáng nay đã gây thiệt hại tài sản của người dân trên địa bàn huyện Bát Xát.

Bình luận mới nhất