| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 11/05/2010 , 09:57 (GMT+7)

09:57 - 11/05/2010

Khi doanh nghiệp làm thay nhà nước

Bỏ tiền mua bò, giao cho người dân nuôi, cho người nuôi nợ toàn bộ tiền bò giống rồi thu hồi nợ bằng cách trừ dần vào tiền mua sữa của họ. Khi hết nợ, người nuôi trở thành chủ sở hữu của đàn bò và trở thành cổ đông của công ty với đàn bò góp vốn.

Và một khi đã trở thành cổ đông của công ty, thì 100% lượng sữa tươi của họ đảm bảo được công ty thu mua hết, cùng với tiền lãi từ bán sữa, hàng năm, mọi cổ đông còn được nhận cổ tức, điển hình như gia đình chị Lượng - anh Hiệp, lúc đầu nhận 12 con bò của công ty, chỉ mấy năm anh chị đã trả nợ hết bằng sữa tươi. Tiếp theo, anh chị nhận thêm 10 con bò Mỹ với giá trị 700 triệu đồng, và cũng đã trả hết nợ rồi trở thành cổ đông của công ty. Hàng năm, ngoài tiền lãi từ bán sữa, số tiền cổ tức 30% của anh chị cũng khá lớn. Theo thông báo của công ty, số cổ tức năm nay sẽ còn vượt hơn 30%.

Cũng bằng cách làm trên, hiện tại trên 500 hộ dân đã trở thành chủ sở hữu của những đàn bò và là cổ đông của công ty. Phấn khởi vì cuộc sống đã được đảm bảo và ngày càng khấm khá, lượng sữa ra đến đâu được mua hết đến đấy, những cổ đông trên đều coi đàn bò “như chính tính mạng của mình”, sữa của họ sản xuất ra có chất lượng ngày càng cao. Điều khiến người nuôi bò càng phấn khởi, là công ty đã trích trên 4 tỷ đồng tiền lãi để khuyến khích người nuôi bò tham gia bảo hiểm giá sữa. Mỗi kg sữa tươi, người bán đóng bảo hiểm 50 đồng. Khi giá sữa giảm từ 30%, người đóng bảo hiểm sẽ được công ty bù lại 60% giá trị bị giảm. Ví như giá sữa tươi đang từ 8.000 đ/kg, giảm 30%, còn 5.600 đồng/kg (giảm 2.400 đồng/kg), thì người đóng bảo hiểm sẽ được công ty bù 1.440 đồng/kg (60% của 2.400 đồng)…

Công ty cổ phần sữa Mộc Châu không phải là một doanh nghiệp lớn, nhưng tại sao họ lại có thể làm được như vậy? Bằng cách cho nông dân nợ tiền bò giống rồi trừ vào tiền bán sữa, công ty đã biến người nông dân từ không có tài sản thành có tài sản. Bằng cách tổ chức bảo hiểm giá sữa, thực chất là công ty đang làm thay nhà nước trong việc bình ổn giá.

Trở lại câu hỏi vì sao công ty cổ phần sữa Mộc Châu có thể làm được như vậy? Câu trả lời là, doanh nghiệp đã đồng hành cùng lợi ích của người sản xuất nguyên liệu, coi người sản xuất nguyên liệu chính là cái gốc của doanh nghiệp. Và khi cái gốc đã vững, đã bền, đã khoẻ mạnh, thì chắc chắn là thân cây sẽ phát triển, sẽ đơm hoa kết trái. Cái lý chỉ đơn giản vậy, nhưng đâu phải ai cũng nhận ra, hoặc có nhận ra, nhưng vì lợi ích cục bộ, tư duy chụp giật, rất nhiều doanh nghiệp đã không ngần ngại chèn ép cả cái “gốc” của chính mình, khiến cho gốc mục, rễ thối.

Nhìn từ công ty cổ phần sữa Mộc Châu, nghĩ đến những người sản xuất nguyên liệu khác (lúa, chè, cà phê, thuỷ hải sản, …) dư luận không khỏi suy nghĩ. Trước mỗi cuộc biến động giá nguyên liệu theo hướng đi xuống, tình trạng của họ thật thê thảm, họ chỉ đành bấm bụng chịu thu lỗ mà chẳng biết trông chờ vào đâu. Một vài giải pháp tình thế tuy có được đưa ra nhưng không giúp cho tình hình được cải thiện lâu dài, và người sản xuất vẫn trong tâm trạng phập phồng bởi cái điệp khúc “được mùa, rớt giá”.

Cách làm trên của công ty cổ phần sữa Mộc Châu rất đáng được nhân rộng.