| Hotline: 0983.970.780

Khi con gái dậy thì

Thứ Tư 03/12/2014 , 08:16 (GMT+7)

Chị Hằng có cô con gái năm nay 16 tuổi, học lớp 10. Cháu có ngoại hình xinh xắn, học khá, lại ăn nói ngọt ngào nên có rất nhiều bạn bè vây quanh.

Cũng chính vì lý do đó mà chị Hằng phải bận tâm suốt ngày. Cô bé có quá nhiều chàng trai để ý. Mỗi ngày có cả chục cuộc gọi tới nhà chị (chị không cho con dùng điện thoại di động), trong đó có một người bạn gọi thường xuyên mà theo như con chị nói là bạn ấy học trên một lớp.

Chị không cấm con xã giao bạn bè cùng lớp vì trao đổi bài tập, học hỏi kinh nghiệm thi cử là điều tốt, đáng ủng hộ. Điều chị lo lắng là chàng trai ấy hơn tuổi con gái mình nên cấm tuyệt không cho con nghe máy.

Trước tình hình đó chị đã quản lý con chặt hơn, hạn chế con tiếp xúc với bạn bè khác phái. Thậm chí những cô bạn thích chưng diện, đua đòi, lười học chị cũng khuyên con nên ít tiếp xúc, tránh bị ảnh hưởng.

Ngoài giờ học ở trường, chị buộc con ở nhà để chú tâm vào việc học. Khi cần thiết mới đi chơi với bạn bè nhưng chỉ tối đa 1 giờ. Muốn mua gì, chị sẽ lo chu tất, không cần phải đi ra phố. Dù nhà kinh tế khá giả nhưng chị không mua máy tính riêng cho con học bài, làm bài tập mà dùng chung máy với chị.

Chị sợ con bé sa đà vào mạng xã hội, “chát chit” lung tung trên Internet rồi bị người ta dụ dỗ. Đã có nhiều trường hợp báo chí đăng tin tương tự khiến chị lo sợ và buộc phải khắt khe để bảo vệ con.

Nhưng chị nào có biết cô bé cũng có một tài khoản Facebook, địa chỉ e-mail do thầy tin học ở trường khuyến khích đăng ký. Bởi thời đại công nghệ, mọi thông tin về học hành thường được chuyển tải qua e-mail cho tiện lợi và nhanh chóng.

Một thời gian sau chị thấy con có vẻ buồn, đôi khi thấy mắt con đỏ hoe như vừa khóc xong. Chị hỏi gì cô bé cũng nói: “Con không sao”. Chị có cảm giác như con mình đang yêu. Cô bé hay ngồi thừ hàng giờ nhìn ra cửa sổ chỉ để ngắm hoa, hoặc cầm quyển sách mà mắt nhắm nghiền như người đang ngủ.

Có những đêm chị phát hiện phòng con bé vẫn còn mở đèn. Chị gõ cửa thì con tắt đèn ngay, gọi cũng chẳng ư hử. Cứ như thế cô bé sống cô đơn trong thế giới riêng của mình. Muốn chia sẻ niềm vui, nỗi buồn thì không có điện thoại, mạng xã hội hay e-mail.

Ra ngoài thì bị mẹ cấm cửa hoặc theo dõi. Muốn nói với mẹ vài điều thì chị lại bận rộn, hoặc chỉ muốn con nghe lời chứ không biết lắng nghe con.

Sau khi được một phụ huynh thông báo, chị mới biết là con mình và cậu trai trẻ (thường gọi điện đến nhà chị) hay gặp nhau vào giờ ra chơi. Hai đứa trong sáng, thân hơn tình bạn, hồn nhiên trong tuổi mới lớn.

Ghế đá cuối sân trường là nơi hai đứa hay ngồi trao đổi bài tập với nhau, vì vậy mà con chị Hằng học khá tốt. Nhưng cậu bé ấy giờ đã chuyển trường đi nơi khác. Mọi liên lạc bị gián đoạn nên con chị đâm ra buồn, hụt hẫng và việc học sa sút...

Quan tâm và lo lắng cho con gái ở tuổi dậy thì là nỗi niềm chung của các bậc phụ huynh. Ở lứa tuổi này trẻ có một thế giới nội tâm rất phức tạp. Có trẻ đã biết làm dáng, nổi loạn, thích kết bạn và đặc biệt là với bạn khác giới.

Do vậy trẻ dễ cảm thấy bị tổn thương khi chúng ta vô tình có những ứng xử thô bạo đối với trẻ, gây ra những hiểu lầm trong quan hệ bạn bè của trẻ. Có nhiều trường hợp con gái vì bị ba mẹ khắt khe quá mức đã bỏ nhà ra đi hoặc nghĩ quẫn kết liễu đời mình bằng thuốc ngủ, nhảy lầu, cắt mạch máu…

Đó là do ức chế tâm lý nên một khi sự căng thẳng tột cùng không được giải phóng, trẻ có thể làm liều. Vì vậy phải đặt mình vào hoàn cảnh của con để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Trước nhất là phải luôn tôn trọng con và bạn bè của con. Không nên can thiệp thô bạo hay quá sâu vào quan hệ tình bạn, tình cảm của bọn trẻ. Ai cũng có quyền riêng tư, quyền bí mật của mình.

Nếu con có quá nhiều cuộc điện thoại gọi tới ảnh hưởng đến việc học hành thì nên nhẹ nhàng góp ý, khuyên bảo bạn bè con hạn chế gọi đến, thì vẫn hay hơn là từ chối thẳng thừng. Vì biết đâu trong đó có những cuộc điện thoại hỏi bài vở hay sinh hoạt gì ở lớp thì sao?

Thứ hai, người mẹ hãy là người bạn tâm tình tuyệt vời của con. Con gái thường dễ tâm sự với mẹ. Lúc rảnh rỗi hai mẹ con nên tâm sự với nhau, gợi ý cho con kể chuyện trường lớp. Hỏi han, quan tâm đến bạn bè của con, hướng cho con vào chủ đề mình muốn nói và để giúp con gỡ bỏ những khúc mắc.

Có được người cha, người mẹ tâm lý và chia sẻ với mình những suy nghĩ, hành động của tuổi mới lớn, con trẻ sẽ tránh được những sai lầm trong cuộc sống. Vì cái tuổi dậy thì hay làm chuyện nông nổi, nếu như không có người lớn khuyên bảo nhẹ nhàng.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất